Đường dẫn truy cập

Công dân Mỹ ở Việt Nam ‘bất mãn’ vì phái bộ ngoại giao không lo vắc-xin cho họ


Tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội.
Tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội.

Một số công dân Mỹ ở Việt Nam mới đây bày tỏ với VOA rằng họ “bất mãn”, “thất vọng” vì phái bộ ngoại giao của cường quốc số 1 thế giới không có chương trình tiêm vắc-xin COVID-19 dành riêng cho họ.

Nam công dân Mỹ 70 tuổi chỉ muốn nêu tên là T., hiện sống ở Hà Nội, nói với VOA hôm 9/8 rằng bản thân ông và một số kiều dân Mỹ khác không có cách nào để đăng ký tiêm vắc-xin qua phường, xã nơi họ sống vì họ không có tư cách thường trú nhân ở Việt Nam.

Trong khi đó, theo lời thuật lại của ông T., từ cách đây nhiều tuần, ông và những người bạn là Việt kiều Mỹ đã đăng ký tiêm vắc-xin qua một ứng dụng trên điện thoại của Đại sứ quán Mỹ, với nhiều tin tưởng, hy vọng. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn chưa nhận được hồi đáp gì từ cơ quan đại diện ngoại giao này.

... tôi rất bất mãn. Một quốc gia hàng đầu thế giới về dịch tễ, tiêm chủng ở nước Mỹ bây giờ là hơn 50% tiêm đầy đủ, trong khi công dân Mỹ ở tại Việt Nam thì bị bỏ rơi.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, người Mỹ


Cùng ngày 9/8, nói với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh, công dân Mỹ Nguyễn Trí Hiếu, 74 tuổi, xác nhận rằng phái bộ ngoại giao Mỹ mà cụ thể là Tổng Lãnh sự quán ở thành phố “hoàn toàn không có” chương trình tiêm vắc-xin cho kiều dân Mỹ. Ông Hiếu cho hay:

“Tôi là một trong những công dân Mỹ ở Việt Nam mà gọi lên Lãnh sự quán Mỹ mấy lần rồi. Ở trên đó đều trả lời ‘Chúng tôi không có chương trình tiêm chủng cho công dân Mỹ’. Đây là điều tôi rất bất mãn. Một quốc gia hàng đầu thế giới về dịch tễ, tiêm chủng ở nước Mỹ bây giờ là hơn 50% tiêm đầy đủ, trong khi công dân Mỹ ở tại Việt Nam thì bị bỏ rơi”.

Hiện đang cư trú ở Hội An, kiều dân Mỹ Bùi Kiến Thành, 90 tuổi, cho biết ông cũng chưa được tiêm vắc-xin vì phái bộ ngoại giao Mỹ “không có chương trình gì đặc biệt”, trong khi đó, việc tiêm chủng của phía Việt Nam “chưa đến” Hội An.

Trong mục thông tin về vắc-xin COVID-19 trên trang web của mình, Đại sứ quán Mỹ nói: “Chính phủ Mỹ không có kế hoạch tiêm vắc-xin COVID-19 cho công dân Mỹ là thường dân ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm việc với các nước khác để bảo đảm rằng mọi người dân, kể cả công dân Mỹ, đều có thể nhận vắc-xin thông qua các chương trình tiêm chủng sở tại”.

Theo tìm hiểu của VOA, thông điệp trên cũng được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.

“Công dân Mỹ hiện có mặt ở Việt Nam cần theo dõi thông tin cập nhật về nỗ lực tiêm vắc-xin ở Việt Nam”, Đại sứ quán Mỹ đưa ra chỉ dẫn.

Mỹ chuyển vắc-xin Moderna đến Việt Nam hồi tháng 7.
Mỹ chuyển vắc-xin Moderna đến Việt Nam hồi tháng 7.

Đại sứ quán trấn an rằng chính phủ Việt Nam thông báo vào ngày 24/6 là sẽ không có sự phân biệt giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài trong chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19.

“Mọi người sẽ đều được tiếp cận với việc tiêm vắc-xin COVID-19 ngay khi có thêm vắc-xin ở Việt Nam”, đại sứ quán nói trên trang web của mình, và khuyên các công dân Mỹ nếu cần thêm thông tin “vui lòng liên lạc với nhà chức trách y tế sở tại”.

Công dân Mỹ có tên viết tắt là T. bình luận về thông báo của Đại sứ quán Mỹ:

“Bên Sứ quán Mỹ có nói cái vụ là đã có giao ước với các chính phủ, trong trường hợp này là giao ước với chính phủ Việt Nam, là US citizen [công dân Mỹ] được chích ngừa đầy đủ. Nhưng tôi hoàn toàn không có cái đó và không biết register [ghi danh] ở đâu, làm thế nào để chích ngừa. Cái đó lại không có cách nào tụi tôi biết cả”.

Con số thống kê chính thức của Việt Nam cho hay đến ngày 10/8, cả nước tiêm được gần 10,4 triệu liều vắc-xin, trong đó số người tiêm đủ 2 liều là hơn 1 triệu, trên tổng dân số là 98 triệu người. Không có thông tin là trong đó có bao nhiêu người nước ngoài.

Dân Mỹ ở đây thấy rất nhục, mắc cỡ với người khác về việc này.
Công dân Mỹ tên T.


VOA được biết cơ quan đại diện ngoại giao một số nước đã tự cung cấp vắc-xin cho công dân của họ ở Việt Nam, trong đó, phái bộ của Pháp loan tin trên trang web của họ rằng các công dân Pháp được tiêm trong tháng 7.

Đề cập đến thực tế là công dân của các nước khác được phái bộ ngoại giao của họ lo cho việc tiêm vắc-xin, và nhân viên Đại sứ quán Mỹ “đã được tiêm hết rồi”, người Mỹ gốc Việt có tên viết tắt là T. nói với VOA rằng “Dân Mỹ ở đây thấy rất nhục, mắc cỡ với người khác về việc này”.

Về phần mình, công dân Mỹ Nguyễn Trí Hiếu cho biết vì không thể trông đợi vào cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ, ông tự xoay sở để được tiêm chủng hồi tuần trước. Ông kể:

“Tôi tiêm qua chương trình của một công ty mà thật sự ra tôi phải len lỏi lắm, nhờ không biết bao nhiêu cơ quan, bao nhiêu công ty mới may mắn lọt vào một công ty mà họ đưa vào danh sách là nhân viên của họ”.

Ông nói thêm rằng một số người bạn Mỹ của ông cũng phải làm như vậy để được tiêm chủng.

Đại sứ quán Mỹ nói về viện trợ dành cho Việt Nam phòng chống Covid-19.
Đại sứ quán Mỹ nói về viện trợ dành cho Việt Nam phòng chống Covid-19.

So sánh với việc phái bộ Pháp đã tiêm chủng cho công dân của họ, ông Hiếu đặt câu hỏi vì sao phái bộ ngoại giao Mỹ không làm điều tương tự, cụ thể là thuê bệnh viện ở Hà Nội và Tp.HCM để tiêm cho công dân Mỹ.

Ông Hiếu cho rằng thật trớ trêu khi Mỹ viện trợ cho Việt Nam hàng triệu liều vắc-xin nhưng các công dân Mỹ ở Tp.HCM phải luồn lách theo những cách thức không đường đường chính chính cốt chỉ để được tiêm các loại vắc-xin không phải của Mỹ là Spunik V hay AstraZeneca. Ông nói:

“Tôi thực sự thất vọng với chính phủ Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ, vì bộ ngoại giao của mình không có một chính sách như Đại sứ quán Pháp. Hiện nay, vắc-xin thì thừa mứa ở bên Mỹ, trong khi công dân của mình ở các nước khác, chẳng hạn như ở Việt Nam thì lại bỏ bê. Một tình trạng đau đớn gọi là đem con bỏ chợ”.

Vấn đề đại dịch thì nhà nước bên Mỹ người ta lo hết sức. Còn ở nước ngoài, người ta theo chuẩn của nước sở tại thì tôi cũng chấp nhận thôi. Riêng tôi không thấy gì bất mãn.
Công dân Mỹ Bùi Kiến Thành


Như VOA đã đưa tin, đến nay, chính phủ Mỹ viện trợ cho Việt Nam tổng cộng 5 triệu liều vắc-xin Moderna, gần 21 triệu đô la và các hỗ trợ kỹ thuật khác để phòng chống COVID-19.

Trong khi đó, khác với hai ông Nguyễn Trí Hiếu và T., công dân Mỹ Bùi Kiến Thành nói với VOA rằng ông không thất vọng:

“Vấn đề đại dịch thì nhà nước bên Mỹ người ta lo hết sức. Còn ở nước ngoài, người ta theo chuẩn của nước sở tại thì tôi cũng chấp nhận thôi. Riêng tôi không thấy gì bất mãn, phiền hà”.

Hai ông T. và Nguyễn Trí Hiếu nói với VOA hiện họ đang cân nhắc đến lời gợi ý rằng họ cần liên lạc với các dân biểu Mỹ đại diện cho họ để gây sức ép với bộ ngoại giao nước này về việc cung cấp vắc-xin cho công dân Mỹ ở nước ngoài nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

VOA liên lạc với Đại sứ quán Mỹ để tìm hiểu thông tin, quan điểm từ phía họ về vấn đề này song chưa nhận được hồi đáp ở thời điểm bài này được đăng.

Việt kiều Mỹ thất vọng vì không được Mỹ tiêm chủng ở nước ngoài
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:03 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG