Đường dẫn truy cập

Sếp FBI bị bãi chức vì không chịu ‘thề trung thành’ với Trump?


Tổng thống Donald Trump bắt tay Giám đốc FBI James Comey trong buổi tiếp tân dành cho các giới chức thực thi luật pháp nhân dịp nhậm chức tổng thống tại Tòa Bạch Ốc ngày 22/1/2017.
Tổng thống Donald Trump bắt tay Giám đốc FBI James Comey trong buổi tiếp tân dành cho các giới chức thực thi luật pháp nhân dịp nhậm chức tổng thống tại Tòa Bạch Ốc ngày 22/1/2017.

Một nhật báo hàng đầu của Mỹ chiều tối thứ Năm tường thuật rằng Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1 đã triệu ông James Comey đến Tòa Bạch Ốc và yêu cầu ông “cam kết trung thành.”

Ông Comey bị Tổng thống Trump cách chức giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) hôm thứ Ba, gây ra một cơn cuồng phong chính trị và thậm chí một số chính trị gia còn lo ngại sẽ xảy ra khủng hoảng về hiến pháp.

Tờ New York Times nói rằng ông Comey không chịu cam kết, nhưng thay vào đó nói với ông Trump rằng ông sẽ “luôn trung thực với ông.” Bài báo nói tiếp rằng Tổng thống Trump mấy lần gạn ép ông Comey cam kết trung thành, và cuối cùng ông Comey nói với tổng thống rằng ông sẽ có “sự trung thành chân thực” của một giám đốc FBI.

Vẫn theo New York Times, ông Comey đã kể lại cho các thuộc cấp về bữa ăn tối đó và yêu cầu họ giữ bí mật khi ông còn làm giám đốc FBI, nhưng các đồng sự của ông Comey nay cảm thấy có thể nói ra những thông tin đó khi ông Comey không còn ở FBI nữa.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NBC News hôm thứ Năm, Tổng thống Trump đã đưa ra những nội dung khác về bữa cơm tối với ông Comey. Tổng thống nói ông Comey xin gặp ông Trump vì ông giám đốc FBI muốn tiếp tục giữ chức vụ đó. Tổng thống Trump không đề cập đến việc ông yêu cầu ông Comey cam kết trung thành.

Trong cuộc phỏng vấn đó, Tổng thống Trump nói rằng ông hỏi người đứng đầu cơ quan thực thi luật pháp quan trọng của quốc gia rằng bản thân ông có bị điều tra hay không.

Tổng thống Trump hỏi ông Comey: “Nếu được, ông có thể cho tôi biết là tôi có đang bị điều tra hay không? Và ông Comey nói tôi không bị điều tra.”

Trong cuộc phỏng vấn đó, Tổng thống Trump lập lại rằng “tôi không bị điều tra” khi ông được hỏi về lời khai hữu thệ của ông Comey rằng đang có một cuộc điều tra về sự liên hệ có thể có giữa cuộc vận động tranh cử của ông Trump với chính phủ Nga.

‘Rất không thích hợp’

Nhà phân tích pháp lý Bradley Moss, chuyên về các vấn đề an ninh quốc gia, phân tích rằng một cuộc nói chuyện như vậy là “rất không thích hợp.”

Ông Moss nói với đài VOA : “Có một lằn ranh không được bước qua, trong đó có việc hỏi FBI là chính mình có phải là đối tượng bị điều tra hay không.”

Nhưng ông Moss, phó giám đốc Dự án James Madison, một tổ chức ở Washington chuyên thúc đẩy các trách nhiệm của chính phủ, nói thêm rằng “rất khó nói điều đó có thực sự bất hợp pháp hay không, bởi vì ông Comey theo như cáo buộc đã đáp lại là ông Trump không bị điều tra.”

Ông Laurence Tribe, giáo sư về hiến pháp của đại học Harvard, viết trên Twitter rằng “bây giờ rõ ràng việc ông Trump sa thải ông Comey là một hành động cản trở công lý. Đó là điều khoản đầu của việc luận tội ông Nixon.”

Đó là một ám chỉ đến cựu Tổng thống Richard Nixon, người đã từ chức năm 1974 chưa đầy một tháng sau khi Hạ viện bắt đầu tiến trình luận tội ông.

Ông Trump khẳng định trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm rằng ông vẫn sa thải ông Comey cho dù các giới chức lãnh đạo Bộ Tư pháp không đề nghị ông làm như vậy.

Ông Comey chỉ đạo các cuộc điều tra về liên hệ giữa cuộc vận động tranh cử của ông Trump với các giới chức Nga và khả năng Moscow đã phá cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ năm 2016.

Công văn của Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein

Tòa Bạch Ốc hôm thứ năm tiếp tục bảo vệ quyết định bãi chức giám đốc FBI và phủ nhận các bình luận cho rằng họ tìm cách đổ trách nhiệm cho công văn của Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein.

Phó phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói: “Tôi không nghĩ có một nỗ lực gắn trách nhiệm của quyết định này cho thứ trưởng tư pháp.”

Tuy nhiên trước đó cả bà Sanders lẫn phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer và Phó Tổng thống Mike Pence đều khẳng định rằng tổng thống ra quyết định bãi chức ông Comey căn cứ vào công văn của thứ trưởng tư pháp.”

Điểm chính của vấn đề tranh cãi này là liệu ông Rosenstein được chỉ đạo soạn thảo công văn để biện minh cho quyết định sa thải ông Comey hay ông tự viết công văn đó không có chỉ đạo.

Nhật báo Washington Post và đài truyền hình ABC News đưa tin rằng ông Rosenstein bất bình với những đề cập của Tòa Bạch Ốc rằng công văn của ông hàm ý đề nghị sa thải ông Comey.

Công văn của ông Rosenstein đề cập đến việc ông Comey xử lý không đúng cuộc điều tra về vụ cựu ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton dùng máy chủ email cá nhân cho công việc khi bà làm ngoại trưởng.

Điều tra Nga phá bầu cử Mỹ

Tuy nhiên, truyền thông báo chí dẫn các nguồn tin khẳng định rằng ông Comey bị sa thải là do ông muốn đẩy mạnh cuộc điều tra Nga.

Việc sa thải ông Comey khiến phe Dân chủ tăng mạnh kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về vụ Nga. Các lãnh đạo cơ quan tư pháp của 20 tiểu bang cũng kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG