Kinh tế toàn cầu có phần chắc sẽ đạt mức tăng trưởng 4,6% trong năm nay, thay vì chỉ tăng 4,1% như Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo hồi tháng tư.
Phần lớn sự gia tăng này phát sinh từ sự tăng trưởng mạnh của các nền kinh tế ở Á châu và mức cầu đang lên ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong bản phúc trình công bố ngày hôm nay tại Hồng Kông Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những mối rủi ro, chủ yếu là đến từ Âu châu. IMF cho biết các nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro phải hành động để ổn định các hệ thống tài chánh của mình và giảm thiểu khoản nợ quốc gia. Tổ chức tài chánh thế giới này nói rằng những sự nghi ngờ về tình trạng tài chánh của các chính phủ, đặc biệt là tại Hy Lạp và tại những nước khác có nợ nhiều ở Âu châu, có thể lan rộng và đe dọa tới sự tăng trưởng của những nước khác trên thế giới.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo về một mối rủi ro khác, phát xuất từ Trung Quốc, vì có sự lo ngại là thị trường địa ốc đang phát triển mạnh của nước này có thể bị sụp đổ. Điều đó sẽ tác động rất nghiêm trọng tới hệ thống ngân hàng Trung Quốc và gây phương hại cho niềm tin của giới đầu tư trên khắp thế giới.
Ông Tim Condon ở Singapore là kinh tế gia trưởng của ngân hàng đầu tư ING. Ông nói rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế không lưu tâm đúng mức tới mối rủi ro của tình trạng giá nhà đất gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc.
Ông Condon nói: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có rủi ro nhiều hơn khu vực đồng euro. Các nhà đầu tư không đặt nhiều hy vọng vào sự tăng trưởng của khu vực đồng euro trước khi vụ khủng hoảng Hy Lạp xuất hiện. Trung Quốc là một vấn đề lớn hơn nhiều. Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ gần 12% trong quí đầu năm nay và sự lo ngại về khả năng xảy ra một tình trạng tuột dốc nhanh trước cuối năm nay đang tạo ra một tâm trạng lo âu thầm kín trên các thị trường chứng khoán."
IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 10% lên tới 10,5%, Nhật bản từ 1,9% lên tới 2,4%, và Aán độ lên tới 9,4% từ mức 8,8%.
Tổ chức tài chánh này dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,3%, cao hơn chút đỉnh so với dự báo trước đây là 3,1%. Tỉ lệ dự báo cho các nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro được giữ nguyên ở mức 1%.
Các nước phía nam sa mạc Sahara dự kiến sẽ tăng trưởng với tỉ lệ khoảng 5% trong khi Brazil có thể đạt mức 7%.
5 nên kinh tế chính của vùng Đông Nam Á, là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, dự kiến tăng trưởng với tỉ lệ trung bình 6,4% trong năm nay và 5,5% trong năm tới.
Các chuyên gia kinh tế của IFM cho rằng trong năm 2011 tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung sẽ chậm lại, một phần là vì những kế hoạch kích cầu được thực hiện vào năm 2008 để ứng phó với vụ khủng hoảng tài chánh sẽ bắt đầu kết thúc. Do đó, IFM giữ nguyên tỉ lệ dự báo về tăng trưởng toàn cầu ở mức 4,3% mà họ đưa ra hồi tháng tư.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết sau khi xảy ra vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu kinh tế thế giới đang hồi phục với tốc độ cao nhiều so với dự kiến. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều mối rủi ro. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Peter Simpson của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1