Vào lúc các chuyên gia y tế tin rằng họ đã gần như xóa sạch được bệnh sởi trên khắp thế giới, thì các vụ bộc phát lớn lại xảy ra tại nhiều quốc gia -tại Châu Âu, tại phía nam Sa Mạc Sahara, và tại Châu Á. Hiện tượng này không chỉ xảy ra tại các quốc gia có thâu nhập thấp. Ngay cả tại Pháp, người ta cũng chứng kiến một trong các vụ bộc phát lớn nhất – mặc dù nước này đã có sẵn vắc-xin và một hạ tầng cơ sở y tế tốt.
Bà Andrea Gay thuộc tổ chức Sáng Kiến về Bệnh Sởi, một đối tác quốc tế trong cuộc đấu tranh để loại trừ bệnh sởi, nói rằng cả các nước phát triển lẫn thế giới đang phát triển đều phải đối diện với vấn đề làm sao kiềm chế sự lây lan của chứng bệnh này.
Bà nhận định: “Trong phần lớn trường hợp, tại các nước đang phát triển, trẻ em không được tiêm chủng vì không có vắc-xin. Nhưng tại các nước đã phát triển, nơi có đầy đủ phương tiện, thì đây là một vấn đề lựa chọn, người ta quyết định không chích ngừa.”
Bà Gay nói rằng các bác sĩ nhi khoa cần phải cảnh giác hơn, và các chính phủ phải chủ động hơn trong nỗ lực kiềm chế các vụ bộc phát bệnh sởi.
Trẻ em là thành phần dễ lây nhiễm chứng bệnh đường hô hấp này. Bệnh sởi có thể đưa tới những biến chứng dẫn tới bệnh mù mắt và viêm não –thậm chí trong các ca nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Mỗi ngày bệnh sởi cướp đi sinh mạng của 450 trẻ em trên thế giới.
Liên Hiệp Quốc đã đấu tranh chống bệnh sởi trong nhiều năm nay. Mục tiêu do Liên Hiệp Quốc đề ra để giảm thiểu các ca tử vong vì bệnh sởi, về phần lớn đã đạt được cách đây gần ba năm.
Bà Andrea Gay nói: “Vào thời điểm cuối năm 2008, tất cả các nước trên thế giới đều đã thực hiện được mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ tử vong xuống 90% hay hơn nữa, ngoại trừ Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn nơi tỷ lệ tử vong vì bệnh sởi rất cao – các số liệu của Ấn độ đã kéo thấp các số liệu tổng quát.
Các chuyên gia nói rằng điều quan trọng là phải loại trừ bệnh sởi tại tất cả mọi nơi trên thế giới. Nếu không, chứng bệnh này sẽ tiếp tục luân lưu từ những vùng nơi bệnh còn tồn tại.
Bà Gay nói rằng chích ngừa bệnh sởi cho mỗi trẻ em chỉ tốn có khoảng 1 đô la. Theo bà, thì điều gây trở ngại là vấn đề thiếu ý chí chính trị tại nhiều nước.
Bà nói: “Trong khi bệnh sởi xảy ra ít thường xuyên hơn, nhiều người không tận mắt chứng kiến căn bệnh này, mà lại thấy nhiều chứng bệnh khác, và do đó họ có xu hướng tập trung vào những gì mà họ trông thấy, trong khi quên rằng nếu không có chủng ngừa, thì bệnh sởi lại bắt đầu xuất hiện.”
Theo tổ chức Sáng Kiến Bệnh Sởi, cần chi khoảng 212 triệu đô la trong thời gian từ năm 2012 tới năm 2015, để xóa sạch bệnh sởi trên thế giới trước năm 2020.
Một thời gần như được loại trừ tại nhiều nước, bệnh sởi một lần nữa có thể lại trở thành một mối đe dọa. Các Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh tại Hoa Kỳ khuyến cáo rằng tỷ lệ các ca bệnh sởi tại 33 quốc gia đã tăng. Các nhà khảo cứu lập luận rằng các nỗ lực nhằm xóa sạch bệnh sởi đang phải đối đầu với một cuộc tranh đấu gay go, vì thiếu sự yểm trợ tài chánh và ý chí chính trị.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1