Đường dẫn truy cập

Công chúng phẫn nộ về hành động tấn công ‘hôn ẩu’ chỉ bị phạt 200.000 đồng


Hình ảnh ghi lại ông Đỗ Mạnh Hùng khống chế một nữ sinh để hôn, 4/3/2019
Hình ảnh ghi lại ông Đỗ Mạnh Hùng khống chế một nữ sinh để hôn, 4/3/2019

Đông đảo người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam bày tỏ “thất vọng”, “tức giận” khi nghe tin người đàn ông khống chế và hôn một cô gái trong thang máy chung cư chỉ bị phạt 200.000 đồng (chưa đến 10 đô la Mỹ).

Một nữ chuyên gia về giới nói với VOA rằng mức phạt như vậy là “quá tệ” và đã đến lúc pháp luật “cần phải thay đổi”.

Các bản tin trên báo chí Việt Nam cho hay công an quận Thanh Xuân, Hà Nội, ngày 18/3 ra quyết định xử phạt 200.000 đồng đối với ông Đỗ Mạnh Hùng vì có hành vi “sàm sỡ, hôn” một nữ sinh viên 20 tuổi trong thang máy của một tòa nhà chung cư.

Vụ việc do người đàn ông 37 tuổi gây ra vào tối hôm 4/3, làm nữ sinh viên “hoảng loạn”, theo lời tường thuật của nhiều tờ báo.

Theo tìm hiểu của VOA, ngay sau khi bị tấn công, nữ sinh viên có tên được viết tắt là P.H.V trình báo công an, song vụ việc có nguy cơ bị ỉm đi nếu không có nhiều người sử dụng mạng xã hội lan truyền thông tin, hình ảnh về vụ việc qua mạng.

Một hành vi tệ như thế mà chỉ xử phạt 200.000, và cái người gây ra câu chuyện này anh ta sẽ cảm thấy chả có gì răn đe cả. Đã đến lúc mọi người cùng ngồi lại với nhau xem là chúng ta cần sửa gì trong quy định của luật pháp
Bà Nguyễn Vân Anh, chuyên gia về giới

Sau hơn 10 ngày dư luận đưa ra nhiều ý kiến, công an đã phạt ông Hùng và giải thích với báo chí rằng theo đánh giá của công an, hành vi ông ta “không cấu thành tội phạm” mà thuộc vào phạm trù "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".

Tin cho hay công an cũng lập biên bản yêu cầu ông Hùng cam kết “không tái phạm, không được có các hành vi tương tự”.

Nữ sinh V phát biểu rằng cô "rất thất vọng” và “không đồng tình về mức phạt", theo các bản tin của VNExpress và Việt Nam Mới. Cô nói: "Tôi không nghĩ anh ta bị xử phạt nhẹ nhàng như vậy. Chẳng nhẽ chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng thì ra đường muốn làm gì ai cũng được sao? Đến giờ này tôi không biết nói gì thêm…”

Bình luận về diễn biến này, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên, nói với VOA:

“Sẽ phải xem xét lại các điều khoản quy định của luật. Bởi vì nó rất vô lý. Một hành vi tệ như thế mà chỉ xử phạt 200.000, và cái người gây ra câu chuyện này anh ta sẽ cảm thấy chả có gì răn đe cả. Đã đến lúc mọi người cùng ngồi lại với nhau xem là chúng ta cần sửa gì trong quy định của luật pháp”.

Trên mạng xã hội, nhiều người gọi mức phạt vừa được áp dụng là “trò cười” hoặc “nhẹ như phủi bụi”.

Đây không phải lần đầu tiên mức phạt nhẹ như vậy được áp dụng ở Việt Nam cho hành vi tấn công tình dục.

Theo tìm hiểu của VOA, hồi giữa năm 2018, một nữ nhân viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cáo buộc rằng một nam đồng nghiệp đã tấn công, tìm cách hiếp dâm chị. Sau đó, công an huyện công bố kết quả điều tra nói rằng nam đồng nghiệp đó chỉ “trêu ghẹo, sàm sỡ” và anh này đã bị phạt 200.000 đồng.

Trong hai ngày qua, nhiều người bày tỏ ý kiến lo lắng trên mạng rằng mức phạt quá nhẹ hiện nay có thể “khích lệ” những kẻ xấu gia tăng tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ ở nơi công cộng.

Trước tiên, các hội đoàn nếu có thể hãy lên tiếng, và những người làm luật, những luật sư, các tổ chức phải lên tiếng để yêu cầu xem xét lại cách chúng ta xử phạt các tội phạm tình dục.
Nữ chuyên gia về giới Nguyễn Vân Anh

Đồng thời họ cũng chỉ ra những bất cập của những quy định luật pháp với so sánh rằng có trường hợp “đi tiểu bậy” ở Hà Nội bị phạt 2 triệu đồng/người năm 2017, hay một phụ nữ bị phạt 7,5 triệu đồng hồi tháng 2 năm nay ở Điện Biên vì “nói xấu người khác trên Facebook”, trong khi hành vi tấn công tình dục được xem là nguy hiểm hơn nhiều lại chỉ bị phạt nhẹ hơn rất nhiều.

Nữ chuyên gia Nguyễn Vân Anh đồng ý với các quan điểm nêu trên. Bà nói với VOA rằng hành vị tấn công tình dục “phải bị xử phạt theo một mức cao hơn rất là nhiều”.

Bà Vân Anh nhận định rằng trong những ngày sắp tới, các tổ chức, các nhà hoạt động sẽ có nhiều hành động để phản ứng về vụ việc của ông Đỗ Mạnh Hùng và các vụ tương tự. Bà nói với VOA:

“Trước tiên, các hội đoàn nếu có thể hãy lên tiếng, và những người làm luật, những luật sư, các tổ chức phải lên tiếng để yêu cầu xem xét lại cách chúng ta xử phạt các tội phạm tình dục, không chỉ vụ này mà một loạt vụ khác đang được xem xét rất là nhẹ”.

Nữ giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên nhận xét thêm rằng lâu nay hệ thống pháp luật Việt Nam “phản ứng chậm, rất là tệ và có cái nhìn xuê xoa” về các vụ tấn công hay quấy rối tình dục. Bà Vân Anh lưu ý đến thực tế đang có ngày càng nhiều các vụ việc như vậy, và thúc giục nhà chức trách “nghiêm túc nhìn lại” các quy định luật pháp cũng như việc thực thi chúng.

Hôm 6/3, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham gia Lễ phát động "Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em".

Tuy nhiên, một loạt vụ việc bao gồm vụ hiếp, giết nữ sinh ở Điện Biên, thầy giáo dâm ô học sinh ở Bắc Giang, bé gái 9 tuổi bị xâm hại ở Chương Mỹ, Hà Nội, và vụ tấn công tình dục trong thang máy mới đây đang làm dư luận hoài nghi về kết quả có thể đạt được trong năm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG