Đường dẫn truy cập

Đe dọa của Bắc Triều Tiên với miền Nam và Mỹ gây thêm căng thẳng


Những tấm bích chương biểu ngữ có nội dung đe dọa Mỹ và đồng minh, Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, 26/3/2013.
Những tấm bích chương biểu ngữ có nội dung đe dọa Mỹ và đồng minh, Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, 26/3/2013.
Trong những tuần lễ gần đây, Bắc Triều Tiên đã đưa ra những lời nói hằn học mới đối với Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, đe dọa biến Seoul thành một “biển lửa” và tấn công hạt nhân vào những mục tiêu tại Hoa Kỳ.

Hai nhà phân tích tại Washington nói với Đài VOA là Bắc Triều Tiên sẽ không gây chiến với Hoa Kỳ, và nguy hiểm lớn nhất là Bình Nhưỡng sẽ làm việc gì đó để khiêu khích chiến tranh giữa hai nước Triều Tiên.

Ông Bruce Klinger thuộc Heritage Foundation nói giao tranh có thể xảy ra tại Hoàng Hải gần ranh giới trên biển được thành lập vào cuối Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.

Bắc Triều Tiên chưa bao giờ công nhận ranh giới này và đã rút khỏi thỏa thuận về đường ranh vào cuối những năm 1990, khiến cho năm đảo của Nam Triều Tiên nằm trong phạm vi của Bắc Triều Tiên. Ông Klinger nói:

“Có năm đảo nằm ngay phía nam Đường Giới hạn phía Bắc, ranh giới biển đang tranh chấp, và mới đây Bắc Triều Tiên đã điều thêm pháo binh đến khu vực. Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã đi thăm một vài đảo này. Những ngôn từ của Bắc Triều Tiên rõ ràng nhằm vào vào Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 6 của Nam Triều Tiên trú đóng trên một trong nhóm đảo. Việc này gây nên những lo ngại trên đảo và tại Seoul.”

Bất ổn chính trong vùng xảy ra lần cuối cùng vào năm 2010, khi một thủy lôi đánh đắm chiến hạm Cheonan của Nam Triều Tiên làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul đổ lỗi cuộc tấn công này cho Bình Nhưỡng.

Cũng trong năm đó, Bắc Triều Tiên pháo kích Yeonpyeong, một trong năm đảo của Nam Triều Tiên, và làm thêm bốn người thiệt mạng.

Bà Ellen Kim thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói Bình Nhưỡng phải được thuyết phục để không khiêu khích thêm nữa:

“Nếu có bất cứ sự khiêu khích nào như biến cố Cheonan, Nam Triều Tiên sẽ đáp ứng một cách mạnh mẽ, và nếu có sự tính toán sai lầm nào, hay có tai nạn nào trong việc giáng trả, việc này có thể dễ dàng leo thang thành một tranh chấp lớn hơn.”

Nam Triều Tiên không trả đũa biến cố năm 2010. Tuy nhiên tân Tổng thống Park Geun-hye vừa tuyên bố là bà sẽ “đáp ứng mạnh mẽ đối với những khiêu khích của Bắc Triều Tiên.”

Theo ông Klingner và bà Kim, Bắc Triều Tiên hiếu chiến như vậy một phần vì nổi giận do những biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc. Những biện pháp này được áp đặt sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm phi đạn tầm xa cuối năm ngoái và thử nghiệm hạt nhân vào tháng trước.

Bắc Triều Tiên đã phản đối những biện pháp mới của Liên Hiệp Quốc.

Đối với nhà lãnh đạo 28 tuổi của Bắc Triều Tiên, bà Ellen Kim nói bà hy vọng ông này sẽ hiểu được “những nguy hiểm trong hành động của ông” và không phải là một “người liều lĩnh.” Bà ghi nhận ông này có thể “táo bạo” hơn người cha, cố lãnh tụ Kim Jong Il:

“Chúng tôi nghĩ lúc đầu khi lên cầm quyền, ông mang theo một số thay đổi ở ngoài mặt. Do đó mọi người hy vọng ông Kim Jong Un sẽ đưa Bắc Triều Tiên đi theo hướng khác. Nhưng hiện này nhiều người thất vọng và không nghĩ ông Kim Jong Un là một nhà cải cách, và dường như ông trở lại chính sách cứng rắn của cha theo một đường lối nguy hiểm hơn.”

Ông Klingner bi quan khi được hỏi là liệu Kim Jong Un có bị bao vây bởi những người biết lẽ phải có thể ảnh hưởng để ông này thối lui hay không:

“Những người này là những lãnh tụ cũ, những cố vấn như trước đây, có mặt khi ông Kim Jong Il tấn công Nam Triều Tiên, đánh chìm chiến hạm Cheonan trong vùng biển Nam Triều Tiên, pháo kích một đảo dân sự. Do đó, chúng ta thấy những cố vấn cũ bên cạnh nhà lãnh đạo mới.”

Trước đây trong tuần, Bắc Triều Tiên loan báo cắt đường dây nóng quân sự cuối cùng với Nam Triều Tiên. Bắc Triều Tiên nói liên lạc thông tin như vậy không cần thiết vì “chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.”

Ông Klingner nói hiện chưa rõ Bình Nhưỡng có liên lạc với Nam Triều Tiên bằng cách có thể sử dụng một kênh ở hậu trường như Trung Quốc, đồng minh hàng đầu của Bắc Triều Tiên hay không:

“Có thể Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên tiếp xúc với Bắc Triều Tiên qua đường dây tại New York, là phái bộ thường trực của Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc ở New York. Cũng có những cách khác chuyển thông điệp qua ngả Trung Quốc. Chúng ta không biết Bắc Triều Tiên có nhận những thông điệp hay đưa ra bất cứ thông điệp nào hay không.”

Hôm thứ Tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói Hoa Kỳ vẫn “chuẩn bị giao tiếp xây dựng” với Bình Nhưỡng miễn là Bắc Triều Tiên tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế và tự chế không có những hành động khiêu khích thêm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG