Đường dẫn truy cập

Hiện tượng La Nina có thể gây hạn hán ở Đông Phi


Những người phụ nữ nhận viện trợ từ dự án tài trợ của Liên minh châu Âu (EU) ở khu vực Shinile, Ethiopia, ngày 8 tháng 4 năm 2016.
Những người phụ nữ nhận viện trợ từ dự án tài trợ của Liên minh châu Âu (EU) ở khu vực Shinile, Ethiopia, ngày 8 tháng 4 năm 2016.

5 năm trước đây, tác động của La Nina - một hệ thống thời tiết định kỳ ở Thái Bình Dương – lan tới khu vực Sừng Châu Phi, gây ra một đợt hạn hán nghiêm trọng. Năm nay, theo dự báo của các khoa học gia, dường như La Nina đang trở lại. Đó là tin xấu đối với miền Tây Hoa Kỳ bị hạn hán hoành hành nhưng nó cũng có nghĩa là hạn hán có thể lan tới những nơi xa xôi như Đông Phi, Trung và Nam Á, cũng như vùng Đông Nam Trung Quốc.

Thái Bình Dương đang bị hiện tượng thời tiết El Nino làm ấm bề mặt đại dương, nhưng các khoa học gia về khí hậu nói không lâu nữa nó sẽ được thế chỗ bởi hiện tượng Nina, vốn làm lạnh bề mặt của khu vục trung và đông Thái Bình Dương, xảy ra mỗi 2 đến 5 năm một lần.

Nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), Tiến sĩ Chris Funk, nói cả hai hệ thống thời tiết này có thể ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết dài hạn tại một quốc gia cách đây nửa vòng trái đất.

“Các nhà khoa học tại Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán rằng El Nino có thể nhanh chóng biến mất và có lẽ sẽ được thay thế bởi La Nina, và xác suất điều này có thể xảy ra vào mùa thu lên đến 75%. Nếu điều đó xảy ra, hoàn toàn có khả năng chúng ta sẽ thấy hạn hán ở khu vực phía nam của Ethiopia vào mùa thu năm tới.”

Hãy tưởng tượng thời tiết như một dòng Domino xếp chồng lên nhau, một cái ngã xuống sẽ kéo theo tất cả những cái còn lại. Trong trường hợp này, La Nina là con domino đầu tiên, khi nó thay đổi thời tiết ở Thái Bình Dương thì những thay đổi này sẽ lan ra khắp cả hành tinh.

Ngay lúc này, El Nino chính là một phần nguyên do vì sao vùng phía bắc của Ethiopia đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Nhưng khi La Nina thế chỗ, Tiến sĩ Funk nói, tình trạng thiếu mưa có phần chắc sẽ xảy tới các khu vực phía Nam của Ethiopia mở rộng vào vùng Sừng châu Phi.

“Có hai mùa mưa ở vùng xích đạo của Đông Phi. Ở đó có mưa vào mùa thu; tháng 10, 11, 12, và một mùa mưa khác vào tháng 3, 4, 5. Vì vậy, một trong những mối nguy hiểm của La Nina là nó có thể làm cho cả hai mùa mưa này hoạt động rất kém. Đó là những gì đã xảy ra trong năm 2010 và 2011. Cho nên, có mối quan ngại từ góc độ an ninh lương thực, chúng ta có thể có hai mùa mưa hết sức yếu ớt liên tiếp.”

Các đợt hạn hán nối tiếp ở Kenya và Somalia, hoặc đợt hạn từ tháng 3 tới tháng 6 tại Ethiopia, có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực và nước, ảnh hưởng đến các trạm thủy điện và làm điều kiện canh tác khó khăn.

Toán của Tiến sĩ Funk đang tìm cách để chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn sắp tới. Họ kêu gọi dân chúng chuẩn bị trước những thiệt hại kinh tế liên quan tới hạn hán, đồng thời họ cũng đang dùng các thiết bị công nghệ cao để giúp nông gia và các nhà quản lý chăn nuôi tìm nguồn nước.

“Câu hỏi làm cách nào để bảo toàn vật nuôi là một câu hỏi đáng đặt ra. Một trong những việc chúng tôi đang hướng tới là khả năng sử dụng thông tin vệ tinh có độ phân giải cao để giúp hướng dẫn mục súc ra đồng, dự án đang hoạt động. "

Có thể chúng ta không ngăn chặn được hạn hán, nhưng các nhà khoa học đang ngày càng đạt tiến bộ hơn trong công tác dự báo và giúp những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất chuẩn bị đối phó với những tình huống tồi tệ nhất.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG