Đường dẫn truy cập

Du học sinh Việt Nam: ‘Dân Trung Quốc vẫn còn rất sợ COVID’


Chính quyền Trung Quốc đã duy trì chính sách Zero Covid trong thời gian dài
Chính quyền Trung Quốc đã duy trì chính sách Zero Covid trong thời gian dài

Tâm lý lo sợ COVID vẫn còn hiển hiện ở người dân Trung Quốc bất chấp chính quyền đang dần dần dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hà khắc, báo hiệu đợt bùng phát các ca nhiễm mới, một du học sinh Việt Nam nói với VOA.

Hiện tại Trung Quốc đang ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới kỷ lục mỗi ngày: chẳng hạn gần 14 ngàn ca hôm 9/12 và gần 11 ngàn ca vào ngày 10/12, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia nước này được Reuters dẫn lại.

Đợt bùng phát này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang dần dần nới lỏng các quy định kiểm soát dịch, bao gồm giảm xét nghiệm đại trà, cho cách ly tại nhà, giảm bớt thời gian cách ly tập trung, không phong tỏa trên diện rộng, giảm bớt các yêu cầu xuất trình về giấy tờ khi đi lại hay vào những nơi công cộng.

Việc nới lỏng này cho thấy Bắc Kinh đang dần rời xa chính sách Zero COVID trong suốt gần ba năm qua để tiến tới sống chung với dịch bệnh sau khi xảy ra các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa của các sinh viên ở các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trùng Khánh, Thành Đô…

Hành trình gian nan

Từ Thượng Hải, anh Lộc Văn Đàn, 23 tuổi, sinh viên cao học ngành Thương mại quốc tế, Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương Bắc Kinh, đã kể lại với VOA hành trình gian nan đi từ Việt Nam sang Trung Quốc và những thay đổi mà anh chứng kiến kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Anh Đàn trở lại Trung Quốc hồi tháng 10 để nhập học. Trước đó, anh về Việt Nam tránh dịch sau khi đã lấy bằng cử nhân tại Đại học Quý Châu, tỉnh Quý Châu.

“Quá trình đi từ Việt Nam sang Trung Quốc rất phức tạp và phải tuân thủ mọi quy trình của họ,” anh Đàn nói và cho biết trước khi lên máy bay anh phải cách ly trong ba ngày ở Việt Nam theo yêu cầu của phía Trung Quốc và được xét nghiệm mỗi ngày. Nếu hành khách nào bị tình nghi có virus corona thì sẽ không được lên máy bay.

Khi lên máy bay, hành khách phải mặc đầy đủ đồ bảo hộ ‘gồm 7 món, trong đó có quần, áo bảo hộ, tất chân, tất tay, mũ, kính chắn giọt bắn’, theo lời anh Đàn.

Chuyến bay đi Bắc Kinh của anh phải dừng ở Hàng Châu chờ nối chuyến. Khi đến Hàng Châu, anh ‘được xe ca đặc biệt đưa thẳng đến trại cách ly tập trung ở ngoại ô trong vòng 10 ngày’.

Theo lời anh kể thì tại sân bay Hàng Châu, hành khách phải đi ra theo một lối đi riêng ‘với tổng cộng tám lần quét mã QR theo dõi sức khỏe’.

Sau khi hoàn thành cách ly ở Hàng Châu, anh Đàn đáp chuyến bay đến Bắc Kinh và tiếp tục cách ly tập trung thêm 14 ngày theo quy định của Bắc Kinh, cũng theo lời sinh viên cao học này.

“Ở Hàng Châu ngày nào cũng xét nghiệm, còn ở Bắc Kinh xét nghiệm mỗi ngày đến ngày thứ 10, sau đó thì xét nghiệm cách ngày,” anh Đàn nói và cho biết chi phí cách ly mỗi ngày là 400 tệ, tức 1,4 triệu đồng, do sinh viên bỏ ra. Tổng cộng, anh Đàn đã tốn hơn 50 triệu đồng cho chuyến đi nhập học lần này.

Cách ly xong 14 ngày, anh được cho vào trường và ở hẳn trong ký túc xá chứ không được đi ra ngoài trừ phi bị ốm đau và phải làm xét nghiệm hàng ngày. Nếu muốn đi ra ngoài ‘phải xin phép đủ thứ loại giấy tờ’, anh Đàn cho biết.

“Nếu chỉ cần trong trường có một ca dương tính thì nhà trường ngay lập tức yêu cầu tất cả sinh viên quay trở về phòng ký túc xá và chỉ được ở trong phòng của mình. Liên tục trong 5 ngày như vậy nếu không có ca mới thì trường mới thả ra,” anh nói.

Theo lời anh thì nhà trường sẽ cắt cử các thầy cô giám sát việc cách ly của các sinh viên và ‘mọi người đã quen rồi nên đều rất tuân thủ’.

Anh nói trong đợt biểu tình phản đối phong tỏa hồi cuối tháng 11 vừa qua, sinh viên trường anh không có tham gia nhưng ‘tất nhiên là có bất mãn’ khi mà thế giới đã chuyển sang sống chung với dịch bệnh từ lâu.

“Tất nhiên là không thể nào quen được, nó rất là bí bức. Quá trình mở cửa của Việt Nam mình đã diễn ra khá lâu rồi, mình đã quay lại cuộc sống bình thường, đã gần như quên hẳn COVID rồi, nhưng sang đến Trung Quốc mình có cảm giác nó quay lại thời kỳ mình chưa biết gì về dịch bệnh, mọi thứ vẫn còn rất đáng sợ,” anh Đàn mô tả cảm giác của anh khi quay trở lại Trung Quốc.

‘Đã dễ thở hơn’

Tuy nhiên, hiện giờ nhà trường đã cho phép sinh viên rời trường về nhà để nghỉ đông, và bản thân anh Đàn đã đi được từ Bắc Kinh xuống Thượng Hải bằng tàu cao tốc.

Việc xét nghiệm cũng không phải bắt buộc làm mỗi ngày nữa ‘mà thực hiện theo yêu cầu của sinh viên’ và nhà trường đã cho sinh viên tự xét nghiệm ở nhà bằng que xét nghiệm nhanh, cũng theo lời anh Đàn.

Anh cho biết hiện giờ ở Bắc Kinh, Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung, việc đi lại bằng phương tiện công cộng không đòi hỏi giấy tờ gì nữa. Lúc anh vừa đến Thượng Hải, anh đã phải xét nghiệm ngay ở nhà ga và tạo mã QR riêng mới được ra. Trong vòng 5 ngày đầu ở Thượng Hải, anh không được phép đến những nơi công cộng vốn đòi hỏi phải quét mã QR mới cho vào.

So sánh giữa ba thành phố mà anh đã đặt chân qua kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch, anh nói ‘Thượng Hải quay lại cuộc sống bình thường nhanh nhất’ và cho đến giờ, các trung tâm thương mại ở đây đã bỏ quy định phải quét mã QR mới cho vào.

“Các nhà hàng ở Bắc Kinh hiện vẫn còn hạn chế lượng người ra vào và số lượng shipper (người giao hàng) ở Bắc Kinh vẫn khá là ít nên việc tự do ăn uống ở các nhà hàng ở Bắc Kinh vẫn đang bị hạn chế,” anh Đàn nói.

Theo nhận định của anh thì Trung Quốc chọn thời điểm này để nới lỏng ‘là phù hợp vì cả thế giới đều đã nới lỏng và cảm thấy COVID không còn quá nguy hiểm như trước’.

“Trung Quốc không thể nào là quốc gia đầu tiên mở cửa khi mà dân số họ quá đông, với phần trăm người già trong tỷ lệ dân số rất là cao,” anh giải thích.

‘Vẫn còn tâm lý sợ’

Theo quan sát của anh thì người dân Trung Quốc, nhất là người già, vẫn còn tâm lý sợ COVID.

“Người dân Trung Quốc rất yêu thương gia đình của họ, nếu người thân bị nhiễm hay mất đi là điều rất đau đớn nên nếu được chọn lựa giữa mất mát tiền bạc và mất sức khỏe thì người dân Trung Quốc vẫn lựa chọn tạm thời không thể kiếm tiền còn hơn là ảnh hưởng đến người nhà,” anh lý giải về thái độ không mặn mà với việc nới lỏng kiểm soát dịch của một bộ phận người dân Trung Quốc.

“Cho đến tận bây giờ Trung Quốc vẫn còn đang có hai luồng ý kiến: một là nên duy trì chính sách cũ, một là nên mở cửa. Đa số những người đòi duy trì chính sách cũ là những người trên 50 tuổi”

Ngay cả trong sinh viên cũng có người còn sợ COVID, anh nói và đưa ra dẫn chứng là khi anh đi Thượng Hải, nhiều bạn bè anh sợ ‘đi sẽ nhiễm bệnh nên chọn ở nhà’.

Giải thích tại sao COVID vẫn còn đáng sợ với người dân Trung Quốc như vậy, anh Lộc nói việc phong tỏa nặng tay trước đây đã ‘khắc sâu trong tâm trí người dân một hình ảnh rất đáng sợ về căn bệnh này’.

Bản thân anh Đàn từng bị nhiễm COVID hai lần ở Việt Nam. Do đó, anh nói anh chia sẻ với các bạn bè Trung Quốc của anh về cách phòng chống, chữa trị.

“Bản thân mình thấy phòng dịch nhưng không nên gắt quá. Chính vì làm quá gắt nên mới gây ra vụ cháy chết chóc ở Tân Cương khiến các bạn sinh viên xuống đường biểu tình,” anh nói.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG