Đường dẫn truy cập

Chuyến thăm của Phó TT Mỹ Harris đến Việt Nam (kỳ 1): 'Chúng tôi cần vaccine'


Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris.

Chưa bao giờ một chuyến thăm của quan chức cấp cao Hoa Kỳ lại được người Việt Nam gửi gắm những kỳ vọng vô cùng thực tế và “sát sườn” đến như thế khi nó diễn ra giữa lúc nhiều người dân đang lao đao đối diện với tình trạng thiếu miếng ăn hàng ngày và cái chết treo lơ lửng trên đầu họ bởi nạn dịch COVID-19.

“Vaccine, vaccine”

Đó là câu trả lời của đa số những người mà VOA hỏi chuyện.

“Cho vaccine đi. Cho cái đó là cứu (người) trước đi”, bà Châu, một cư dân đang sống tại một xóm lao động nghèo với nhiều người làm nghề phụ hồ, lượm ve chai, bán vé số… ở quận Bình Tân, TPHCM, nói với VOA về mong muốn của chị đối với chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris đến Việt Nam.

“Người ta có sức khoẻ thì sau này người ta làm cũng được”, người phụ nữ 49 tuổi làm nghề thủ công đang “ôm sô” mớ hàng hoá sắp phải bỏ đi vì không thể tiêu thụ được khi thành phố bị phong toả và giới nghiêm nhiều tháng nay, nói.

“Nước Việt Nam chỉ có hai mùa khí hậu, mình khổ mình cũng trồng rau trồng cải mình ăn được, miễn ra có sức khoẻ, hết bịnh là mừng rồi. Dịch hết là người ta tự lo ăn. Chỉ có mùa nắng mùa mưa, dễ gần chết! Lao động từ xưa tới giờ rồi”, bà Châu giải thích, rồi nói thêm: “Bà Phó Tổng thống qua cứu nước Việt Nam cũng mừng. Bịnh đau là sợ lắm! Trong khả năng của nước Mỹ thì xin cứu nước Việt Nam, tôi thay mặt cám ơn nhiều lắm”.

Là “tâm dịch” lớn nhất Việt Nam, TPHCM hiện đang áp dụng các biện pháp phong toả và cách ly nghiêm ngặt khi số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày liên tục phá kỷ lục trong những tuần lễ gần đây, với số ca nhiễm mới từ 3.000 - 4.000 người mỗi ngày trong tổng số xấp xỉ 10.000 người trên cả nước. Trong khi đó, số người được tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine ở TPHCM chỉ mới hơn 155.000 người trong tổng số 1,5 triệu người của cả nước (1,5% dân số) tính đến ngày 18/8.

“Đó tới nay không thấy chích, mấy người trong xóm cứ hỏi ‘Chị ơi, sao hổng thấy ai chích mũi đầu tiên hết vậy?’. Cứ nói cho không mà tới giờ dân chưa có mũi đầu tiên nữa. Mà tui là ở thành phố mà còn không có nữa đó”, bà Châu nói với VOA, đồng thời cho biết thêm rằng ngay cả con trai bà hiện đang đi nghĩa vụ quân sự và tham gia công tác phòng chống dịch cũng mới chỉ được tiêm có một mũi vaccine.

“Bắt nó đi tùm lum. Bắt thằng nhỏ đi kiểu như phụ rinh (người), nói chung là đi cứu người mà chích có một mũi à. Tụi sợ, tui run quá trời!”, bà Châu bày tỏ lo lắng.

Tình trạng khan hiếm vaccine COVID-19 trên toàn cầu khiến cho chính quyền tại Hà Nội trong thời gian qua liên tục hối thúc các đại diện ngoại giao đẩy mạnh công tác “ngoại giao vaccine” tại các quốc gia và đối tác có khả năng cung cấp vaccine.

Đến nay, Việt Nam đã nhận hơn 19 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó chiếm phần lớn là vaccine AstraZeneca từ cơ chế COVAX với hơn khoảng 12 triệu liều, còn lại là vaccine Pfizer, Moderna từ Mỹ, vaccine Sinopharm do Trung Quốc tặng và vaccine Sputnik V từ Nga.

Trong khi nhiều người dân vẫn từ chối tiêm vaccine Trung Quốc, các loại vaccine của Mỹ đang trở thành lựa chọn số một của họ bên cạnh loại vaccine được tiêm phổ biến là AstraZeneca.

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nói với VOA rằng thông tin về chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ đến Việt Nam khiến cho nhiều người dân “tràn trề hy vọng”, đặc biệt vào thời điểm Việt Nam đang chật vật đối phó với bùng phát dịch COVID-19 do biến thể Delta gây nên cùng những tác động tiêu cực chưa từng có của nó.

“Việt Nam hiện cũng đang cố gắng tìm cách khắc phục nhưng do tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi cho nên rất trông chờ vào sự hỗ trợ quốc tế. Đặc biệt vừa rồi quyết định của chính phủ Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine mà không đặt một điều kiện gì kèm theo đã làm cho người Việt Nam rất hào hứng, phấn khởi và tăng độ tin cậy đối với chính quyền của ông Biden”, nhà báo độc lập cho biết.

Linh mục Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu Thế cũng bày tỏ sự cảm kích đối với việc Mỹ viện trợ số vaccine trên, đồng thời hy vọng rằng “Nếu trước chuyến thăm của bà Phó tổng thống, Mỹ tiếp tục viện trợ thên vaccine nữa thì chuyến đi của bà không chỉ là chuyến đi cứu người dân Việt Nam”.

Cứu kinh tế

Ngoài mối lo vaccine, nhiều người bày tỏ sự lo ngại cho nền kinh tế Việt Nam, khi bản thân họ và nhiều người đang phải đối diện với tình trạng thiếu miếng ăn hàng ngày. Các tổ chức từ thiện trong những ngày qua đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu thực phẩm hàng ngày cho các khu xóm công nhân, lao động nghèo đang bị kẹt trong các quy định kiểm dịch giữa lúc hỗ trợ của nhà nước vẫn còn chưa đến tay nhiều người dân.

“Tưởng chừng cách ly 16 ngày rồi sẽ hết, thế nhưng cứ hết đợt này qua đợt khác nó cứ kéo dài mấy tháng nay và ảnh hưởng đến kinh tế rất nghiêm trọng, mà miền Nam là nơi làm kinh tế chủ lực. Vì vậy nếu kéo dài như vậy chắc chắn Việt Nam không gượng nổi kinh tế”, anh Trực, một cư dân tại TPHCM bị thất nghiệp suốt mấy tháng qua, nói với VOA.

Chính vì vậy theo anh, việc Phó Tổng thống Harris đến Việt Nam lần này “rất có lợi cho người dân và nhà nước” trong việc góp phần vực dậy nền kinh tế của Việt Nam.

Anh Trực hy vọng chuyến đi của bà Harris cũng sẽ dẫn tới việc Hoa Kỳ sẽ giúp cho Việt Nam “một gói tài trợ hoặc gói vay nào đó”, và khoản trợ giúp này sẽ tới tay những người dân đang gặp khó khăn như anh.

Từ Sài Gòn, LS. Nguyễn Duy Bình cũng bày tỏ “mong muốn phía Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ cho đất nước tôi trong giai đoạn bệnh dịch bùng phát và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên thúc đẩy quan hê đầu tư, thương mại”.

Theo thông báo của Nhà Trắng, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ có chuyến công du đến Việt Nam và Singapore từ ngày 20/8 – 26/8. Bà Harris sẽ đến Singapore vào ngày 22/8, sau đó ghé thăm Việt Nam từ ngày 24/8 - 26/8.

“Chuyến đi của bà được thực hiện dựa trên thông điệp của chính quyền Biden-Harris với thế giới: Nước Mỹ đã trở lại”, CNN dẫn một thông báo của văn phòng Phó tổng thống Mỹ nói.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết thêm rằng chuyến đi của bà Harris chú trọng đến việc bảo vệ luật pháp quốc tế tại Biển Đông, tăng cường sự lãnh đạo của Mỹ trong khu vực và mở rộng hợp tác an ninh.

Tại Việt Nam, người dân và chính quyền đón nhận và phản ứng với “thông điệp” này khác nhau như thế nào? Mời quý vị theo dõi tiếp Kỳ 2: Quan hệ Việt – Mỹ và độ chênh kỳ vọng giữa dân và chính quyền​ tại Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG