Đường dẫn truy cập

ILO công bố tin các xưởng may vi phạm luật lao động ở Campuchia


Công nhân làm việc trong xưởng may ở Phnom Penh, Campuchia
Công nhân làm việc trong xưởng may ở Phnom Penh, Campuchia
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hiệp quốc cho biết trong tuần này họ sẽ sửa đổi chương trình theo dõi các xưởng may quần áo ở Campuchia. Bắt đầu từ tháng giêng, ILO sẽ công bố thông tin về những xưởng may không tuân thủ những qui định quan trọng nhất của luật lao động của Campuchia. ILO dự trù bắt đầu thực hiện những cuộc kiểm tra vào tuần sau, nhưng theo tường thuật của thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA ở Phnom Penh, các thanh sát viên có thể gặp khó khăn trong việc thi hành nhiệm vụ.

Công nghiệp may mặc của Campuchia đã phát triển nhanh chóng trong 10 năm qua. Hiện nay công nghiệp này là hoạt động mang lại ngoại tệ nhiều nhất và thu dụng nhiều công nhân nhất ở Campuchia, với số người lao động lên tới 400.000 người.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của khu vực này phần lớn là nhờ vào một thỏa thuận ưu đãi mậu dịch cho phép hàng dệt may Campuchia được nhập vào thị trường Hoa Kỳ mà không phải đóng thuế. Để đổi lại, các công xưởng sản xuất quần áo xuất khẩu phải chấp nhận một chương trình kiểm tra của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO. Chương trình gọi tắt là BFC đánh giá sự tuân hành Luật Lao động Campuchia và công bố các khuyến nghị.

Thỏa thuận này là một phần của chính sách cây gậy và củ cà rốt – Campuchia được tiếp cận thị trường Mỹ nếu các công cưởng tuân thủ những qui định về điều kiện làm việc. Các công ty nước ngoài đã tận dụng thỏa thuận này để lập ra hàng trăm công xưỏng ở Campuchia.

Sau khi thỏa thuận ưu đãi mậu dịch hết hạn vào năm 2005, ILO đồng ý sẽ không công bố các kết quả kiểm tra của BFC, nhưng họ tiếp tục kiểm tra các công xưởng.

Tuy nhiên, kết quả một cuộc nghiên cứu của Đại học Luật khoa Stanford hồi tháng hai cho thấy các công xưởng làm ngơ những khuyến nghị của BFC nếu không có sự tưởng lệ tài chánh cho việc tuân thủ. Các chuyên gia cho biết điều kiện làm việc của các công nhân may mặc đã trở nên tệ hại hơn và ngày nay lương bổng của họ trên thực tế còn thấp hơn mức lương cách nay 10 năm.

Ông Jason Judd, một chuyên viên kỹ thuật của ILO về chương trình BFC, cho biết các nhà điều tra trong chương trình ở Campuchia đã nhận thấy một xu thế đáng lo ngại:

"Trong 3 năm qua chúng tôi nhận thấy sự tuân hành Luật Lao động của các công xưởng đã giảm thiểu – đã trở nên tệ hại hơn. Các điều kiện làm việc đang bị xuống cấp. Không phải tất cả các xưởng đều như vậy, nhưng nói chung thì đó là điều mà chúng tôi nhận thấy. Và chúng tôi đang quay lại với một cách làm việc cũ -- một việc mà chúng tôi đã làm trong những năm đầu của dự án, đó là tạo ra một áp lực mềm dẻo của công chúng để các công xưởng cải thiện điều kiện làm việc."

Ông Judd cho hay các nhân viên điều tra sẽ tập trung vào các vấn đề cơ bản như bảo đảm là các cửa thoát hiểm không bị khóa trong giờ làm việc và các công nhân được trả lương với mức không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Chương trình BFC chỉ có vai trò giám sát mà không có quyền chấp hành việc tuân thủ. Họ đang chuẩn bị kiểm tra khoảng 450 công xưởng. Tổ chức này cho biết bắt đầu vào tuần tới nhân viên kiểm tra của họ sẽ đánh giá sự tuân thủ của các công xưởng đối với 21 vấn đề then chốt. Các chủ nhân công xưởng sẽ có 3 tháng để thực hiện những thay đổi mà họ được yêu cầu, nếu không thì danh tánh của họ sẽ bị công khai nêu lên.

Tin tức này nhận được sự hoan nghênh của các công đoàn, một số các thương hiệu, trong đó có H&M của Thụy Điển, và những tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người lao động như Trung tâm Đoàn kết, một tổ chức bất vụ lợi thuộc một phong trào lao động có bản doanh ở Mỹ.

Ông Dave Welsh, Giám đốc quốc gia của Trung tâm Đoàn kết ở Campuchia, cho biết như sau:

"Đây là một bước tiến đúng hướng và những cơ hội mà nó mang tới cho các công đoàn, các công nhân và các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người lao động là nó có một khía cạnh nêu tên để làm xấu hổ, nhưng nó cũng thật sự nêu bật tính chất cấp bách của vấn đề. Việc này là công khai kêu gọi những người có khả năng thực hiện những thay đổi cơ bản trong công nghiệp này – đó là chính phủ, các công ty bán lẻ và các công xưởng, phải hợp tác một cách tích cực và công khai. Đây là một việc vô cùng hữu ích."

Loan báo trong tuần này của ILO nhận được một sự phản ứng không mấy sốt sắng của chính phủ Campuchia. Ông Sat Samoth, một viên chức cao cấp của Bộ Lao động, cho báo chí địa phương biết rằng ông lo ngại là việc công khai nêu tên các công xưởng có thể làm cho các công ty nước ngoài không tới Campuchia đặt hàng và làm cho công ăn việc làm bị mất đi.

Trong khi đó, tổ chức đại diện hơn 400 xưởng may quần áo xuất khẩu ở Campuchia đã bày tỏ sự bất mãn trước hành động của ILO. Ông Ken Loo, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất quần áo Campuchia, gọi tắt là GMAC, nói rằng các hội viên của hiệp hội cảm thấy ngạc nhiên trước điều mà ông gọi là phương pháp mạnh tay của ILO.

Ông Ken Loo nói rằng GMAC không phản đối việc kết quả kiểm tra được phổ biến cho công chúng, nhưng hiệp hội này không hài lòng đối với việc ILO không tôn trọng họ và không cho họ có đủ thời giờ để tham khảo ý kiến của các công ty hội viên.

Do đó, GMAC sẽ gởi thư cho các hội viên để thông báo là họ không còn có bổn phận phải để cho các nhân viên kiểm tra của BFC vào công xưởng của họ.

Về việc này, ông Ken Loo, cho biết như sau:

"Các công xưởng có bổn phận để cho giám sát viên của BFC vào công xưởng khi họ họ đến để thực hiện những cuộc kiểm tra không loan báo trước. Điều mà chúng tôi đang làm hiện nay là thông báo cho các công xưởng biết rằng hiệp hội đã quyết định cho họ biết là họ không còn có bổn phận phải làm như vậy nữa. Quyền tiếp cận được cấp bởi chính phủ, bởi các bộ hữu quan; vì thế chúng tôi không từ chối quyền tiếp cận, nhưng chúng tôi muốn nói là nếu họ đến nơi cùng với các giới chức liên hệ của chính phủ hoặc với những văn thư chính thức để nói rõ là phải dành quyền tiếp cận, thì dĩ nhiên chúng tôi sẽ tuần hành. Nếu họ không làm như vậy, thì các công xưởng không cần phải tuần hành. Và đó là điều chúng tôi thông báo, còn quyền quyết định là ở các công xưởng."

Ông Ken Loo cho biết GMAC sẽ giữ lập trường này cho tới khi họ cảm thấy quan tâm của họ được xem xét một cách thỏa đáng. Lập trường này có phần chắc sẽ gây trở ngại cho các cuộc kiểm tra mà ILO sẽ bắt đầu thực hiện vào tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG