Đường dẫn truy cập

Đài Loan muốn xúc tiến dự án xây nhà máy điện hạt nhân


Dân chúng Ðài Loan biểu tình chống hạt nhân dưới trời mưa tại Đài Bắc, ngày 8/3/2014.
Dân chúng Ðài Loan biểu tình chống hạt nhân dưới trời mưa tại Đài Bắc, ngày 8/3/2014.
Nhiều người ở Đài Loan xuống đường biểu tình để đòi chính phủ đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cũ và tháo dỡ nhà máy thứ tư chưa đi vào hoạt động. Nhưng chính phủ ở Đài Bắc nói rằng họ cần các nhà máy này để sản xuất điện và sẽ xúc tiến dự án “nhà máy điện hạt nhân số 4” một khi nhà máy thông qua các cuộc kiểm tra an toàn. Từ Đài Bắc, thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Khoảng 130.000 người ở Đài Loan đã xuống đường biểu tình trong lúc trời mưa hôm thứ bảy để kêu gọi mọi người chú tâm tới vấn đề an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, 3 ngày trước dịp kỷ niệm 3 năm ngày xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản.

Chính phủ đã đáp lại lời kêu gọi đó bằng cách tỏ ý cho thấy kế hoạch phát triển điện hạt nhân sẽ được xúc tiến.

Ông Lâm Hồng Trì, người đứng đầu Ủy ban Chính sách Trung ương của Quốc Dân Đảng đương quyền, nói rằng chương trình hạt nhân của đảo quốc này là an toàn.

"Vào lúc này, sự an toàn của các nhà máy hạt nhân số 1, số 2 và số 3 tiếp tục nằm ở vị trí hàng đầu khi so sánh với các nhà máy hạt nhân khác trên thế giới. Các nhà máy này đã hoạt động rất lâu mà không có vấn đề gì. Về sự an toàn của nhà máy số 4, bên cạnh cuộc kiểm tra của Bộ Kinh tế, Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Quốc gia sẽ tiếp tục kiểm tra và xét nghiệm. Ngoài ra, một tổ chức quốc tế cũng sẽ thực hiện các cuộc kiểm tra an toàn."

Đài Loan có một cơ sở công nghiệp rất lớn và phát ngôn viên nội các Tôn Lập Quần hôm thứ 7 nói rằng vào thời điểm này chương trình năng lượng hạt nhân phải tiếp tục. Ông cho biết nhà máy số 4 có thể bắt đầu hoạt động sau khi sự an toàn được bảo đảm. Nhà máy này đã được khởi công xây dựng từ năm 1999 và chính phủ đã tiêu tốn 9 tỉ 300 triệu đô la cho dự án này, một phần vì có sự trễ nãi do sự phản đối của công chúng.

Một số những cuộc biểu tình chống hạt nhân với qui mô lớn nhất đã được thực hiện sau khi thảm họa hạt nhân Fukushima xảy ra ngày 11 tháng 3 năm 2011. Trước đây, các giới chức chính phủ đã phản ứng bằng cách nói rằng họ hy vọng chương trình điện hạt nhân rốt cuộc có thể sẽ được hủy bỏ và cử tri có thể quyết định về việc có nên xúc tiến dự án nhà máy hạt nhân số 4 hay không. Tuy nhiên, giới hữu trách không đưa ra một thời biểu cho việc từ bỏ điện hạt nhân và mối hy vọng về một cuộc trưng cầu dân ý về điện hạt nhân đã bị lu mờ vì những rào cản pháp lý.

Đài Loan đã vận hành các nhà máy điện hạt nhân từ thập niên 1970 và lượng điện các nhà máy đó sản xuất chiếm khoảng 12% tổng sản lượng điện của đảo quốc này.

Bà Lưu Huệ Minh, một viên chức phụ trách công tác báo chí của phong trào chống điện hạt nhân, nói rằng chính phủ đang bám víu vào những chủ trương đã lỗi thời.

"Chính phủ không hề thực hiện biện pháp nào để thúc đẩy cho việc tổ chức trưng cầu dân ý mà lại tỏ ý cho thấy họ muốn xúc tiến dự án nhà máy điện hạt nhân số 4. Họ tiếp tục nói tới việc kiểm tra an toàn hạt nhân, trong khi không chịu thay đổi hay điều chỉnh lập trường để đáp ứng những đòi hỏi của công chúng hay thích nghi với tình hình thực tế."

Những người biểu tình dự trù tập trung nỗ lực vào việc nới lỏng các luật lệ về việc tổ chức trưng cầu dân ý và đang tìm kiếm các ứng cử viên có chủ trương chống hạt nhân để ra tranh cử trong các cuộc bầu cử chính quyền địa phương trong năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG