Đường dẫn truy cập

Công nghiệp hạt nhân toàn cầu rúng động sau thiên tai ở Nhật Bản


Biểu tình chống năng lượng hạt nhân trước Phủ Thủ tướng ở Berlin, Đức, ngày 14/3/2011
Biểu tình chống năng lượng hạt nhân trước Phủ Thủ tướng ở Berlin, Đức, ngày 14/3/2011

Vào lúc giới hữu trách cố gắng tìm cách tránh một thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản, tình hình ở đây đang khiến các nước trên toàn cầu phải đánh giá lại tính an toàn của các nhà máy hạt nhân hiện hữu và các kế hoạch xây các cơ sở nguyên tử mới. Từ thủ đô Washington, thông tín viên VOA William Ide ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Thủ tướng Đức Angela Merkel loan báo một chương trình duyệt xét trong 3 tháng các kế hoạch tiếp tục hoạt động 17 nhà máy điện hạt nhân tại Đức.

Các nhà máy này đã được hoạch định sẽ dần dà ngưng hoạt động trước năm 2021, nhưng chính phủ của bà Merkel năm ngoái đã đồng ý tiếp tục để các nhà máy này hoạt động thêm 12 năm nữa.

Bà Merkel nói: "Chúng ta biết mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân ở Đức. Nhưng điều cũng đúng là chúng ta chưa thể bỏ qua tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân như một kỹ thuật cầu nối, nếu chúng ta muốn tiếp tục đáp ứng với việc tiêu thụ hạt nhân của chính chúng ta, và nếu chúng ta muốn tôn trọng việc bảo vệ khí hậu.”

Thụy Sĩ đã đình chỉ tiến trình chấp thuận 3 nhà máy điện hạt nhân, để có thể xét lại các tiêu chuẩn an toàn. Còn Ấn Độ thì đã ra lệnh thực hiện các cuộc kiểm tra an toàn cho tất cả các nhà máy hạt nhân trong nước.

Các giới chức Trung Quốc cho hay họ sẽ học hỏi từ những gì đã xảy ra tại Nhật Bản, nhưng nhấn mạnh rằng tiến độ của các kế hoạch trong nước nhằm xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới sẽ không bị ảnh hưởng. Trung Quốc đang tích cực bành trướng công nghiệp năng lượng hạt nhân của họ.

Các chuyên gia của ngành công nghiệp này nói rằng những vụ nổ tại 3 lò phản ứng ở Nhật Bản sẽ tác động nghiêm trọng đến điều mà nhiều người gọi là một cuộc phục hưng hạt nhân, một chiều hướng ngày càng gia tăng hướng tới năng lượng hạt nhân để thay thế cho các loại nhiên liệu hóa thạch. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, là tổ chức quảng bá năng lượng hạt nhân và các công nghiệp liên hệ trên khắp thế giới, 155 lò phản ứng hạt nhân mới đang được hoạch định hoặc xây cất – đa số ở châu Á.

Tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế Yukiya Amano cho rằng còn quá sớm để khẳng định cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản sẽ tác động ra sao đến công nghiệp năng lượng hạt nhân.

Ông Amano nói: “Theo quan điểm của tôi, đây không phải là tai nạn về thiết kế hoặc do lầm lỗi của con người .. Đây là một tai nạn do thiên tai gây ra và chưa từng xảy ra từ trước tới nay.”

Ông Amano nói tình hình ở Nhật Bản không thay đổi được sự kiện là thế giới cần có một nguồn năng lượng sạch ổn định để giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Australia Julia Gillard cho biết nước bà đã có nhiều nguồn năng lượng thay thế và không cần đến năng lượng hạt nhân.

Hoa Kỳ chưa đưa vào hoạt động một nhà máy năng lượng mới kể từ trước lúc xảy ra tai nạn ở cơ sở Three Mile Island tại Pennsylvania vào năm 1979.

Phát biểu trong buổi họp báo hôm qua tại Tòa Bạch Ốc, Thứ trưởng Năng lượng Daniel Poneman tuyên bố năng lượng hạt nhân chiếm 20 phần trăm sản lượng năng lượng của Hoa Kỳ và phải là một phần của chính sách năng lượng sạch của nước này.

Ông Poneman cho biết: “Chúng tôi quả có nhận thấy rằng năng lượng hạt nhân tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một tương lai với lượng khí thải carbon thấp. Nhưng xin yên tâm là chúng tôi sẽ dành sự quan tâm chính yếu cho khía cạnh an toàn của loại năng lượng này.”

Tổng thống Barack Obama đang vận động để chính phủ bảo kê hàng chục tỷ đôla cho vay để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới ở Hoa Kỳ.

Nhưng bà Ellen Vancko thuộc Nghiệp đoàn các Khoa học gia Quan tâm nói rằng tình hình ở Nhật Bản sẽ chỉ đem lại thêm các khó khăn mà năng lượng hạt nhân phải đối phó ở Hoa Kỳ.

Bà Vancko nói: “Công nghiệp hạt nhân đã gặp khó khăn ở Hoa Kỳ, đã gặp khó khăn từ lâu trước khi xảy ra vụ động đất và sóng thần hồi tuần trước. Các bản ước lượng chi phí tăng vọt, nhu cầu về năng lượng sụt giảm, chi phí thấp về khí đốt thiên nhiên và sự thất bại không định ra một cái giá cho khí carbon đã tiên liệu khó khăn cho công nghiệp này.”

Theo bà Vancko, ngay lúc này, vụ khủng hoảng ở Nhật Bản có phần chắc sẽ dẫn tới những cuộc kiểm tra an toàn ở tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG