Đường dẫn truy cập

HRW tố cáo Myanmar về tội ác chống nhân loại


Người tị nạn Rohingya xếp hàng chờ cứu trợ tại Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 26/10/2017. REUTERS/Cathal McNaughton
Người tị nạn Rohingya xếp hàng chờ cứu trợ tại Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 26/10/2017. REUTERS/Cathal McNaughton

Tổ chức Human Rights Watch hôm 26/9 lên tiếng tố cáo Myanmar là phạm các tội ác chống nhân loại trong cuộc đàn áp những thành phần nổi dậy Hồi giáo ở bang Rakhine. Tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hãy áp đặt các biện pháp trừng phạt và lệnh cấm bán vũ khí đối với Myanmar.

Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi tăng gấp đôi viện trợ quốc tế để giúp ước lượng 480,000 người tị nạn, trong đó 60% là trẻ em, đã chạy sang Bangladesh từ ngày 25/8 để tránh bạo lực.

Người phát ngôn của chính phủ Myanmar đã bác bỏ những lời tố cáo về tội ác chống nhân loại, nói rằng không có chứng cớ để đi tới kết luận đó.

Myanmar đồng thời bác bỏ những cáo buộc của Liên Hiệp Quốc rằng các lực lượng của họ đã nhúng tay vào một cuộc thanh tẩy chủng tộc chống người Hồi giáo Rohingya, để trả đữa các cuộc tấn công có phối hợp của các thành viên phe nổi dậy Rohingya nhắm vào các lực lượng an ninh hôm 25/8.

Người tị nạn Rohingya tới được Bangladesh tố cáo quân đội và một số người cực đoan theo Phật giáo là tìm cách đuổi họ ra khỏi Myanmar, vốn là một nước nơi đại đa số dân theo đạo Phật.

Ông James Ross, Giám Đốc pháp lý và chính sách tại trụ sở của Human Rights Watch ở New York, nói quân đội Myanmar đã dùng những biện pháp tàn bạo để trục xuất người Rohingya ra khỏi bang Rakhine ở miền Bắc. Ông nói:

“Thảm sát dân làng, phóng hỏa để đuổi họ ra khỏi nhà của họ, đều là tội ác chống nhân loại.”

Myanmar, trước đây được gọi là Miến Điện, nói các lực lượng của họ đang chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố đã tấn công cảnh sát và quân đội, giết chết thường dân và phóng hỏa đốt các làng mạc.

Tòa án hình sự quốc tế định nghĩa tội ác chống nhân loại là những tội bao gồm tội giết người, tra tấn, hãm hiếp và trục xuất “đã phạm trong khuôn khổ một cuộc tấn công quy mô, có hệ thống, nhắm trực tiếp vào bất cứ một nhóm dân thường nào.”

Human Rights Watch nói các cuộc khảo sát của họ, được hỗ trợ bởi hình ảnh vệ tinh, đã phát hiện ra những tội ác như trục xuất, cưỡng bức người rời nơi cư trú, cũng như giết người và hãm hiếp.

Tổ chức này nói Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các quốc gia quan tâm nên áp đặt các biện pháp chế tài có chủ đích và ban hành lệnh cấm bán vũ khí cho Myanmar.

Người phát ngôn của chính phủ, ông Zaw Htay, nói không có một chính phủ Myanmar nào quyết tâm cổ vũ cho nhân quyền cho bằng chính phủ hiện nay. Ông nói:

“Những tố cáo không có chứng cớ rõ rệt là rất nguy hiểm. Chúng càng gây khó khăn thêm cho chính phủ để giải quyết vấn đề.”

Một nhóm phối hợp hành động của các tổ chức cứu trợ nói tổng số người tị nạn chạy sang Bangladesh từ ngày 25/8, đã được điều chỉnh cao hơn, lên tới 480.000 người, sau khi phát hiện 35,000 người tại hai trại khác nhau không được đếm trong số người tị nạn mới nhất.

