Đường dẫn truy cập

Tòa Bạch Ốc xác nhận công dân Mỹ thứ ba bị IS chặt đầu


Nhân viên cứu trợ người Mỹ Abdul-Rahman (Peter) Kassig đứng cạnh một xe tải chở hàng cứu trợ. Anh Kassig bị bắt ở miền đông Syria hồi tháng 10 năm 2013 trong khi phân phát hàng cứu trợ cho một tổ chức từ thiện do anh thành lập.
Nhân viên cứu trợ người Mỹ Abdul-Rahman (Peter) Kassig đứng cạnh một xe tải chở hàng cứu trợ. Anh Kassig bị bắt ở miền đông Syria hồi tháng 10 năm 2013 trong khi phân phát hàng cứu trợ cho một tổ chức từ thiện do anh thành lập.

Tòa Bạch Ốc xác nhận nhân viên cứu trợ người Mỹ Abdul-Rahman Kassig, người trước đây có tên là Peter Kassig, đã bị chặt đầu. Anh là công dân Mỹ thứ ba bị nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết ở Syria. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie, vụ chặt đầu mới nhất xảy ra trong bối cảnh các giới chức quân sự hàng đầu của Mỹ gặp các quan chức cấp cao của Iraq và người Kurd, và trong khi Hoa Kỳ chuẩn bị công tác cố vấn và huấn luyện các lực lượng an ninh Iraq tại tỉnh Anbar bất ổn ở miền tây nước này.

Tổng thống Barack Obama đã ra một tuyên bố, ngỏ lời cầu nguyện cho người xấu số và gửi lời chia buồn tới cha mẹ và gia đình của anh Kassig, người mà mạng sống, theo lời ông, “đã bị cướp đi bởi một hành động hoàn toàn ác độc của một nhóm khủng bố mà thế giới hoàn toàn đúng khi nói rằng chỉ gắn với những điều vô nhân đạo”.

Tòa Bạch Ốc nói rằng, trong khi IS “vui mừng với việc giết hại những con người vô tội”, thì anh Kassig “là một người hoạt động nhân đạo, đã tìm cách cứu vớt mạng sống của những người Syria bị thương và bị khốn đốn vì cuộc xung đột Syria”.

Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã ca ngợi hành động của cựu binh sĩ lục quân Mỹ ở Iraq và nói rằng anh là một nhà hoạt động nhân đạo tìm cách giảm bớt sự đau khổ của người khác.

“Tôi cho rằng sự kiện anh ấy quay trở lại để giúp những người cần giúp đỡ đã nói lên nhiều điều về con người anh ấy và về những điều anh ấy tin tưởng. Có những con người sở hữu những giá trị và các nguyên tắc tuyệt vời trong cuộc đời như Peter Kassig đã sở hữu và đã áp dụng những điều đó, và nó đã cướp đi mạng sống của anh”.

Anh Kassig, 26 tuổi, đã chứng kiến những nỗi thống khổ của người dân Syria trong khi tới thăm nước này khi còn là sinh viên năm 2012. Anh đã bị bắt ở miền đông Syria hồi tháng 10 năm 2013 trong khi phân phát hàng cứu trợ cho một tổ chức từ thiện do anh thành lập.

Anh là người phương Tây thứ 5 bị IS chặt đầu. Nhóm hiếu chiến Sunni này đã hành hình các nhà báo Mỹ là James Foley và Stephen Sotloff cũng như các nhân viên cứu trợ người Anh là David Haines và Alan Henning.

Cha mẹ anh Abdul-Rahman (Peter) Kassig - Ed Kassig và Paula cho biết họ rất đau khổ khi nghe tin con trai bị giết.
Cha mẹ anh Abdul-Rahman (Peter) Kassig - Ed Kassig và Paula cho biết họ rất đau khổ khi nghe tin con trai bị giết.

