Đường dẫn truy cập

CA Điện Biên gặp bão dư luận vì ‘được thưởng’ về vụ án cô gái bị hiếp, giết


Lãnh đạo tỉnh Điện Biên trao thưởng cho các đơn vị công an vì đã phá án vụ cô gái bị giết
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên trao thưởng cho các đơn vị công an vì đã phá án vụ cô gái bị giết

Cộng đồng những người sử dụng mạng xã hội và một số cơ quan báo chí ở Việt Nam chỉ trích việc công an tỉnh Điện Biên được khen thưởng sau vụ một cô gái trẻ bị bắt cóc, hãm hiếp và giết hại trong dịp Tết vừa qua.

Tin tức trên nhiều tờ báo cho hay Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên hôm 18/2 tặng bằng khen và thưởng tiền cho các nhân viên công an sau khi họ “điều tra, bắt giữ” 5 nghi phạm bị cáo buộc đã hãm hại nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên, 22 tuổi.

Theo các bài tường thuật của báo chí trong nước, chị Duyên bị mất tích hồi chập tối 4/2 (30 Tết) khi đi giao gà cho một người đặt mua qua điện thoại. Gia đình đã trình báo với công an địa phương ngay tối hôm đó, đồng thời nhờ họ hàng tìm kiếm suốt đêm, và cũng đã “cầu cứu” trên mạng xã hội.

Ba ngày sau khi chị Duyên mất tích, vào sáng hôm 7/2 (mùng 3 Tết), một số người dân thường đã phát hiện thi thể của chị ở một ngôi nhà hoang.

Đến ngày 10/2, công an tỉnh Điện Biên bắt tạm giam nghi phạm đầu tiên, và trong ba ngày 12, 15, 16/2, công an tiếp tục bắt 4 nghi phạm khác, theo các bản tin. Các nghi phạm khai với công an rằng cho đến chiều ngày 6/2 chị Duyên vẫn còn sống, các báo cho biết, dẫn lại thông tin từ một cuộc họp báo của công an.

Đại diện của công an tỉnh Điện Biên nói với báo chí trong cuộc họp báo hôm 18/2 rằng “sau khi nhận được tin báo, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, Công an thành phố Điện Biên Phủ tổ chức truy tìm”. Tuy nhiên, không có thông tin rõ ràng cho biết việc “tổ chức truy tìm” đã bắt đầu từ ngày giờ cụ thể nào.

Trên mạng xã hội rất nhiều người ngay lập tức lên tiếng chỉ trích việc công an được khen thưởng sau vụ án thương tâm. Họ cho rằng công an đã không hàng động đủ nhanh để có thể kịp thời cứu sống chị Duyên, còn việc truy bắt các nghi phạm sau khi án mạng đã xảy ra là việc đương nhiên phải làm.

Trong số hàng trăm lời phê phán, chỉ trích là những tiếng nói của các cây viết có nhiều ảnh hưởng như các nhà hoạt động Bạch Cúc, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Tường Thụy, Lê Văn Dũng; nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, nhà báo tự do Đỗ Cao Cường, thày giáo Đỗ Việt Khoa, nhà báo Hoàng Linh, v.v…

Chủ đề này cũng được mổ xẻ, tranh luận trong các diễn đàn “Nhật ký Yêu nước”, “Bàn luận về Kinh tế - Chính trị” và “Góc nhìn Báo chí - Công dân” có tổng cộng trên 1 triệu thành viên.

Trích đoạn bài viết của nhà hoạt đông Bạch Cúc về công an Điện Biên, 19/2/2019
Trích đoạn bài viết của nhà hoạt đông Bạch Cúc về công an Điện Biên, 19/2/2019

Các ý kiến tập trung vào chất vấn công an “đã làm gì”, “ở đâu” trong gần 3 ngày cô gái trẻ bị 5 nghi phạm “giam cầm” và “hành hạ”. Những người chỉ trích công an cho rằng trong thời gian đó, nếu cơ quan điều tra làm việc gấp gáp, nghiêm túc, sử dụng thẩm quyền và năng lực của họ để lần theo các cuộc gọi điện thoại di động của nạn nhân và khoanh vùng, có thể chị Duyên đã được giải cứu.

Những người có nhiều ảnh hưởng và cộng đồng mạng tiếp đến bày tỏ quan điểm rằng họ “không đồng tình” với quyết định khen thưởng, nhất là dành cho các nhân viên công an tỉnh Điện Biên.

Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy viết trên Facebook một cách thẳng thắng rằng ông thấy “không nên thưởng cho ban chuyên án vụ này mà cần kỷ luật”. Ông đưa ra lý do cho lập luận của mình rằng công an đã “chậm trễ, không tích cực” nên dẫn đến việc chị Duyên bị giết, dù công an đã được trình báo về việc chị bị mất tích từ rất sớm.

Chung một góc nhìn, nhà hoạt động Lê Văn Dũng, hay còn gọi là Dũng Vova, viết: “Tôi cho rằng lãnh đạo Bộ công an cần xem xét lại việc Điện Biên vội vã khen thưởng cho tập thể và các cá nhân tham gia vụ án này. Người dân phát hiện ra hiện trường vụ án và báo thì công an mới biết, vậy đó không phải là công của cơ quan điều tra”.

Tôi đã nghỉ hưu. Tôi có biết gì đâu mà hỏi. Thôi nhé.
Cựu thiếu tướng công an Hồ Sỹ Tiến

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu và nhà giáo Đỗ Việt Khoa bày tỏ ý kiến rằng thay vì nhận thưởng, công an Điện Biên “nên xin lỗi gia đình nạn nhân, xin lỗi nhân dân, xin lỗi cấp trên” vì đã không cứu được cô gái.

Gay gắt hơn, nhà hoạt động Bạch Cúc đặt câu hỏi là các nhân viên công an “không biết nhục và không bị lương tâm cắn rứt hay sao mà còn hớn hở vỗ tay nhận bằng khen và tiền thưởng”?

Nhìn chung, cộng đồng mạng đánh giá rằng sau khi nạn nhân đã bị giết, việc công an điều tra, bắt giữ các nghi phạm vài ngày sau đó là công việc thuộc trách nhiệm của họ, được trả lương bằng tiền thuế của người dân, trong đó, có cả phần thuế của gia đình nạn nhân.

VOA đã liên lạc với ông Hồ Sỹ Tiến, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự Xã hội, để hỏi ông liệu những bình luận của công chúng về hoạt động nghiệp vụ của công an Điện Biên có công bằng hay không. Song cựu thiếu tướng công an chỉ nói ngắn gọn với VOA:

“Tôi đã nghỉ hưu. Tôi có biết gì đâu mà hỏi. Thôi nhé”.

VOA cũng cố liên lạc với công an Điện Biên để lắng nghe ý kiến từ phía họ, song không kết nối được.

Bài báo trên Thanh Niên về việc công an được thưởng sau vụ án mạng, 19/2/2019
Bài báo trên Thanh Niên về việc công an được thưởng sau vụ án mạng, 19/2/2019

Không chỉ có những tiếng nói trên mạng xã hội, hai báo lớn là Thanh Niên và Tuổi Trẻ cũng đã đăng bài viết tỏ ý không đồng tình về việc công an Điện Biên được khen thưởng.

Bài trên Thanh Niên có tựa đề “Vụ sát hại nữ sinh ở Điện Biên: Sao có thể nhận thưởng trong nỗi đau của gia đình nạn nhân?”

Còn bài trên Tuổi Trẻ mang hàng tít “Vụ cô gái giao gà, dân phát hiện, sao khen thưởng lực lượng phá án?”

Lúc này, giới luật sư nhận định rằng cả 5 nghi phạm trong vụ cô gái giao gà bị hãm hiếp và sát hại đều có thể đối diện mức án tử hình. Những kẻ này đều đã thực hiện những hành vi “man rợ, mất nhân tính”, nên cần “loại bỏ” chúng khỏi đời sống xã hội, các luật sư nói với một số tờ báo trong nước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG