Đường dẫn truy cập

Đài Loan phản đối Luật Biển của Việt Nam


Binh sĩ hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa.
Binh sĩ hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa.

Nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam

Nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam

Luật Biển Việt Nam được Quốc hội của Việt Nam thông qua vào ngày 21/6/2012. Luật này gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013

Chương 1: gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, định nghĩa.

Chương 2: quy định về vùng biển Việt Nam với các quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải.

Chương 3: quy định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, trong đó có các quy định: đi qua không gây hại trong lãnh hải, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải.

Chương 4: dành cho phát triển kinh tế biển, với các điều khoản về nguyên tắc phát triển kinh tế biển.

Chương 5: quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển với các điều khoản về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.

Chương 6: Quy định về xử lý vi phạm và biện pháp ngăn chặn.
Chính phủ Đài Loan không công nhận tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa như mô tả trong Luật Biển Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm nay.

Bộ Ngoại giao Đài Loan ngày 2/1 tuyên bố ‘xét về mặt lịch sử, địa lý hay luật quốc tế, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa, Đông Sa và vùng biển lân cận hiển nhiên là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Đài Loan’ và ‘hành động của bất kỳ nước nào nhằm chiếm đóng hay tuyên bố chủ quyền tại các khu vực này với bất cứ lý do gì đều bất hợp pháp’.

Hãng thông tấn trung ương Đài Loan dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hạ Quý Xương, ngày 3/1 nói Đài Loan rất quan ngại và cực lực phản đối Luật Biển của Việt Nam. Ông Hạ cho biết Bộ đã yêu cầu văn phòng đại diện của Đài Loan tại Việt Nam trình bày quan điểm với chính quyền Hà Nội.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao ban hành tối 2/1 nêu lên lập trường trước nay của Đài Loan muốn cùng làm việc với các nước để phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông trên cơ sở hòa bình, hợp tác phát triển, với điều kiện là các quần đảo này thuộc chủ quyền của Đài Loan.

Chính phủ Đài Loan kêu gọi thay đối đầu bằng đối thoại trong tranh chấp Biển Đông, đồng thời cũng yêu cầu các nước láng giềng tuân thủ luật quốc tế, tự chế, duy trì quyền tự do hàng hải và tránh các hành động đơn phương làm ảnh hưởng tới hòa bình-ổn định trong khu vực.

Đài Loan hiện đang kiểm soát quần đảo Đông Sa và đảo Thái Bình (Việt Nam gọi là Ba Bình), tức đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa.

Việt Nam nói đảo Ba Bình thuộc chủ quyền Việt Nam bị Đài Loan chiếm đóng. Phía Đài Loan cho rằng hòn đảo này do Đài Loan nhận chủ quyền đầu tiên vào năm 1947 và đã duy trì sự hiện diện thường trực tại đây kể từ năm 1956 tới nay.

Trước Đài Loan, Trung Quốc cũng đầu tuần này cũng đã lên tiếng phản đối Luật Biển của Việt Nam mà Bắc Kinh gọi là ‘bất hợp pháp và vô giá trị’.

Tới tối ngày 3/1, chưa có thông tin về phản hồi của phía Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn đầu năm với thông tấn xã Việt Nam được Tân Hoa xã trích thuật hôm nay, Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam dựa trên sự kết hợp giữa các phương sách hợp tác và quốc phòng để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nguồn: CNA, Taiwan Today

VOA Express

XS
SM
MD
LG