Đường dẫn truy cập

Đe dọa tự do tôn giáo leo thang


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ đặc trách Tự do Tôn giáo Quốc tế David Saperstein công bố phúc trình về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2014 tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Ảnh: state.gov)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ đặc trách Tự do Tôn giáo Quốc tế David Saperstein công bố phúc trình về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2014 tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Ảnh: state.gov)

Một giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói thách thức duy nhất và lớn nhất đang nổi lên đối với tự do tôn giáo là tình trạng leo thang trong các hành động khủng bố do những phần tử “giả mạo” sử dụng tôn giáo để biện minh cho hành vi bạo lực.

Ông David Saperstein đưa ra đánh giá này ngày hôm qua khi ông trình bày phúc trình thường niên về tự do tôn giáo quốc tế.

Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ đặc trách Tự do Tôn giáo Quốc tế, ông Saperstein nói “Sự leo thang bạo động do các phần tử không phải là quốc gia gây nên thường nhân danh cách thức họ diễn dịch tôn giáo là một hiện tượng mới đã thực sự gia tăng trong 18 tháng qua.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu đích danh Nhà nước Hồi Giáo về những vụ vi phạm tự do tôn giáo tại Iraq và Syria.

Phúc trình Bộ Ngoại giao viện dẫn một trường hợp ở Mosul, Iraq, là nơi một phần tử nổi dậy đã giằng một bé gái 3 tuổi khỏi tay một bà mẹ theo Cơ Đốc Giáo và buộc bà mẹ này quay trở lại một xe buýt và dọa giết nếu bà không tuân lệnh. Phúc trình cho biết bà mẹ “không hề biết việc gì xảy ra” cho con gái mình.

Ông Saperstein nói các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo cũng nhắm vào những “người không theo Hồi Giáo, người Shia và người Sunni” và thường đuổi họ ra khỏi nhà căn cứ trên tôn giáo hay sắc tộc của họ.

Ông cũng viện dẫn Boko Haram về những hành vi tàn ác dựa vào tôn giáo tại Nigeria và các nước láng giềng. Ông nói tổ chức này đã giết “hàng ngàn” người trong các cuộc bạo động và cố ý tấn công vào những người theo Cơ Đốc Giáo và Hồi Giáo chống lại ý thức hệ của họ.

Cần có biện pháp để giải quyết vi phạm tự do tôn giáo

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA, ông Saperstein nói phải có một sự đáp ứng “nhiều mặt” để đáp lại những vụ vi phạm tự do tôn giáo của những phần tử hay tổ chức không phải là quốc gia.

“Một phần của việc này là củng cố các lực lượng tại những nước để họ có đủ khả năng cô lập hóa và đẩy lui những tổ chức này.”

Phúc trình cũng viện dẫn các vụ vi phạm tự do tôn giáo của dân quân Shia tại Iraq, Mặt trận al-Nusra tại Syria, tổ chức Lashkar i Jhangvi ở Pakistan cũng như những phần tử chống Do Thái tại Pháp và Đức và việc kỳ thị những người thiểu số Rohingya tại Myanmar.

Các chính phủ bị quy lỗi

Ông Saperstein nói một số chính phủ đã giả dạng đối đầu với khủng bố và các phần tử cực đoan để đàn áp của tổ chức tôn giáo hay áp đặt những giới hạn sâu rộng đối với những hoạt động tôn giáo.

Ông nêu lên trường hợp nước Nga. Ông cho rằng Moscow đã sử dụng “những luật lệ chống chủ nghĩa cực đoan mơ hồ để biện minh cho các cuộc bố ráp nhà cửa và những nơi thờ phượng và tịch thu hay cấm những tài liệu tôn giáo.

Mặt khác ông Saperstein lại ca ngợi Trung Quốc là một nước đang ban hành những cải cách về tự do tôn giáo. Ông nói trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, ông thấy những tổ chức có tính cách tín ngưỡng hoạt động tại những nơi tạm trú của những người không nhà, tại những nhà bếp cung cấp thức ăn miễn phí và tại những cô nhi viện.

Ông Saperstein nói “Chúng tôi đã hối thúc chính phủ Trung Quốc dùng việc này như một kiểu mẫu có thể áp dụng trên toàn quốc.”

Nhiều vấn đề rộng lớn hơn là tôn giáo

Giáo sư Melani McAlister nghiên cứu về nước Mỹ và những vấn đề quốc tế Trường đại học George Washington nói tuy điều quan trọng là Hoa Kỳ cung cấp “các tin tức cập nhật” về tự do tôn giáo, song bà tin rằng những kết quả còn giới hạn.

Bà McAlister nói “Tôi nghĩ tự do tôn giáo đôi khi là một cách nói giới hạn hơn về những điều chúng ta cần đề cập đến một cách rộng rãi hơn.”

Bà McAlister nói thêm. “Điều quan trọng hơn không phải chỉ vì tôn giáo bị vi phạm mà là nhân quyền căn bản trên thế giới bị vi phạm.”

Bộ Ngoại giao Mỹ nói những nỗ lực của Mỹ để quảng bá tự do tôn giáo bao gồm việc giao tiếp với những chính phủ và các cộng đồng tôn giáo để kêu gọi sự khoan dung và đề nghị trợ giúp nhân đạo cho các nhóm bị nhắm làm mục tiêu.

Ngoại trưởng John Kerry nói “Không quốc gia nào có thể tận dụng hết tiềm năng nếu người dân không được quyền hành dạo, giữ đạo, điều chỉnh và công khai bày tỏ tín ngưỡng của mình.”

Ông Kerry nói ông hy vọng phúc trình sẽ đem lại cho các chính phủ thêm sự khích lệ để tôn trọng quyền và phẩm giá của người dân.

VOA Express

XS
SM
MD
LG