Đường dẫn truy cập

Bà Clinton gặp nhân vật khu vực chủ chốt trong chính trường Ấn Ðộ


Ngoại trưởng Clinton gặp bà Mamata Banerjee, thủ hiến bang Tây Bengal, một trong những nhân vật khu vực có nhiều thế lực, ngày 7/5/2012
Ngoại trưởng Clinton gặp bà Mamata Banerjee, thủ hiến bang Tây Bengal, một trong những nhân vật khu vực có nhiều thế lực, ngày 7/5/2012

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đang có mặt tại thủ đô Ấn Ðộ nơi bà dự trù sẽ gặp các giới chức cấp cao nhất của nước này. Bà Clinton đang hối thúc quốc gia đói năng lượng này tiếp tục bớt nhập dầu hỏa của Iran. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Kurt Achin gửi về bài tường thuật sau đây.

Trước khi đến thủ đô Ấn Độ hôm nay, ngoại trưởng Clinton đã gặp tại Kolkata một trong những nhân vật khu vực có nhiều thế lực nhất – đó là bà Mamata Banerjee, thủ hiến Tây Bengal.

Đây là cuộc họp quan trọng đầu tiên của bà Clinton kể từ khi bà từ Bangladesh đến Ấn Độ, nhưng bà Banerjee cho biết hai vấn đề được nhiều người trông đợi nhất đã không được đưa vào nghị trình thảo luận.

Đáp lại một câu hỏi của phóng viên, bà Banerjee nói bà và bà Clinton đã không bàn đến vấn đề đầu tư trực tiếp của nước ngoài hay đến một thỏa thuận bị đình trệ về việc chia nguồn nước con sông Teesta dọc theo biên giới giữa Tây Bengal và Bangladesh.

Năm ngoái, lẽ ra một lệnh của chính phủ Ấn Độ đã cho phép nước ngoài được tham gia sở hữu các hoạt động bán lẻ nhiều mặt hàng ở các thành phố lớn. Lệnh này lẽ ra đã có hiệu lực cho phép các công ty lớn như Wall-mart được kiểm soát các dây chuyền cung ứng thực phẩm và nông nghiệp. Bà Banerjee chống đối lệnh này, và đòi chính phủ phải bãi bỏ lệnh bằng cách đe dọa rút đảng của bà ra khỏi liên minh cầm quyền.

Trước cuộc họp với bà Banerjee, bà Clịnton đã ngỏ ý trong một cuộc hội thảo được truyền hình rằng có nhiều phần chắc bà sẽ nêu ra vấn đề đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Ngoại trưởng Clinton nói: “Có một khối lượng kinh nghiệm rất lớn về có thể đưa vào Aán Độ về quản lý dây chuyền cung ứng, về phát triển quan hệ với các nhà sản xuất nhỏ để có thể tăng khối lượng sản xuất, và có thể có mọi loại trợ giúp dành cho nông dân về sản lượng nông nghiệp. Do đó, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều lợi ích có thể không nhất thiết nhìn ra ngay được.”

Bộ trưởng tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee hôm nay loan báo rằng Ấn Độ sẽ nới lỏng một số biện pháp về thuế khóa gây tranh cãi đã khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế lo ngại. Chưa rõ liệu thời điểm đưa ra thông báo này có liên quan phần nào đến chuyến thăm của bà Clinton hay không.

Tại New Delhi, bà Clinton dự trù sẽ thăm Thủ tướng Manmohan Singh và chủ tịch đảng Quốc Đại Sonia Gandhi. Bà Clinton cũng dự tính gặp người tương nhiệm phía Ấn Độ là ngoại trưởng S.M. Krishna, để dọn đường cho một diễn đàn sách lược giữa Aán Độ và Hoa Kỳ dự trù diễn ra tại Washington vào tháng tới.

Vấn đề Ấn Độ nhập khẩu dầu của Iran cũng được trông đợi sẽ được xếp cao trong nghị trình gặp gỡ của bà Clinton. Hoa Kỳ và châu Âu đã áp đặt các biện pháp chế tài Tehran để ngăn họ tiến hành một chương trình vũ khí hạt nhân.

Ấn Độ không ủng hộ các biện pháp này và trên thực tế đang tìm cách tăng cường giao dịch thương mại không liên quan đến dầu với Iran. Tuy nhiên, bà Clinton thừa nhận các nỗ lực của Ấn Độ là âm thầm giảm bớt lượng nhập khẩu dầu và bà được trông đợi sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo Ấn Độ thực hiện thêm nhiều cố gắng hơn nữa.

Bà Clinton nói: “Chúng tôi rất tán đồng những gì đã thực hiện được và đương nhiên chúng tôi muốn tiếp tục làm áp lực đối với Iran, do đó bất cứ điều gì mà Ấn Độ và các nước khác có thể làm được, đều sẽ giúp chúng tôi đạt được điều đó.”

Trong khi đó, bà Clinton hôm nay xác nhận là bà đã đích thân cho phép treo giải thưởng 10 triệu đôla cho ai cung cấp thông tin để bắt giữ và truy tố nghi can khủng bố người Pakistan Hafiz Saeed. Saeed đã đóng một vai trò chính trong việc hoạch định các vụ tấn công khủng bố ở Mumbai đã làm 166 người thiệt mạng. Đã có một số hiểu lầm về khoản tiền thưởng này kể từ tháng trước, khi đại sứ của Washington tại Pakistan nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không đề nghị khoản tiền thưởng này.

Bà Clinton hôm nay còn cho biết bà tin rằng thủ lĩnh al-Qaida Ayman al-Zawahiri đang ở Pakistan. Tại Islamabad, Ngoại trưởng Hina Rabbani Khar nói với các phóng viên rằng nếu Washington có bằng chứng về sự hiện diện của hắn ra, thì phải cung cấp bằng chứng đó cho Pakistan bởi vì al-Qaida là một kẻ thù của cả hai nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG