Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ và Pakistan hy vọng tiến tới quan hệ thân cận hơn


Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.

Các giới chức Pakistan và Hoa Kỳ tin rằng cuộc họp của Thủ tướng Nawaz Sharif với Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc vào ngày mai sẽ đem lại một cơ hội “để thúc đẩy mục tiêu tăng cường” quan hệ song phương.

Các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Sharif và Tổng thống Obama diễn ra vào một thời điểm tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế giữa Pakistan và Hoa Kỳ.

Hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần trước tại Văn phòng Bầu dục là vào tháng 10 năm 2013. Các giới chức Pakistan cho rằng họ đang tìm cách thiết lập một mối quan hệ hợp tác lâu dài với Hoa Kỳ, không chỉ hạn chế trong vấn đề chống khủng bố và hợp tác an ninh như trước đây.

Ông Masood Khan, người đứng đầu Viên Nghiên cứu Sách lược do nhà nước điều hành ở Islamabad, nói cuộc họp ngày mai ở Tòa Bạch Ốc sẽ giúp đẩy mối quan hệ tiến xa hơn nữa.

Ông Masood Khan nói: “Tôi nghĩ nói chung trong 2 năm qua, mối quan hệ giữa hai nước đã đi theo đúng hướng và đã đạt được tiến bộ liên tục, sự thông cảm giữa ban lãnh đạo đã đào sâu hơn.”

Các hoạt động chống chủ chiến của Pakistan và các nỗ lực thắng tiến hòa bình và đi đến việc chấm dứt xung đột ở Afghanistan dự kiến sẽ nổi bật trong các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Obama và ông Sharif.

Ông Tariq Fatemi, một cố vấn chính sách đối ngoại chủ chốt của thủ tướng Pakistan, nói với giới truyền thông địa phương trước khi lên đường đi Washington rằng Pakistan sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho một vòng hòa đàm khác giữa chính phủ Afghanistan và phe Taliban.

Ông Tariq Fatemi cho biết: “Và nếu như chính phủ Afghanistan tin rằng tiến trình hòa bình này không có lợi cho họ thì bất kỳ phương án nào khác mà họ muốn thực thi thì họ cũng được hoan nghênh làm như vậy trong tư cách một quốc gia độc lập.”

Ông Fatemi lập lại rằng “Trong tư cách là một nước láng giềng thân thiện với nhiều mối liên hệ, Pakistan sẵn sàng đóng bất cứ vai trò nào có thể giúp quảng bá tiến trình hòa bình ở Afghanistan.”

Tuy nhiên, tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và các giới chức khác ở Kabul lại nghi ngờ về ý định của Pakistan và muốn nước láng giềng này cắt bớt sự hỗ trợ dành cho phe Taliban để “chứng tỏ sự thành thực.” Ông cũng quy lỗi cho Islamabad về chiều hướng đi lên trong các vụ tấn công chủ chiến ở Afghanistan.

Chuyên gia Khan nói các cuộc hội đàm của Thủ tướng Sharif với Tổng thống Obama vẫn có thể giúp phục hồi tiến trình hòa bình Afghanistan.

Chuyên gia Khan nói: “Tôi nghĩ có thể Hoa Kỳ sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình với chính phủ Afghanistan để thuyết phục họ ngồi vào bàn thương nghị. Vì thế, ta hãy tiếp tục lạc quan về điều đó. Đúng thế, chính phủ Kabul đã có một lập trường không giúp ích mấy nhưng tôi nghĩ vẫn có thể dẹp bỏ những nghi ngại và thuyết phục tất cả các bên đến bàn thương nghị.”

Kho vũ khí hạt nhân của Pakistan, được cho là tăng trưởng nhanh nhất thế giới, theo dự kiến cũng sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp của ông Sharif với Tổng thống Obama.

Nhưng các giới chức Pakistan đã bác bỏ tin tức của giới truyền thông là vô căn cứ khi nói rằng hai nhà lãnh đạo có thể thảo luận hay đúc kết một thỏa thuận áp đặt những hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Pakistan để đổi lấy việc Islamabad trở thành một thành viên của Nhóm Cung cấp Hạt nhân gồm 48 quốc gia, còn gọi tắt là NSG, hiện đang kiểm soát việc mua bán và xuất khẩu chất liệu hạt nhân.

Ông Zahir Hadir Kazmi, một người phát ngôn của Phân bộ Kế hoạch Sách lược giám sát kho vũ khí hạt nhân, cho biết sẽ không có cuộc thảo luận nào như thế diễn ra và Islamabad sẽ không chấp nhận bất cứ hạn chế nào đối với việc phát triển hạt nhân của họ, với bất kỳ điều kiện nào.

Ông bênh vực việc Israel phát triển và có thể bó trí phi đạn có khả năng hạt nhân tầm ngắn gọi là ‘Nasr’, và cho rằng nó có mục đích ngăn cản các kế hoạch mà Ấn Độ bị cáo buộc là định áp đặt một cuộc chiến tranh quy ước có giới hạn đối với Pakistan bằng cách sử dụng lực lượng quân sự ồ ạt của họ.

Ông Zahir Hadir Kazmi cho biết: “Xu hướng chiến đấu hay chủ thuyết của họ nhằm chống lại một cuộc chiến tranh quy ước hạn chế nhắm vào Pakistan là một vấn đề. Và đó là lý do vì sao Pakistan đã tìm cách chặn nút mức độ quy ước đó của mối đe dọa bằng cách biểu dượng khả năng về hình thể của ‘Nasr.’

Các giới chức Hoa Kỳ lo ngại rằng việc bố trí các loại vũ khí đó gia tăng cơ may của một vụ xung đột hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan vốn đã tiến hành 3 cuộc chiến tranh và mối quan hệ đầy căng thẳng vẫn còn là lý do gây quan ngại.

Các giới chức Pakistan nói Thủ tướng Sharif cũng sẽ tường trình với Tổng thống Obama về tình hình căng thẳng với Ấn Độ mà họ cho là đe dọa đến sự ổn định ở Nam Á.

Các giới chức cho rằng một mục tiêu chính trong chuyến thăm của ông Sharif là mưu tìm việc tăng cường đầu tư của Hoa Kỳ, sự tiếp cận thị trường cho hàng xuất khẩu của Pakistan, và hợp tác kinh tế để thúc đẩy nghị trình cải cách trong nước và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Pakistan và kim ngạch thương mai song phương vượt quá 5 tỷ đôla trong năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG