Đường dẫn truy cập

Một số hoạt động của Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam


Từ trái sang phải: Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, bà Jacquie Bông Wright và cô Ca Dao thuyết trình về người lao động Việt Nam tại Mã Lai
Từ trái sang phải: Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, bà Jacquie Bông Wright và cô Ca Dao thuyết trình về người lao động Việt Nam tại Mã Lai

Vào chiều ngày Chủ Nhật 12 tháng 6 năm 2011 vừa qua, tại trụ sở Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn, thuộc thành phố Falls Church, bang Virginia, Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam đã tổ chức một buổi thuyết trình về việc làm của Ủy ban trong những năm qua, qua sự trình bày của một số thành viên của Ủy ban. Trong chuyên mục sinh hoạt cộng đồng tuần này, mời quý vị theo dõi những hoạt động của Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam.

Kể từ đầu những năm 2004, tin tức về những hoàn cảnh thương tâm của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đã khiến cho một số người Việt tại hải ngoại quan tâm. Bà Jacquie Bông Wright, hiện là Thủ quỹ của Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam nói:

“Chúng tôi lúc đầu thấy trên eBay có những cô gái Việt Nam bị rao bán với giá 5.400 đô la một người, lúc đó là năm 2003. Chúng tôi rất phẫn nộ, chúng tôi viết thơ cho eBay yêu cầu bỏ những website bán đấu giá phụ nữ Việt Nam. Sau đó chúng tôi thấy bên Singapore có một xe bán hàng hóa phía sau có một khung cửa có mấy cô Việt Nam ngồi để được bán đấu giá. Trên Internet cũng có một loạt các cô gái Việt Nam trần truồng để mấy ông chọn mua như cô dâu. Ông đại sứ John Miller thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tại Bộ Ngoại giao có thành lập một Ủy ban phụ trách về vấn đề buôn người và ông kêu gọi chúng tôi làm sao cho những cộng đồng Việt Nam ở Mỹ hiểu rõ nạn buôn người là gì.”

Do đó vào năm 2004 bà Jacquie Bông Wright và các thân hữu đã tổ chức một buổi hội thảo tại Quốc hội Mỹ mời các đại diện truyền thông báo chí, các hội đoàn, các chuyên gia về buôn người như Linh mục Nguyễn Văn Hùng, ở Đài Loan, đến thuyết trình. Bà Jacquie Bông Wright tiếp tục tổ chức những buổi hội thảo như thế tại California để đánh động lương tâm người Việt tại hải ngoại.

Kế đến được sự tiếp tay của ông Trần Ngọc Thành tại Ba Lan, một người quan tâm rất nhiều về vấn đề công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động, một hội nghị với chủ đề ‘Tự do và Cơm áo’ được tổ chức tại Warsaw, để thảo luận về vấn đề này. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích hiện là Phó chủ tịch phụ trách miền Đông của Ủy ban cho biết:

“Người lao động Việt Nam bị ức hiếp, bị đàn áp trên toàn thế giới xảy ra hầu như hàng ngày. Do đó một số anh chị em chúng tôi trên nhiều quốc gia đã đến Ba Lan vào tháng 10 năm 2006 và trong 3 ngày, từ ngày 28 đến 30 tháng 10 chúng tôi đã họp ngay trong trụ sở Quốc hội Ba Lan để thành lập Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam. Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam sau đó đã bầu cơ cấu lãnh đạo với anh Trần Ngọc Thành bên Ba Lan làm chủ tịch, phó chủ tịch có giáo sư Nguyễn Thanh Trang bên Cali, và chúng tôi ở bên đây, chị Jacquie Bông làm thủ quỹ và Tổng Thư Ký là anh Đoàn Việt Trung ở Úc.”

Tháng 12 năm 2009, Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam đã họp đại hội lần thứ hai tại Kuala Lumpur, Mã lai, nơi có khoảng 80.000 công nhân Việt Nam làm việc và gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho biết tiếp về thành quả của kỳ đại hội này.

“Nhân cơ hội này đã lập ra tiểu ban Mã Lai trong đó có những người như anh Nguyễn Đình Hùng bên Úc, chị Ca Dao bên Pháp và anh Nguyễn Tánh bên Bỉ và họ cũng đã đi nhiều chuyến để nghiên cứu cũng như là tìm cách giúp công nhân có tiếng nói vững mạnh, bảo vệ cho chính quyền lợi của họ.”

Cô Ca Dao, thuộc Tiểu ban Mã Lai và đồng thời là đại diện của Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam tại Pháp và Tây Âu dùng hình ảnh ghi nhận được tại chỗ để trình bày về những khó khăn công nhân Việt Nam gặp phải tại Mã Lai. Cô giải thích lý do tại sao người lao động Việt Nam tại Mã Lai gặp nhiều vấn đề hơn người lao động Việt Nam tại các nước khác.

“Tại Việt Nam có 5 thị trường được nhà nước xuất khẩu lao động nhiều nhất để xóa đói gỉam nghèo là Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Mã Lai và Trung Đông nhưng Mã lai là môi trường xuất khẩu nhiều nhất vì Mã Lai tuyển người rất dễ dàng, tiền đóng rất ít từ 18 đến 21 triệu đồng một người trong khi ở các nước khác rất cao, có thể gấp đôi, gấp ba. Lý do thứ hai là không cần tay nghề, không cần một trình độ nào cả và cũng không cần phải học tiếng Mã Lai trước, trong khi đi Đại Hàn phải học tiếng Đại Hàn trước. Hầu hết những đối tượng đi Mã Lai là những người ở miền Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng sâu vùng xa và toàn là những nông dân không có trình độ, không học thức nên đưa đến nhiều hệ lụy.”

Cô Ca Dao cho biết là Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam ngoài việc giúp đỡ trực tiếp cho những công nhân kém may mắn bị tai nạn, hoặc mắc những chứng bệnh hiểm nghèo như ung thư chẳng hạn, tiểu ban Mã Lai còn cố gắng tiếp xúc và giải thích cho công nhân Việt Nam biết được những quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình.

“Tất cả công nhân qua Mã Lai đều phải ký một hợp đồng. Trong hợp đồng có cái gì họ không biết vì tiếng Việt họ không biết huống chi tiếng Anh. Có những hợp đồng có tiếng Việt nhưng nhiều người không biết ký, phải lăn tay. Vì không biết chữ nên họ không biết trong hợp đồng có gì. Nhưng mà tất cả các công nhân đều phải ký vì không ký không đi được. Cho nên chúng tôi kêu họ đưa những hợp đồng và giải thích những điều nào có lý, những điều nào vô lý. Ví dụ như qua bên đây không được tham gia vào công đoàn và không được lấy vợ lấy chồng. Cũng như tiền Levy là tiền chủ nhân phải đóng cho chính phủ Mã Lai chứ không phải là công nhân.”

Cô Ca Dao đưa ra một trường hợp điển hình về công đoàn Việt Nam hãng dệt Pen Fabric tại đảo Penang miền Bắc Mã Lai để chứng tỏ công nhân Việt Nam vẫn có quyền thành lập công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình và tại những nơi có công đoàn đời sống của công nhân khá hơn.

“Chúng tôi được dẫn đi vào phía trong nhà máy. Chỗ căn tin họ ăn uống rất là sạch sẽ. Họ được ăn 45 phút, còn những chỗ khác chỉ 15 phút hay tối đa 30 phút thôi. Ở đây mỗi công nhân được cho 40 ringít để ăn trong một tháng. Nếu ăn dè sẻn, còn dư thì để dành. Đây là tiền được cho ngoài tiền lương. Còn có phòng TV, phòng gym để công nhân trong giờ nghỉ có thể xem TV và người trong công đoàn có nhờ chúng tôi mang vào những dĩa karaoke bằng tiếng Việt để công nhân ca hát.”

Các công nhân qua Mã Lai làm việc đều bị chủ nhân tịch thu hộ chiếu. Do đó nhiều công nhân khi bị chủ hành hạ quá đáng, hoặc tiền lương không đủ ăn, phải làm việc cực nhọc từ 12 đến 18 tiếng đồng hồ một ngày, không chịu nổi bỏ trốn ra ngoài sống bất hợp pháp thì bị cảnh sát Mã Lai bắt giam. Hiện giờ theo con số chính thức có khoảng 450 người tù Việt Nam, trong số này có 150 tù nữ. Cô Ca Dao giải thích thêm về tình trạng của những người tù này.

“Một người tù bị bắt ở chỗ nào đó thì bị giam tạm tại đó 6 tháng. Sau đó tất cả đều bị đưa về một trại tù tại Melaka, bị giam tại đó cho đến khi nào có người mua vé máy bay cho họ trở về. Trước hết họ phải làm đơn lên tòa đại sứ Việt Nam, gởi về Việt Nam để xin chứng minh nhân dân và hộ chiếu. Xong giai đoạn đó rồi thì đến một giai đoạn rất khó khăn là cần có tiền để mua vé máy bay trở về. Chúng tôi trong thời gian qua có giúp đỡ cho một vài công nhân mua vé máy bay trở về. Số tiền mua một vé máy bay từ 300 đến 400 đô la tùy theo về Saigon hay về Hà Nội. Chúng tôi đang cố gắng làm sao để kêu gọi mỗi gia đình có thể giúp đỡ cho một công nhân một vé máy bay để trở về gia đình. Nếu không sẽ bị Mã Lai giam giữ hoài trong những điều kiện rất khắc nghiệt.”


Bà Mary ChiRay, một trong những sáng lập viên của Nghị Hội toàn quốc người Việt tại Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi của cô Ca Dao bằng cách quyên góp tại chỗ được một số tiền để đóng góp vào quỹ giúp cho những người tù Việt tại Mã Lai có phương tiện trở về nước.

Ngoài tiểu ban Mã Lai, Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam còn thành lập một tiểu ban Việt Nam để soạn thảo những tài liệu cần thiết gởi về Việt Nam giúp công nhân trong nước biết rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

VOA Express

XS
SM
MD
LG