Đường dẫn truy cập

Cuộc gặp Trump-Putin: theo dõi nhiều, kỳ vọng ít


Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái), và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái), và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày thứ Sáu 7/7 sẽ được theo sát, nhưng lý do không phải là vì có nhiều kỳ vọng hai bên sẽ đạt được tiến bộ. Trong khi cả hai nhà lãnh đạo đều tỏ ý muốn chấn chỉnh lại mối quan hệ song phương, vốn đã rạn nứt vì hành động của Nga can thiệp vào Ukraina, ít có hy vọng sẽ giảm được căng thẳng trong cái gọi là ‘cuộc chiến tranh lạnh mới’. Thông tín viên Daniel Schearf của VOA tường thuật rằng cuộc họp này đã bị lu mờ vì các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành về những sự liên kết giữa nhóm vận động tranh cử của ông Trump với Nga, và các vụ tin tặc do Nga thực hiện mà các cơ quan tình báo Mỹ tin là có mục đích giúp ông Trump thắng cử.

Buổi gặp mặt đầu tiên sẽ diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Hamburg, Đức. Điện Kremlin nói vấn đề khủng bố, Syria và Ukraine sẽ đứng đầu chương trình nghị sự.

Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Trump sẽ quyết định đề tài thảo luận, và mô tả đây là một "cuộc họp song phương bình thường". Nhưng theo các nhà phân tích, ông Trump có thể nêu bất kỳ chủ đề nào trong cuộc gặp này.

Ông Stephen Sestanovich, Hội đồng Chính sách Đối ngoại nói:

"Tổng thống Trump có những ý tưởng bốc đồng riêng. Ông có thể quyết định đẩy cuộc họp theo một hướng bất ngờ, và chúng ta phải chuẩn bị cho điều này. Phong cách của ông ấy là như vậy."

Tuy nhiên, các cuộc điều tra đang tiếp diễn về cáo buộc là có sự thông đồng giữa toán vận động tranh cử của ông Trump với Nga đã phủ bóng lên niềm hy vọng của chính quyền ông Trump rằng cuộc gặp gỡ này có thể cải thiện mối quan hệ hai nước.

Bà Hannah Thoburn, Viện Hudson nói:

“Mọi việc xảy ra giữa ông Trump và ông Putin sẽ được quan sát trong bối cảnh đó. Ông Trump có quá thân thiện hay không? Liệu ông có thực sự tỏ ra cứng rắn với Nga để xoa dịu giới chỉ trích ở trong nước? Tôi nghĩ có rất nhiều câu hỏi mà chúng ta sẽ sớm tìm ra câu trả lời."

Tuy nhiên, ít ai mong đợi ông Trump sẽ mang vấn đề các vụ tin tặc của Nga mà cơ quan tình báo Mỹ nói là có mục đích giúp ông Trump thắng cử.

Trên đường phố thủ đô Moscow, người Nga vẫn hy vọng quan hệ Mỹ-Nga sẽ tốt hơn - sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau.

Ông Konstantin, một cư dân Moscow, nói:

"Tình huống này không thể kéo dài. Ai đó nên nhận ra rằng nếu không hợp tác với nhau, chúng ta sẽ không tiến bộ".

Các nhà phê bình cho rằng bất kỳ bước tiến nào hướng tới hợp tác cũng chỉ sẽ dừng lại ở trong những lời phát biểu.

Ông Andrei Kolesnikov thuộc Trung tâm nghiên cứu Carnegie ở Moscow:

"Hiện chưa thấy có một chương trình nghị sự cụ thể, cũng không có mục tiêu cụ thể cho cả hai nhà lãnh đạo, thậm chí chưa thấy ý chí để thực hiện các mục tiêu đó. Ông Putin dường như đang chờ đợi ông Trump đi trước vài bước, trong khi ông Trump không thể đối phó với những khó khăn của riêng ông ở trong nước Mỹ. Ông Trump không biết làm thế nào để định hình thái độ của ông đối với ông Putin. Không có mục tiêu, không có ý chí, thì không tiến bộ."

Ông Kolesnikov nói bất kể kết quả ra sao, cuộc gặp song phương là một chiến thắng đối với điện Kremlin.

Nếu cuộc gặp không có kết quả, Nga sẽ đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Nếu mọi việc suôn sẻ, ông Putin sẽ được cho là có công.

VOA Express

XS
SM
MD
LG