Đường dẫn truy cập

'Công bố thu nhập' được ca ngợi như cuộc cách mạng đối với kinh tế Việt Nam


Lún sâu trong tình trạng quản lý yếu kém và nợ nần, các công ty quốc doanh là tai họa cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng theo tường trình của Thông tín viên Marianne Brown từ Hà Nội, một quyết định mới đây nhằm công bố thu nhập được ca ngợi như là một bước cách mạng tiến đến cải cách.

Khi cảnh sát Việt Nam ban hành lệnh bắt giam cựu chủ tịch một công ty đóng tàu và điều hành cảng quốc doanh, nhiều quan sát viên không ngạc nhiên.

Trong một quốc gia với nạn lạm phát và giá lương thực cao dai dẳng, mọi người cho rằng các khó khăn kinh tế là do những xí nghiệp quốc gia mắc nợ nần và chiếm tới 40% sản lượng kinh tế gây ra.

Lâu nay, Thủ tướng Việt Nam vẫn hứa sẽ cải cách những xí nghiệp quốc doanh lãng phí, nhưng một kế hoạch mới công khai thu nhập hàng năm có thể là chất xúc tác được trông đợi từ lâu hầu đem lại sự thay đổi.

Ông Jairo Acuna-Alfaro, cố vấn chính sách của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc lạc quan về việc này. Ông nói:

“Tất cả những vụ tai tiếng tham nhũng lớn được nghe nói tới trong hai năm qua phát xuất từ những xí nghiệp quốc doanh. Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu cụ thể và quan trọng nhất từ phía chính phủ cho thấy họ thực sự muốn giải quyết vấn đề.”

Chi tiết của những qui định này vẫn còn trong vòng thảo luận.
Các nhà kinh tế nói các công ty phải công bố mức thu nhập và còn phải thay đổi cách thức các giám đốc điều hành được tuyển dụng như thế nào.

Kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói các lãnh đạo công ty được chính phủ bổ nhiệm không được tuyển dụng theo tài năng. Theo ông, những người này không phải cam kết đạt chỉ tiêu về lợi nhuận hay cải tiến năng suất khiến cho họ ít có sáng kiến đẩy mạnh khả năng làm việc.

Ông Doanh nói: “Chừng nào vẫn không có những lực lượng độc lập hay việc thanh tra hay kiểm tra độc lập, thì lúc đó chuyện quản trị gần như một chiếc hộp đen đựng dữ liệu bí mật. Các công ty vẫn tự đưa ra những dữ liệu, tự tạo ra những sổ sách riêng và không rõ ràng.”

Các quan sát viên nói một số vấn đề xảy ra khi các công ty tham gia vào những hoạt động doanh thương mới không quen thuộc đối với công ty.

Công ty đóng tàu Vinashin bơm tiền vào nhiều công cuộc kinh doanh khác nhau như du lịch và sản xuất bia.

Mãi cho đến gần đây, công ty dầu hỏa Petrovietnam còn theo đuổi những công cuộc kinh doanh về bất động sản, và chủ tịch Công ty Điện lực Việt Nam vừa mới bị cách chức vì đầu tư vào mạng lưới điện thoại di động.

Ông Acuna-Alfaro nói vấn đề về thành tích hoạt động và ảnh hưởng của những mối quan hệ chính trị có thể được giải quyết bằng đánh giá của những thanh tra độc lập.

Ông Alfaro nói: “Nếu những việc thanh tra này được tiết lộ thì sẽ có những tin tức về những ai có dính líu dến những xí nghiệp quốc doanh này và những thỏa thuận làm ăn như thế nào đã đạt được. Do đó việc này sẽ giúp giải quyết được những vấn đề và chúng ta có thể nhận diện được người nào giao dịch với ai.”

Chính phủ loan báo những biện pháp để buộc các xí nghiệp quốc doanh phải chịu trách nhiệm nhiều hơn tiếp sau vụ xử 20 năm tù giam cựu chủ tịch công ty quốc doanh Vinashin, Phạm Thanh Bình vì tội vượt quá những qui định về đầu tư làm nhà nước thiệt hại hàng chục triệu đô la.

Ông Jeff Browne cố vấn cho những công ty Hoa Kỳ muốn làm ăn với Việt Nam nói:

“Việt Nam đã gởi một thông điệp cho những người lãnh đạo khác tại các công ty quốc doanh. Rõ ràng việc chính phủ trừng trị công ty Vinashin hồi năm ngoái và công ty Vinalines năm nay, đang gởi một thông điệp cho tất cả những ai làm việc cho chính phủ trong việc điều hành các công ty.”

Ông Browne nói thêm những việc bắt giữ này cũng giúp tăng tốc những hoạt động tiến đến việc tư nhân hóa một số công ty quốc doanh để những nhà đầu tư trong nước và ngoại quốc chia sẻ việc làm chủ nền kinh tế Việt Nam.

Ông Browne nói chính phủ và đảng muốn cạnh tranh trên trường quốc tế và tăng trưởng thành một nền kinh tế mạnh như Nam Triều Tiên và ngay cả Nhật Bản.

Ông Browne nói: “Để làm việc này cần phải thấu hiểu là phải thay đổi cách thức làm ăn cũ. Trong lúc đó cách thức làm ăn cũ đã bám rễ trong văn hóa doanh thương nên chắc chắn cần phải có thời gian.”

Trước mức lạm phát lên đến hai con số và giá cả lương thực gia tăng trong năm ngoái, chính phủ bắt buộc phải xét lại chiến lược tăng trưởng bằng cách nâng lãi suất. Hệ quả của việc này là người ta đã thấy rõ tăng trưởng đã chậm lại.

Một khi đầu tư ngưng trệ, sức ép đã gia tăng lên các xí nghiệp quốc doanh để phải cải tiến hoạt động. Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho rằng sức ép này không phải chỉ đến từ phía chính phủ.

Ông nói: “Dân chúng rất phẫn nộ. Mọi người rất bất mãn về việc này bởi vì cuộc sống của người dân hiện nay rất khó khăn. Bệnh viện quá tải, và nếu người dân nhận ra rằng nhiều tiền bạc đã bị lãng phí trong khi không có bệnh viện mới và đầu tư không đủ trong giáo dục và chăm sóc sức khỏe thì họ rất bất mãn.”

Các nhà phân tách đồng ý là công chúng Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài muốn thấy tiến bộ trong hành động, chứ không phải chỉ trên giấy tờ.

Bất cứ thẩm định nào về mức độ hiệu quả của những qui định trong việc giải quyết các xí nghiệp quốc doanh cồng kềnh sẽ còn phải chờ cho đến khi hành động này được thực hiện.
ướnằng

VOA Express

XS
SM
MD
LG