Đường dẫn truy cập

Đàm phán NAFTA sẽ gây cấn


Xưởng sản xuất của tập đoàn TECMA ở Ciudad Juarez, Mexico (ảnh tư liệu ngày 27/12/2013).
Xưởng sản xuất của tập đoàn TECMA ở Ciudad Juarez, Mexico (ảnh tư liệu ngày 27/12/2013).

Vòng đàm phán thứ nhất giữa Mỹ, Canada và Mexico bắt đầu vào ngày 16/8 về hiệp ước mà Tổng thống Donald Trump gọi là “hiệp ước thương mại tồi tệ nhất.” Ông Trump đổ cho Hiệp ước thương mại tự do Bắc Mỹ, gọi tắt là NAFTA, có hiệu lực hai thập niên qua đã cướp đi hàng triệu công ăn việc làm của Mỹ. Ông Trump từng thề quyết sẽ bỏ thỏa thuận này, trừ phi Mỹ giành được những điều kiện công bằng hơn. Nhưng các chuyên gia thương mại cảnh báo rằng phía Mỹ không có nhiều lựa chọn để cho hiệp ước này thất bại, bởi cái giá của nó rất cao.

Từ khi được ký kết vào năm 1994 – giá trị trao đổi thương mại giữa ba đối tác NAFTA đã tăng từ 290 tỉ đôla lên đến 1,100 tỉ đôla. Nhưng những người chỉ trích nói rằng nó cũng làm cho Mỹ mất đi 5 triệu công việc làm trong ngành sản xuất. Người lớn tiếng chỉ trích nhất trong số đó là Tổng thống Donald Trump. Ông đã thề sẽ đàm phán lại hiệp ước này để giành những điều kiện tốt hơn cho Mỹ.

Tổng thống Trump nói: "Hiệp ước này rất có lợi cho Canada, rất có lợi cho Mexico, nhưng hết sức tai hại cho Mỹ."

Một số nhà kinh tế nói rằng đòi hỏi đó là quá đáng. Bà Laura Dawson, giám đốc Viện nghiên cứu Canada tại Trung tâm Wilson, nói rằng tranh luận về việc mất công việc làm không bao gồm yếu tố Trung Quốc cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tự động.

Bà Dawson nói: "Hiện nay Hoa Kỳ sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn bao giờ hết, nhưng họ sử dụng ít nhân công hơn. "

Những người khác nói rằng NAFTA bị lỗi ngay từ đầu. Ông Bill Spriggs, kinh tế gia trưởng của công đoàn lao động lớn nhất nước Mỹ, nhận định:

"NAFTA giống một thỏa thuận kinh doanh nhằm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp hơn. Nó không có một ý nghĩa bảo vệ môi trường thiết thực, không có ý nghĩa bảo vệ nhân quyền thiết thực, không có ý nghĩa bảo vệ quyền của người lao động một cách thiết thực.”

Bộ trưởng Ngoại giao Canada hôm thứ Hai 13/8 đã nói trên mạng xã hội rằng NAFTA rất đáng được bảo vệ:

"Quan hệ kinh tế Mỹ- Canada là quan trọng nhất, là lợi ích song phương lớn nhất, mang tính tương tác cao nhất, và hiệu quả nhất thế giới.”

Bất chấp đầu tư vào các nhà máy của Mexico tăng, một số giới chức Mexico nói rằng NAFTA chưa phát huy được hiệu quả tương xứng như những gì được hứa hẹn. Nhưng nhà cựu ngoại giao Mexico Antonio Ortiz-Mena, hiện là cố vấn cấp cao của nhóm tư vấn doanh nghiệp Albright Stonebridge, nói rằng hiệp ước này cần sửa đổi để đáp ứng tác động của xu thế toàn cầu hóa.

Ông Ortiz-Mena nói: "Trong tư cách của một khối, chúng ta có thể cạnh tranh hữu hiệu với những khối khác. Mexico là một phần của giải pháp cho những những thách thức thực tế."

Nhưng mục tiêu của Mỹ là hạ giảm thâm thủng mậu dịch và loại bỏ cơ chế thương mại gây tranh cãi được cho là có lợi cho các nhà xuất khẩu gỗ của Canada có thể làm cho thương lượng trở nên khó khăn hơn.

Bà Daowson nhận định: “Tôi thấy chỉ có trở ngại. Nhưng đó là tính chất của một cuộc đàm phán thương mại có thực chất”

Theo kế hoạch sẽ có bảy vòng đàm phán, và sẽ kết thúc vào tháng 7 năm 2018, trước khi Mexico bầu cử tổng thống.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG