Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ, Iraq thảo luận về hiểm họa al-Qaida tại Iraq


Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki hôm 30/10/13
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki hôm 30/10/13
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki và Tổng thống Barack Obama sẽ gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc vào thứ Sáu. Trước khi diễn ra những cuộc thảo luận, nhà lãnh đạo Iraq nói việc al-Qaida hoạt động mạnh trở lại gây nguy cơ cho Iraq, cho khu vực và cho cả thế giới.

Thủ tướng Nouri al-Maliki và phái đoàn Iraq đã gặp Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, các giới chức Mỹ khác và các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ.

Phát biểu ngày hôm qua tại Viện Hòa bình Mỹ tại Washington, ông al-Maliki nói việc al-Qaida hoạt động mạnh trở lại, cùng với tình hình xáo trộn chính trị tại những nơi như Syria và Libya, đề ra một nguy cơ cho Iraq và cả khu vực.

Trong các nhận định được phiên dịch, ông công nhận có sự suy thoái tại Iraq và nói rằng thế giới nên lo ngại, và làm mọi việc có thể được để ngăn chặn sự thành công của al-Qaida. Ông Maliki nói:

“Chúng ta cảnh báo, và chúng ta sợ hãi, và chúng ta lo ngại về khả năng thành công của những tổ chức khủng bố tại Syria. Lạy Thượng Đế đừng có cho họ chiến thắng, chúng ta và toàn thế giới phải làm mọi việc để ngăn chuyện này, ngăn al-Qaida và những tổ chức khủng bố khác đạt thắng lợi tại bất cứ quốc gia nào, không chỉ tại Syria, và Iraq và Libya.”

Thủ tướng Maliki và Tòa Bạch Ốc cùng nêu lên các lập trường tương tự về việc tại sao bạo động lên đến các mức độ chưa từng thấy kể từ giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc nội chiến Iraq giữa năm 2006 và 2008. Những cuộc tấn công đã làm tới 7.000 người thiệt mạng trong năm nay.

Ông nói al-Qaida chủ yếu là thủ phạm của các cuộc tấn công mà ông cho là nhắm mục tiêu vào cả người Sunni lẫn người Shia, mặc dù ông nói thêm rằng một số người Iraq đang trợ giúp cho những phần tử khủng bố từ nước ngoài.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney nói Hoa Kỳ “quan tâm sâu sắc” về những cuộc bạo động này:

“Điều quan trọng là chú tâm đến việc bạo động đến từ đâu. Bạo động đến từ al-Qaida và những phần tử có liên hệ đến tổ chức này. Bọn chúng đang tìm cách khích động những cuộc trả thù giáo phái, nhưng chúng ta tin rằng bọn chúng sẽ không thành công.”

Tổng thống Obama đang đối diện với những áp lực của Quốc hội đòi giữ lại viện trợ quân sự mới trừ phi Thủ tướng al-Maliki đồng ý cải thiện việc cai trị và giải quyết những chỉ trích là ông không cho phe Sunni có ảnh hưởng trong chính phủ.

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq Ryan Crocker nói Hoa Kỳ và Iraq cần một “chiến lược chung” để đối phó với những đe dọa của al-Qaida, và ông nói thêm là những thỏa thuận hiện có tạo nền tảng củng cố việc chống khủng bố và hợp tác tình báo.

Nhưng ông nói Thủ tướng al-Maliki cũng cần phải xét lại chính sách của ông. Đại sứ Crocker nói:

“Cần phải chắc chắn là Thủ tướng hiểu được là al-Qaida đang có thêm đà tiến vì những căng thẳng giáo phái và sắc tộc tại Iraq mà họ có thể lợi dụng và nhiều sự căng thẳng phát xuất từ chính chính sách của Thủ tướng.”

Được hỏi vào ngày hôm qua về những chỉ trích cách thức ông điều hành chính phủ, Thủ tướng al-Maliki nhấn mạnh rằng ông đã tuân hành hiến pháp của Iraq:

“Hiến pháp đang cai trị tại Iraq, hiến pháp dành cho chính phủ những đặc quyền và đây là điều tôi đã nói rõ ràng. Hãy cho tôi biết khi nào tôi hành động không phù hợp với hiến pháp.”

Cựu đại sứ Crocker nói ông hy vọng chuyến đi thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng al-Maliki sẽ đưa đến “sự giao tiếp rộng rãi hơn và ở cấp cao hơn” với Iraq:

“Chúng ta cần sự giao tiếp với Ngoại trưởng, và với chính Tổng thống mà chúng ta chắc chắn đã có được trong nhiệm kỳ của tôi, và chúng ta sẽ vẫn cần đến sau này.”

Cựu đại sứ Crocker phục vụ tại Hội đồng Quản trị các Cơ quan Truyền thanh truyền hình, giám sát các chương trình quốc tế được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ kể cả Đài VOA.

Thuyết trình với các phóng viên trước cuộc họp ngày hôm nay tại Tòa Bạch Ốc, các giới chức cao cấp của chính quyền Obama cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Quốc hội về cả một chính sách toàn diện của Hoa Kỳ đối với Iraq lẫn vấn đề có thể bán vũ khí cho nước này.

Các giới chức không muốn bàn sâu vào chi tiết, nhưng không loại trừ việc tăng cường hợp tác tình báo để giúp các lực lượng Iraq chiến đấu hữu hiệu chống lại mạng lưới al-Qaida đến từ Syria.

Thủ tướng al-Maliki và các giới chức Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các bước tiến đến việc thúc đẩy một “sự tỉnh thức” thứ hai giữa các lãnh tụ bộ tộc tại Iraq để giúp đối đầu với al-Qaida.

VOA Express

XS
SM
MD
LG