Đường dẫn truy cập

Công ty Philippines, TQ định hợp tác khai thác khí đốt ở Biển Đông


Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) do nhà nước làm chủ.
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) do nhà nước làm chủ.
Hồi đầu tuần này, Philippines cho biết họ sẽ đưa Trung Quốc ra trước một tòa án trọng tài quốc tế vì Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Vụ tranh cãi lâu năm này đã làm cho hầu hết các công ty dầu khí né tránh khu vực này, nhưng không phải mọi công ty đều như vậy. Một công ty của Philippines đang hy vọng có thể hợp tác với một công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc để khai thác khí đốt trong vùng biển có tranh chấp. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật do thông tín viên VOA Simone Orendain gởi về từ Manila.

Chờ đợi

Công ty Năng lượng Forum đang mắc kẹt trong tình trạng chờ đợi. Công ty dầu khí có bản doanh ở Anh và do một công ty Philippines nắm đa số phần hùn này đã hy vọng có thể bắt đầu khoan khí đốt trong vùng Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông, nhưng họ vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn của chính phủ Philippines.

Công ty Forum đã bắt đầu tiến hành những hoạt động sơ bộ để đánh giá trữ lượng tiềm năng của khu vực này, nhưng hồi đầu năm 2011, các nhân viên của công ty cho biết họ đã bị các tàu của Trung Quốc xua đuổi. Cách nay hơn 5 năm, khu vực này cho thấy một tiềm năng 1.000 triệu mét khối khí đốt và có thể có tới 3.000 triệu mét khối nữa.

Một giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ở biển Bột Hải, 3/2/2005
Một giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ở biển Bột Hải, 3/2/2005
Ông Manuel Pangilinan là chủ tịch của công ty dầu khí Philex, là công ty có 65% phần hùn trong công ty Năng lượng Forum. Ông đang định hợp tác với Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) do nhà nước làm chủ để khoan khí đốt ở Bãi Cỏ Rong.

Ông Pangilina nói: "Không có giàn khoan nào ở nước này là do người Philippines làm chủ. Vì vậy chúng tôi chỉ có hai lựa chọn: một là mặc kệ những trái ngư lôi và đưa tàu nước ngoài vào để xem chuyện gì sẽ xảy ra."

Và lựa chọn thứ hai, theo ông Pangilina, là có được một thỏa thuận thương mại với một công ty Trung Quốc.

Một liên doanh như vậy là một sự lựa chọn mà Trung Quốc lâu nay vẫn tỏ ý ủng hộ. Hồi đầu tháng này, Đại sứ Trung Quốc ở Manila nói với một tờ báo địa phương rằng nên để cho hai công ty Forum và CNOOC bắt tay vào việc thay vì để cho trữ lượng khí đốt này nằm yên một chỗ trong khi hai nước tìm cách giải quyết những mối bất đồng.

Các giới chức trong chính phủ Philippines đang tìm hiểu về những cách thức để thực hiện dự án. Thứ trưởng Năng lượng Ramon Oca cho biết họ muốn “bảo đảm là chúng tôi không vi phạm” luật pháp quốc tế.

Tranh chấp chủ quyền

Philippines cho rằng Trung Quốc không tuân thủ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, trong đó có qui định khu vực đặc quyền kinh tế của một nước là 370 kilo mét tính từ bờ biển. Chính phủ ở Manila nói rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết Manila đã đưa vụ tranh chấp ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, ngày 22/1/2013.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết Manila đã đưa vụ tranh chấp ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, ngày 22/1/2013.
Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario loan báo nước ông chuẩn bị đưa vụ này ra giải quyết bằng trọng tài quốc tế có tính chất ràng buộc về pháp lý.

Ông Rosario nói: "Trong rất nhiều trường hợp, từ năm 1995, Philippines đã trao đổi quan điểm với Trung Quốc để giải quyết những vụ tranh chấp này một cách hòa bình. Cho tới ngày hôm nay, việc có được một giải pháp vẫn còn quá xa vời. Chúng tôi hy vọng là thủ tục trọng tài này sẽ mang lại một giải pháp lâu bền cho vụ tranh chấp này.

Bắc Kinh đã đáp lại bằng cách lập lại chủ trương của Trung Quốc là họ “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với những hòn đảo ở Biển Ðông.”

Trước đây, Philippines cho biết họ sẽ ủng hộ một dự án hợp tác giữa Philippines với Trung Quốc trong khu vực, với điều kiện là liên doanh đó phù hợp với luật pháp của Philippines - có nghĩa là các bên phải tuân theo qui định 60% phần hùn thuộc về công ty địa phương và 40% thuộc về công ty nước ngoài, bên cạnh những đòi hỏi khác. Mới đây, Tổng thống Benigno Aquino nói rằng ông ủng hộ cho một công ty liên doanh với điều kiện tiền thuê mỏ phải được nộp cho Philippines.

Tiền thuê mỏ

Vấn đề tiền thuê mỏ chính là trở ngại lớn nhất cho một liên doanh khai thác khí đốt.

Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ lãnh hải ở Biển Đông.
Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ lãnh hải ở Biển Đông.
Ông Lý Minh Giang, một chuyên gia về Trung Quốc học của Đại học Kỹ thuật Nam Dương ở Singapore, nói rằng tiền thuê mỏ có thể nói là tâm điểm của vấn đề.

Ông Lý nói: "Ảnh hưởng của việc này là nếu tuân theo luật lệ và qui định của Philippines thì ở một mức độ nào đó Trung Quốc sẽ chuyển nhượng cho Philippines quyền chủ quyền liên quan tới tài nguyên năng lượng trong vùng biển của mình."

Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia cho rằng một thành lập một liên doanh khai thác là điều khó lòng xảy ra trong tương lai gần.

Ông Thayer nói: "Vấn đề là phía Trung Quốc có muốn chấp nhận điều đó hay không. Và giả như họ chấp nhận và làm việc trong một vùng mà chính phủ trung ương có yêu sách, thì điều đó rõ ràng là sẽ gây thương tổn cho chính phủ trung ương. Chẳng những thế, giờ đây Bộ Ngoại giao Philippines cũng đang xét lại lập trường. Vì vậy tôi không nghĩ rằng việc này có triển vọng được thực hiện."

Giáo sư Thayer nói rằng trước khi Philippines nộp đơn lên tòa trọng tài quốc tế, các nhà quan sát nghĩ rằng đề nghị của công ty Forum về việc liên doanh với Trung Quốc có thể là một bước để tiến tới chỗ khai thác và chia nhau các tài nguyên trong vùng có tranh chấp. Giờ đây, vì phải mất nhiều năm thì việc phân xử đơn kiện của Philippines mới có kết quả, cho nên cơ hội hợp tác vốn đã không mấy sáng sủa lại càng trở nên u ám hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG