Đường dẫn truy cập

Cựu thẩm phán Mỹ kêu gọi hủy bỏ quyền mang súng


Cựu thẩm phán Tối cao pháp viện John Paul Stevens vừa kêu gọi loại bỏ Tu chính án số 2 trong đó cho phép mọi cá nhân ở Mỹ được phép có súng để tự vệ.
Cựu thẩm phán Tối cao pháp viện John Paul Stevens vừa kêu gọi loại bỏ Tu chính án số 2 trong đó cho phép mọi cá nhân ở Mỹ được phép có súng để tự vệ.

Thẩm phán của Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, John Paul Stevens, kêu gọi hủy bỏ Tu chính án số 2 và cho rằng các cuộc biểu tình sau vụ xả súng làm nhiều người thiệt mạng tại trường học ở Parkland, Florida, là một xúc tác thúc đẩy phải hành động cho sự thay đổi này.

Trong bài viết đăng trên New York Times hôm 27/3, cựu thẩm phán 97 tuổi viết rằng một tu chính án “để loại bỏ” Tu chính án số 2 “ là phương án tốt nhất để làm suy yếu khả năng của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) trong việc ngăn cản tranh luận pháp lý và ngăn chặn các luật lệ kiểm soát súng tích cực.”

Ông Stevens thất bại trong cuộc tranh luận đưa đến một phán quyết năm 2008, theo đó Toà tối cao bảo vệ Tu chính án thứ 2, cho phép mọi cá nhân quyền sở hữu súng để tự vệ. Ông nói rằng phán quyết đó trao cho Hiệp hội Súng trường Quốc gia “một vũ khí tuyên truyền với một sức mạnh vô biên.”

Ông Stevens nghỉ hưu vào năm 2010 sau hơn 35 phục vụ tại tòa.

Tổng thống Donald Trump hôm 28/3 viết trên Twitter rằng “Tu chính án thứ 2 sẽ không bao giờ bị hủy bỏ!”

Tổng thống Trump viết: “Bất chấp đảng Dân chủ rất muốn thấy điều này xảy ra, và bất chấp những lời lẽ ngày hôm qua của cựu thẩm phán Tòa Tối cao Stevens, nhưng không đời nào. Chúng ta cần có nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa hơn trong năm 2018 và phải luôn nắm Tối cao pháp viện.”

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói chính quyền Tổng thống Trump đang tập trung vào việc tước bỏ súng khỏi tay những cá nhân nguy hiểm, chứ “không tước quyền hiến định của người Mỹ.”

Việc loại bỏ tu chính án là vô cùng khó khăn. Sửa đổi hiến pháp chỉ có thể được đề xuất bởi Quốc hội với 2/3 số phiếu thuận ở cả 2 viện hoặc bởi một hội nghị hiến pháp được 2/3 cơ quan lập pháp của các tiểu bang triệu tập. Đề xuất sửa đổi sau đó cần phải được 3/4 tổng số các tiểu bang thông qua thì mới thành hiện thực.

VOA Express

XS
SM
MD
LG