Cha mẹ của anh Kassig, Ed và Paula, sống tại thành phố Indianapolis ở Indiana, tháng trước đã công bố một đoạn video trong đó họ kêu gọi IS tha mạng cho con trai mình. Họ cho biết họ rất đau khổ khi nghe tin con trai bị giết.

Xuất hiện hôm qua trên chương trình truyền hình Face the Nation của đài CBS, Thủ tướng Israel Bejamin Netanyahu nói rằng Israel sát cánh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại IS:

“Chúng tôi ủng hộ Tổng thống Obama dẫn đầu liên minh chống lại IS. Đây là một cuộc chiến cần phải tiến hành. Cần phải đánh bại IS và tổ chức này có thể bị đánh bại”.

Nhà lãnh đạo Israel nói rằng Trung Đông hiện “đầy rẫy các phần tử hiếu chiến Hồi giáo” Sunni lẫn Shia, và trong khi đề cập tới tham vọng hạt nhân của Iran, ông Netanyahu nói rằng không thể để các phần tử này sở hữu những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hoa Kỳ đang đẩy mạnh việc đào tạo và tư vấn cho các lực lượng an ninh Iraq hiện chiến đấu chống lại các chiến binh IS với các kế hoạch huấn luyện tới 12 lữ đoàn, trong đó có 9 đơn vị của Iraq và ba đơn vị bao gồm các chiến binh người Kurd.

Giới chức quân sự hàng đầu của Mỹ, Đại tướng Martin Dempsey đã gặp các giới chức người Kurd Iraq ngày hôm qua tại Irbil, sau khi tiến hành các cuộc hội đàm ở Baghdad với các thành viên của chính phủ trung ương Iraq, trong đó có Thủ tướng Haider al-Abadi.

Chuyên gia cao cấp về bộ môn khoa học chính trị của tổ chức tư vấn RAND Corporation Rick Brennan, một sĩ quan lục quân chuyên nghiệp, nói ông tin rằng ông Dempsey chuyển tải hai thông điệp:

“Một thông điệp là Hoa Kỳ hiện có mặt ở Iraq để cung cấp sự hỗ trợ mà các lực lượng an ninh Iraq cần có để tăng cường khả năng đã bị suy yếu trong vòng vài năm qua. Tôi nghĩ thông điệp thứ hai của ông ấy là nhấn mạnh đến một điều hết sức cần thiết là chính phủ do phe Shia lãnh đạo phải vươn tới và thu hẹp khoảng cách với khối dân người Hồi giáo Sunni. Nếu ta nhớ lại thời kỳ 2005 – 2006, ta thấy rằng một trong các thành công lớn của quân đội Hoa Kỳ đó là làm tổn thương mối quan hệ giữa người Sunni và tổ chức tiền thân của IS là Tổ chức al-Qaida ở Iraq”.

Ông Brennan nói rằng các lực lượng Mỹ hiện hoạt động ở tỉnh Anbar hy vọng sẽ tạo lập lại sự bất hòa đã mất đi dưới thời của cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki. Ông nói rằng sự hiện diện của họ tại căn cứ không quân Ain Al-Asad là điều quan trọng. Ông nói rằng đây là nơi đã được hình dung là một cơ sở huấn luyện nếu các lực lượng Hoa Kỳ được phép ở lại sau năm 2011.

Cho dù các binh sĩ Hoa Kỳ đã được rút đi, ông hy vọng căn cứ này sẽ giúp cho việc huấn luyện các lực lượng an ninh Iraq được chóng vánh hơn. Sau thông báo hồi đầu tháng này, trong đó Tổng thống Barack Obama đã cho phép việc triển khai thêm 1.500 quân Mỹ tới Iraq, ông Brennan nói rằng chính quyền của ông Obama rốt cuộc cũng có những hành động lẽ ra phải thực hiện từ nhiều tháng trước. Ông nói rằng cuộc chiến chống lại IS sẽ cần tới nhiều binh sĩ Mỹ hơn là lực lượng hiện có tại thực địa.

VOA Express

XS
SM
MD
LG