Ông Adrian Edwards, người phát ngôn của Cao Ủy Tị nạn LHQ nói tại Geneve:

“Làn sóng ồ ạt những người ra đi để tìm sự an toàn đã vượt quá khả năng đáp ứng, và tình hình những người tị nạn này vẫn chưa ổn định.”

Cao Ủy Tị nạn LHQ kêu gọi tăng gấp đôi các nỗ lực nhân đạo quốc tế để đáp ứng nhu cầu tại Bangladesh.

Bạo lực và làn sóng tị nạn người Rohingya là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà chính quyền của Khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi phải đối mặt từ khi lên cầm quyền hồi năm ngoái trong cuộc chuyển giao quyền lực, diễn ra sau 50 năm Miến Điện nằm dưới quyền cai trị của tập đoàn quân phiệt.

Myanmar coi người Rohinya là những di dân bất hợp pháp đến từ Bangladesh, và trong nhiều thập niên nay, những chiến dịch đàn áp bạo động thỉnh thoảng lại bùng phát. Đa số người Rohingya là những người vô tổ quốc.

Bà Suu Kyi đã bị chỉ trích nặng nề vì cuộc khủng hoảng này. Có người kêu gọi nên thu hồi giải Nobel Hòa Bình mà bà đã được trao tặng.

Tuần trước, bà Suu Kyi lên án các vụ vi phạm nhân quyền trong một bài diễn văn đọc trước quốc dân, và cam kết sẽ truy tố những kẻ vi phạm. Bà Suu Kyi còn nói rằng chính phủ Myanmar đang tìm cách xác định lý do vì sao nhiều người đã ra đi.

Bảy chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền tại Myanmar, Yanghee Lee, kêu gọi bà Suu Kyi hãy gặp người Rohingya để đích thân lắng nghe họ nêu ra những lý do dẫn tới làn sóng di tản.

Họ nói:

“Không một ai chọn, nhất là khi nói đến hàng trăm ngàn người, chọn rời bỏ căn nhà hương hỏa và đất của tổ tiên, bất chấp là nghèo nàn tới đâu, để chạy sang một nước lạ, sống dưới những mái che bằng nhựa trong các điều kiện tệ hại, trừ phi họ chạy để tránh những tình huống khi mạng sống bị đe dọa.”

Các chuyên gia kêu gọi Myanmar hãy cho phép các tổ chức cứu trợ nhân đạo được tự do lui tới bang Rakhine, nơi mà quân đội Myanmar thường hạn chế tự do đi lại.

Dưới hiến pháp do quân đội Myanmar soạn thảo, bà Aung San Suu Kyi ít có, nếu không muốn nói là không có, quyền kiểm soát đối với các lực lượng an ninh. Theo tinh thần hiến pháp hiện hành, cá nhân bà Suu Kyi cũng bị cấm, không được giữ chức Tổng thống, ngoài ra hiến pháp còn giao cho quân đội quyền phủ quyết đối với các cải cách chính trị.

Myanmar đã chứng kiến phong trào dân tộc chủ nghĩa Phật giáo nổi lên trong mấy năm gần đây, trong khi công chúng nói chung cũng hậu thuẫn chiến dịch chống các thành phần nổi dậy.

Từ hôm Chủ nhật, quân đội đã khai quật thi thể của 45 thành viên của một cộng đồng nhỏ theo Ấn giáo, mà nhà chức trách nói là do các phần tử nổi dậy Hồi giáo giết chết ngay sau khi bạo lực bùng phát.

Quân đội Cứu hộ Rohingya Arakan (ARSA), là nhóm tuyên bố thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các lực lượng an ninh từ tháng 10, đã bác bỏ cáo buộc cho rằng họ đã giết dân làng.

Một số người theo Ấn giáo đã chạy sang Bangladesh. Nhiều người khác ẩn nấp tại các thị trấn ở Myanmar, tố cáo các phần tử nổi dậy là tấn công họ vì nghi họ là gián điệp của nhà nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG