Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên kêu gọi miền Bắc cho nối lại đoàn tụ gia đình


Ông Kim Sung-bok ở Nam Triều Tiên (phải) gặp lại con gái Kim Hee Seok từ miền Bắc tại núi Kim Cương ở Bắc Triều Tiên, trong một cuộc đoàn tụ gia đình.
Ông Kim Sung-bok ở Nam Triều Tiên (phải) gặp lại con gái Kim Hee Seok từ miền Bắc tại núi Kim Cương ở Bắc Triều Tiên, trong một cuộc đoàn tụ gia đình.
Nam Triều Tiên kêu gọi Bắc Triều Tiên chớ nên rút lại quyết định tiến hành các cuộc đoàn tụ gia đình trong tuần này giữa các gia đình bị phân ly vì cuộc chiến tranh Triều Tiên. Bình Nhưỡng hôm thứ bảy loan báo sẽ đình hoãn vô thời hạn các cuộc gặp gỡ vì điều mà họ gọi là thái độ đối đầu của Seoul. Từ Seoul, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên hôm nay kêu gọi Bắc Triều Tiên cho phép xúc tiến các cuộc đoàn tụ gia đình như đã định.

Các cuộc gặp mặt giữa những người thân bị phân ly từ thời Chiến tranh Triều Tiên, đã không được tổ chức từ năm 2010 vì tình hình căng thẳng chính trị và quân sự.

Căng thẳng nới lỏng đã dẫn hai bên tới chỗ đồng ý hồi tháng 8 tiếp tục các cuộc đoàn tụ trong tuần này.

Qua Hội chữ thập đỏ, hai bên đã trao đổi các danh sách khoảng 100 gia đình mỗi bên. Nhưng hôm thứ bảy vừa qua, Bình Nhưỡng bất thần bãi bỏ sự kiện.

Ông Kim Eyi-do là một người phát ngôn của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên.

Ông nói Bắc Triều Tiên nên mau chóng đáp lại lời kêu gọi tổ chức sự kiện đoàn tụ để hàn gắn nỗi đau của các gia đình bị phân ly.

Bộ gọi việc đơn phương đình chỉ của Bình Nhưỡng là vô cùng đáng tiếc và vô nhân đạo. Bộ nêu ra sự cấp thiết của việc đoàn tụ các thành viên gia đình đã già nua, và nêu trường hợp 3 người tham dự đã phải huỷ bỏ cuộc gặp vì lý do sức khỏe, trong khi một người khác qua đời.

Chưa đầy 60% trong số 129.000 người Nam Triều Tiên đăng ký có thân nhân ở miền Bắc vẫn còn sống.

Và hơn 70% các gia đình còn sống sót nay đã 70 tuổi hay hơn nữa.

Bà Lee Ki-sook nói bà chỉ biết khóc khi cuộc đoàn tụ gia đình bà bị bãi bỏ.

Bà Lee nói bà cảm thấy rất đau buồn và không thể nói về chuyện này. Bà sắp được gặp cô cháu gái, con của người anh. Bà cho biết đã mua sẵn nhiều món quà.

Ông Park Woon-Hyung, 92 tuổi, nói ông đã chờ đợi 60 năm và có thể chờ thêm vài tháng nữa.

Ông Park nói ông không cho rằng các cuộc đoàn tụ sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn và hy vọng các cuộc đoàn tụ này sẽ được tiếp tục trong vòng 1 tháng. Người em trai, và cô em gái nhỏ nhất của ông và chính ông còn sống, và ông nghe nói con gái của ông cũng còn sống. Ông cho biết ông rất mừng được tin ấy tuy ông chưa được gặp họ.

Bà Lee Sang-nam nói tuy các niềm hy vọng về một cuộc đoàn tụ gia đình của bà đã tiêu tan, bà vẫn lo lắng về thân mẫu bà đã 88 tuổi.

Bà Lee nói mẹ của bà còn thất vọng hơn cả bà. Bà cực kỳ thất vọng bởi vì cơ hội duy nhất trong đời có thể không còn nữa. Bà ước gì mẹ bà có thể gặp được người thân càng sớm càng tốt bởi vì bà rất lo ngại. Bà nói họ đã già và rất dễ bị đau yếu, và bà còn lo ngại về sức khỏe của mẹ bà nữa.

Ông Kim Seong-keun là Giám đốc Văn phòng Liên Triều và Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ. Ông nói Bắc Triều Tiên đã hoãn các cuộc đoàn tụ truớc đây vào những năm 2000, 2001 và 2007, nhưng sau đó lại cho tiếp tục.

Bà Kim Rye-jung, 96 tuổi ôm hôn con gái ở Bắc Triều Tiên Woo Jung Hye trong cuộc đoàn tụ gia đình tại núi Kim Cương ở Bắc Triều Tiên, ngày 30 tháng 10, 2010
Bà Kim Rye-jung, 96 tuổi ôm hôn con gái ở Bắc Triều Tiên Woo Jung Hye trong cuộc đoàn tụ gia đình tại núi Kim Cương ở Bắc Triều Tiên, ngày 30 tháng 10, 2010
Ông Kim nói nhiều gia đình bị phân ly đang tuyệt vọng, đây là một tình huống đáng tiếc và họ nghĩ rằng các gia đình cần được an ủi. Ông nói họ đã gọi cho tất cả các gia đình hồi hôm qua và hôm kia.

Các cơ quan truyền thông Bắc Triều Tiên quy trách quyết định bãi bỏ các cuộc đoàn tụ cho Seoul, mà họ nói là đã lớn tiếng nhận là có công cải thiện quan hệ liên Triều trong khi lại chế nhạo và khiêu khích Bình Nhưỡng.

Tại Nam Triều Tiên, có những mối nghi ngờ cho rằng miền Bắc đình chỉ là một chiến thuật nhằm liên kết các cuộc đoàn tụ với một cuộc vận động để nối lại dịch vụ du lịch béo bở đến núi Kim Cương.

Ông Lee Sang-cheol là chủ tịch Uỷ ban 10.000 gia đình bị phân ly. Ông nói Bình Nhưỡng chỉ nêu lên khả năng các cuộc khi có một vấn đề chính trị.

Ông Lee nói vấn đề đoàn tụ các gia đình bị phân ly là một vấn đề nhân đạo. Ông cho rằng chính Bắc Triều Tiên đã đề xuất ý kiến nối liền các gia đình bị phân ly và du lịch núi Kim Cương. Ông nói Bắc Triều Tiên đang hành động ngược với lòng hiếu đễ và họ lên án hành động này.

Việc đi thăm vùng nghỉ mát ở miền bắc đã bị đình chỉ từ năm 2008, khi một binh sĩ bắn chết một du khách Nam Triều Tiên đi lạc vào một khu vực cấm.

Bình Nhưỡng khao khát tiền mặt đã tìm cách bao gồm dịch vụ du lịch Núi Kim Cương cùng với các cuộc thương thuyết đoàn tụ gia đình và mở lại Khu phức hợp Công nghiệp Kaesong. Nhưng Seoul đã nhấn mạnh đến việc tách rời dự án nhà máy liên-Triều và các cuộc đoàn tụ ra khỏi vấn đề du lịch.

Bình Nhưỡng đã đơn phương đình chỉ các hoạt động nhà máy tại Kaesong hồi tháng 4, nhưng đã nối lại hoạt động hồi tuần trước sau nhiều tháng đàm phán.

Các cuộc thương nghị về việc tiếp tục dịch vụ du lịch núi Kim Cương được hoạch định vào ngày 2 tháng 10, nhưng Bình Nhưỡng đã hoãn lại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG