Đường dẫn truy cập

Lệnh cấm xuất khẩu bông của Ấn Độ gây thiệt hại cho ngành dệt


Lệnh cấm xuất khẩu bông của Ấn Độ gây thiệt hại cho ngành dệt
Lệnh cấm xuất khẩu bông của Ấn Độ gây thiệt hại cho ngành dệt

Các phân tích gia trong ngành công nghiệp dệt ở Ấn Độ cho rằng lệnh cấm xuất khẩu bông đang gây thiệt hại cho các nhà sản xuất hàng dệt may ở các nước láng giềng Bangladesh và Pakistan, cũng như ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu của Ấn Độ. Từ New Delhi, thông tín viên đài VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường trình sau đây.

Quyết định bất ngờ ngưng các chuyến hàng bông thô của Ấn Độ được đưa ra nhằm làm giảm áp lực giá cả trong nước, vốn đã tăng hơn 25% kể từ hồi tháng 10 năm ngoái.

Chính phủ cho hay họ cũng muốn đảm bảo có đủ nguồn cung bông cho ngành dệt may trong nước.

Ông Dhiren Sheth, chủ tịch Hiệp hội Bông Ấn Độ, nói rằng việc đình chỉ các chuyến hàng xuất khẩu này sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của đất nước với tư cách là một nhà cung cấp nguyên liệu bông đáng tin cậy. Ấn Độ đã trở thành nước xuất khẩu bông lớn thứ hai trên thế giới.

Ông Sheth cho biết: “Giá trị của nhãn hiệu mà chúng tôi đã tạo được cho nguyên liệu bông của Ấn Độ giờ đây đang bị phai mờ. Nó gây cho người mua cảm giác mập mờ và họ sẽ có xu hướng giảm gía bông của Ấn Độ vì tính rủi ro cao gắn liền với sự thiếu chắc chắn như vậy”.

Việc đình chỉ xuất khẩu này cũng ảnh hưởng tới ngành xuất khẩu hàng dệt may đang nở rộ ở hai nước láng giềng Pakistan và Bangladesh. Mối quan ngại của họ là hành động của Ấn Độ có thể khiến cho giá bông trên thế giới tăng cao và vì vậy sẽ làm suy giảm sự cạnh tranh của nước họ trên thị trường dệt may.

Nhiều xưởng may ở những nước Nam Á này phụ thuộc vào nguyên liệu bông của Ấn Độ. Hiện giờ họ đang phải cạnh tranh nhau để đảm bảo có đủ nguồn cung từ các nước khác.

Ông Taufig Hasan, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà Sản xuất hàng Dệt may Bangladesh, cho hay ngành công nghiệp này đang đặt hy vọng vào khu vực Tây Phi.

Ông Hasan nói: "Tháng tới chúng tôi có một phái đoàn rất đông từ Tây Phi tới. Chúng tôi sẽ đề nghị với họ rằng nếu chúng tôi cung cấp kho bãi cho họ, nếu họ muốn có nhà kho ở Bangladesh, thì bất cứ khi nào cần chúng tôi cũng đều có bông mà không bị chậm trễ trong việc giao hàng.”

Ở Pakistan, các nhà xuất khẩu đã hối thúc chính phủ của họ đề nghị Ấn Độ tôn trọng các hợp đồng đã được thương thảo trước khi lệnh cấm được áp đặt. Pakistan là nhà sản xuất bông lớn, tuy nhiên họ vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của ngành dệt trong nước.

Các nhà xuất khẩu hiện đang quay sang Trung Á, Tây Phi và Hoa Kỳ để bù đắp khoản thiếu hụt này.

Ngành dệt may ở Nam Á đem về nguồn ngoại tệ vô cùng quan trọng và tạo việc làm cho hàng triệu công nhân.

Việc đình chỉ xuất khẩu của Ấn Độ cũng dẫn đến sự bất định cho nông dân nước họ, những người có thể đã chán nản trong việc trồng bông vào muà tới. Ấn Độ đã trở thành nước sản xuất bông hàng đầu trên thế giới sau khi họ thực hiện việc thay đổi gene của giống cây này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG