Đường dẫn truy cập

Đập thủy điện lớn nhất Campuchia bắt đầu sản xuất


Bà Nat Sota, một dân làng ở Hạ Sesan 2, tụ tập cùng nhiều dân làng khác cũng bị tác động bởi nạn lụt do công trình xây đập Hạ Sesan gây ra ở tỉnh Stung Treng, ngày 28/11/2018 (Sun Narin/VOA Khmer)
Bà Nat Sota, một dân làng ở Hạ Sesan 2, tụ tập cùng nhiều dân làng khác cũng bị tác động bởi nạn lụt do công trình xây đập Hạ Sesan gây ra ở tỉnh Stung Treng, ngày 28/11/2018 (Sun Narin/VOA Khmer)

Dự án thủy điện lớn nhất Campuchia chính thức sản xuất điện hôm 17/12 giữa lúc Phnom Penh cố tăng công suất để giảm nhập khẩu năng lượng và giúp khởi động phát triển công nghiệp, theo hãng tin AP.

Thủ tướng Hun Sen đã khánh thành đập thủy điện Lower Sesan II tức Hạ Sesan 2. Đập thủy điện 400 megawatt này đặt tại tỉnh Stung Treng ở khu vực đông bắc Campuchia.

Dự án được xây dựng dưới hình thức hợp đồng “Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao”, sẽ đẩy mạnh sản xuất điện tại Campuchia lên 20%, theo Bộ Hầm mỏ và Năng lượng nước này.

Được xây dựng trong bốn năm với chi phí lên tới gần 800 triệu đô la, đập Hạ Sesan 2 là một liên doanh giữa Công ty Năng lượng Quốc tế Trung Quốc Hydrolancang, chiếm 51% cổ phần, Tập đoàn Hoàng gia Campuchia với 39%, và Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN của Việt Nam với 10%.

AP tường thuật rằng theo dự kiến con đập này sẽ mang về gần 30 triệu đô la tiền thuế hàng năm. Quyền sở hữu sẽ được chuyển giao cho chính phủ sau 40 năm.

Những người phản đối cho rằng con đập sẽ phá hủy tính đa dạng sinh học của hai nhánh sông Mê Kông và tàn phá sinh kế cũng như nhà cửa của hàng ngàn người. Ước lượng có đến 100.000 người có thể mất khả năng kiếm sống bằng nghề đánh cá.

Con đập này là đập thủy điện quy mô thương mại thứ 7 ở Campuchia, nâng sản lượng thủy điện lên 1.328 megawatt.

Thủy điện cung cấp 45% điện tiêu thụ của Campuchia, tiếp theo là 35% từ các nhà máy nhiệt điện than và khoảng 5% từ dầu mỏ và năng lượng thay thế.

Campuchia vẫn phải nhập khoảng 15% điện từ các nước láng giềng. Giá tiện ích cao, gây ra bởi sự thiếu hụt nguồn cung trong nước, là một trở ngại lớn đối với Campuchia trong cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài.

AP trích dẫn một báo cáo của chính phủ năm ngoái ước tính Campuchia có thể sản xuất tới 10.000 megawatt từ thủy điện, và việc phát triển các dự án bổ sung đang được tiến hành.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Campuchia trong các dự án phát triển các đập thủy điện và cơ sở hạ tầng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG