Đường dẫn truy cập

Trường Việt Ngữ Hoài Hương


Lễ mãn khóa trường Việt ngữ Hoài Hương tháng 5/2011
Lễ mãn khóa trường Việt ngữ Hoài Hương tháng 5/2011

Vào ngày Chủ Nhật 22 tháng 5 vừa qua, Trường Việt Ngữ Hoài Hương đã tổ chức lễ mãn khóa mùa Xuân cho các lớp Việt Ngữ tại trường trung học Northwest, thành phố Germantown, bang Maryland với sự tham dự đông đảo của các em học sinh và phụ huynh học sinh. Trong chuyên mục sinh hoạt cộng đồng tuần này Hà Vũ xin giới thiệu cùng quý vị Trường Việt Ngữ Hoài Hương tại Maryland.

Không như Hội Giáo Dục Trẻ Em vùng Washington D.C và trường Việt Ngữ Thăng Long tại Virginia được thành lập cách đây khá lâu, Trường Việt Ngữ Hoài Hương chỉ mới được thành lập vào năm 2007 tại thành phố Germantown, Maryland.

Cô Trương Quỳnh Hương, hiệu trưởng trường cho biết:

“Lúc đó là mùa hè năm 2007, thực sự không phải mình đứng lên muốn mở một trường Việt ngữ mà có một cô giáo piano định mở một trung tâm dạy kèm, như dạy toán, hoá học… Cô muốn kèm theo đó là trường Việt ngữ, dạy tiếng Việt luôn. Thành ra cô mới giao cho mình việc tìm thầy cô giáo để dạy phần Việt ngữ. Lúc đó mình mới đi nói chuyện với bạn bè thì có một người bạn là cô Quế giới thiệu cô Nguyễn Phan Trinh, hiệu trưởng một lớp mùa hè bên Virginia. Cô Trinh chỉ cách cho lấy sách vở ở đâu và huấn luyện luôn cho thầy cô giáo bên này để biết cách dạy. Sau đó mới đi ra mướn phòng ở trường trung học. Nếu mướn độ 2, 3 phòng thì phải cố gắng làm sao có được 25 em học sinh là đủ chi phí có thể trang trải được hai hay ba phòng lúc đó.”

Cô Quỳnh Hương cho biết thêm về số lớp học cũng như số học sinh lúc ban đầu:

“Gọi bạn bè quen biết được 25 em. Hiện giờ trường có 8 phòng với 143 em. Thời điểm cao nhất có được 152 em.”

Trường Hoài Hương dạy suốt năm nhưng chia làm hai khóa. Khoá đầu là khoá muà Thu từ tháng 9 đến tháng 12. Xong rồi nghỉ Giáng Sinh. Đến giữa tháng Giêng bắt đầu học trở lại cho đến giữa tháng 5.

Cũng như các trường tiếng Việt khác tại Virginia hay các trường do Thiên Chuá Giáo hay Phật Giáo tổ chức tại Maryland, Trường Hoài Hương chỉ dạy vào Chủ Nhật.

“Ngày thứ Bảy trường có hội của người Tàu chiếm hết nên không thể mướn được phòng. Thành ra chỉ có Chủ Nhật. Mà Chủ Nhật hồi xưa tụi này mướn từ 1 giờ đến 3 giờ chiều nhưng sau này họ nói nửa ngày như vậy thì họ không làm được việc gì vào buổi sáng cũng như buổi chiều hết, thành ra mới đổi lại từ mười giờ rưỡi cho đến mười hai giờ rưỡi.”

Ngay từ khi thành lập Trường Việt Ngữ Hoài Hương, các anh chị em trong ban điều hành thấy được những khó khăn về tài chánh trường gặp phải nên đã lập một hội với tên gọi là Hội Giáo Dục Việt Mỹ (Vietnamese American Education Association-viết tắt là VAEA) để có thể nhận được tài trợ từ chính quyền cũng như đóng góp của các nhà hảo tâm giúp trường có cơ hội phát triển. Cô Trương Quỳnh Hương cho biết:

“Trường lập ra cũng có sự giúp đỡ của một nhóm 3 người gọi là cố vấn có anh Võ Thành Nhân, chị Trinh của Hội Giáo dục Trẻ em Virginia, và anh Hiệp lo về website của tụi này. Ban cố vấn đề nghị nên lập ra một hội bất vụ lợi để sau này xin tiền cho dễ dàng. Do đó tụi này mới thành lập Hội Giáo Dục Việt Mỹ VAEA. Hội đã được qui chế bất vụ lợi rồi. Dưới hội có Trường Việt ngữ Hoài Hương. Thành ra tụi này làm việc hơi ngược chút xíu tức là có trường rồi mới bắt đầu lập hội.”

Các sách giáo khoa trường dùng được đặt mua ở trung tâm Việt ngữ Văn Lang tại San Jose. Hiện nay vì thiếu giáo viên nên trường Việt ngữ Hoài Hương ngoài dạy viết và đọc tiếng Việt, chưa có chương trình dạy văn hoá hay sử Việt Nam cho các em học sinh.

“Trong lớp cao như lớp 8 hiện giờ có một giáo viên hồi xưa có dạy ở Việt Nam về văn chương nên trong khi dạy vần cho các em có lồng vào lịch sử và văn chương nhưng không có hẳn một chương trình riêng về văn chương hay về sử Việt Nam.”

Tuy nhiên trong những dịp lễ lớn truyền thống của Việt Nam như Tết nguyên đán, Trung thu hay những lễ mãn khoá học, trường cũng cố gắng dạy cho các em những tiết mục để các em biết được những truyền thống văn hoá Việt Nam.

“Bên này thực sự chỉ chú trọng nhiều nhất là dạy các em biết tiếng Việt, biết viết, biết đọc, biết nói. Còn trong dịp Tết cũng có cố gắng trong bài, trong lớp giải thích cho các em biết Tết như thế nào, Tết Việt Nam mình có những cái gì như bánh chưng, bánh dầy, bánh tét, lịch sử của mấy cái bánh đó. Hoặc là giải thích tại sao mình có phong tục như lì xì. Khi lì xì phải nói, chào như thế nào, chúc ông bà ra sao. Rồi cũng có văn nghệ, mặc áo dài, áo bà ba, chỉ cho các em biết ba miền có ba loại áo khác nhau như vậy. Lễ mãn khóa cũng có văn nghệ, múa, hát, nói những câu, đọc những câu văn. Văn hóa chỉ có đến đó thôi chứ không thể nào đi hơn được nữa vì không đủ người.”

Ông Khánh, một phụ huynh học sinh cho rằng đối với các em nhỏ nên lồng văn hóa và lịch sử Việt Nam trong các bài giảng còn đối với các em đã lớn tuổi thì nên có những bài học riêng về văn hóa lịch sử cho các em.

“Mấy lớp dưới chủ yếu học để đọc chữ và biết cách phát âm thôi chưa có đủ khả năng để hiểu nhưng mà nếu mình giảng sơ lược thì đứa trẻ nào cũng hiểu được hết. Thành thử tôi nghĩ là phải có một lớp, chẳng hạn ở đây có đến lớp tám thì bắt đầu lớp sáu nên kiếm thêm người dạy chương trình lịch sử hay có một lớp riêng.”

Tuy các lớp học của trường Hoài Hương được tổ chức tại thành phố Germantown, bang Maryland nhưng cũng có một số em học sinh từ Virginia sang học và đặc biệt có cả một gia đình từ bang West Virginia đến tham dự nữa.

“Trong trường hiện giờ có một gia đình chạy từ West Virginia sang, năm đứa con, cứ mỗi Chủ Nhật chạy một tiếng rưỡi đồng hồ. Mình cũng giải thích là có những trường có lẽ gần hơn là lái sang đây nhưng mà anh bảo là thôi, anh thấy trường này anh thích thành ra cứ mỗi tuần chở 5 đứa con sang học hết. Gần như là tuần nào cũng có mặt.”

Đề cập đến những hoạt động trong tương lai của trường Việt ngữ Hoài Hương, cô Quỳnh Hương cho biết:

“Thực sự tụi này cũng đang tìm cách, suy nghĩ để xem nên tổ chức như thế nào. Nhưng không có đủ thì giờ để suy nghĩ, tìm cách làm sao để trường có thể phát triển thêm, có những chương trình này, chương trình kia cho phong phú hơn. Nhưng mà hiện giờ không có ai hết, không đủ nhân lực để giúp chuyện đó. Thành ra có thể trong tương lai hy vọng sẽ phải đi để nói chuyện thêm với các trường khác, hoặc các tổ chức khác để lấy ý kiến, lấy kinh nghiệm.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG