Đường dẫn truy cập

Cựu giới chức ngoại giao cao cấp Mỹ cảnh báo về căng thẳng Mỹ-Trung


Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Á châu Thái bình dương Kurt Campbell
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Á châu Thái bình dương Kurt Campbell
Một trong các kiến trúc sư trưởng của chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Á châu cho rằng mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ luôn có căng thẳng. Cựu Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Á châu Thái bình dương Kurt Campbell đã nghỉ hưu hồi tháng trước sau 4 năm phục vụ dưới quyền ngoại trưởng Hillary Clinton. Ông đã đưa ra cảnh báo vừa kể trong bài diễn thuyết ở Australia ngày hôm nay.

Trong phát biểu công khai đầu tiên sau khi rời nhiệm sở tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Kurt Campbell nói rằng việc Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sống chung với nhau ở khu vực Á châu Thái bình dương là thách thức nghiêm trọng nhất về chính sách đối ngoại của thế kỷ này.

Cựu giới chức ngoại giao này nói tại một cuộc hội thảo của các chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Sydney rằng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng tới tình hình chính trị trên khắp thế giới. Ông Campbell cho rằng các nhà lãnh đạo của hai đại cường này nhận thức được nhu cầu tìm kiếm cách thức sống chung nhưng căng thẳng lúc nào cũng tồn tại.

Ông cũng cho rằng các giới chức ở Canberra thường không hiểu rõ ước muốn chung sống hòa bình với Trung Quốc của Hoa Kỳ:

"Tôi nghĩ rằng người Úc thường không nhận thức rõ mức độ sâu sắc và tính chất lâu bền của quyết tâm hợp tác với Trung Quốc của Hoa Kỳ. Đối với Hoa Kỳ, mục tiêu quan trọng nhất của chính sách đối ngoại trong thế kỷ 21 là tìm ra cách thức làm việc chung để chung sống với Trung Quốc trong khu vực Á châu Thái bình dương. Việc tìm kiếm những cách thức để cộng tác, để hợp tác với nhau là một việc cực kỳ quan trọng."

Ông Campbell đã nắm giữ một vai trò then chốt trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ với Miến Điện, sau khi các tướng lãnh của quốc gia Đông Nam Á này kết thúc chế độ quân trị kéo dài nhiều thập niên.

Sau khi rời khỏi chính phủ, ông Campbell đã lập ra một công ty tư vấn có tên Asia Group, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp, các chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự trên khắp Á châu.

Một trong những dự án đầu tiên của Asia Group được loan báo công khai là công ty này đã tham gia một tổ hợp công ty nước ngoài để giành hợp đồng hiện đại hóa Phi trường Quốc tế Rangoon của Miến Điện, được xây từ năm 1947.

Ông Sean Turnell, giáo sư kinh tế học của Đại học Macquarie ở Sydney, cho biết việc các chính khách và các nhà ngoại giao tìm cách lợi dụng kiến thức chuyên môn để kiếm tiền trong khu vực tư sau khi về hưu là một việc vẫn thường xảy ra. Ông nói:

"Về mặt tích cực, điều này có nghĩa là những người như ông Campbell chắc chắn hiểu biết rất thấu đáo các vấn đề. Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là phải chăng những chức vụ trong quá khứ sẽ giúp chúng ta có được ảnh hưởng trên thương trường trong tương lai. Nhưng dĩ nhiên đây là một trong những vấn đề mà theo tôi vẫn xuất hiện hầu như trên thế giới. Đó là quyền lực chính trị thường biến thành quyền lợi kinh tế."

Việc Miến Điện mở cửa cho du khách và các nhà đầu tư đã tạo ra rất nhiều hứng thú cho các doanh nghiệp nước ngoài, những người đang muốn dự phần vào công cuộc phát triển qui mô lớn về cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá, khách sạn và phi trường.

VOA Express

XS
SM
MD
LG