Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Hoa Kỳ cần có sách lược tốt hơn để chống IS


Lực lượng Shiite đụng độ với nhóm Nhà nước Hồi giáo ở vùng ngoại ô Fallujah, tỉnh Anbar, Iraq hôm 1/6/2015.
Lực lượng Shiite đụng độ với nhóm Nhà nước Hồi giáo ở vùng ngoại ô Fallujah, tỉnh Anbar, Iraq hôm 1/6/2015.

Trong khi Hoa Kỳ leo thang cuộc chiến chống tổ chức tự xưng là Nhà nước Hổi giáo, một số quan sát viên cho rằng Washington đang lâm vào một tình thế nan giải: qua việc vũ trang cho các đồng minh, thì Hoa Kỳ cũng tiếp tục vũ trang cho những kẻ thù của mình. Các chuyên gia nói muốn đạt được thắng lợi, liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo cần phải không những có thêm lực lượng, mà còn cần một cuộc chiến đấu khôn ngoan hơn.

Trong một thắng lợi hãn hữu, binh sĩ Iraq trưng bày vũ khí và 24 thanh niên bị bịt mắt mà họ nói là các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo bị bắt.

Một binh sĩ Iraq tuyên bố quân đội đang ở thế tấn công trong khi vỗ vào lưng một tù binh để nhấn mạnh điều đó.

Hoa Kỳ cũng tự nhận là đang ở thế công trong tuần này và hứa gửi thêm 450 binh sĩ để huấn luyện cho lực lượng Iraq. Các giới chức nói các vụ không kích đã hạ sát 10.000 binh sĩ Nhà nước Hồi giáo, nhưng nhóm nay tiếp tục phát triển. Qua một số ước tính nhóm nay hiện đang kiểm soát 1/3 Iraq và phân nửa Syria.

Ông Max Boot là thành viên kỳ cựu về an ninh quốc gia của Hội đồng Đối ngoại. Ông phát biểu về chính sách của Hoa Kỳ đối với Nhà nước Hồi giáo:

“Vào lúc này, chính sách là làm càng ít càng tốt để cho ra vẻ là chúng ta đang làm một điều gì đó mà không làm đủ để đạt được mục tiêu do Tổng thống Obama đề ra, đó là ‘làm suy yếu và tiêu diệt’ Nhà nước Hồi giáo”.

Ông Boot nói khi lên nhậm chức, Tổng thống Obama đã hứa hẹn với dân chúng Mỹ một cuộc triệt thoái ra khỏi các cuộc chiến tranh Trung Đông và hiện giờ thì không có đủ ý chí chính trị để đánh bại Nhà nước Hồi giáo.

Đoạt vũ khí

Nhà nước Hồi giáo đã có được vũ khí của Hoa Kỳ thông qua các binh sĩ Iraq bỏ chạy trong các cuộc giao tranh và thông qua những phần tử nổi dậy được cho là “ôn hòa” được Hoa Kỳ vũ trang ở Syria. Sự cam kết mới của Hoa Kỳ với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, theo ông Boot, cũng sẽ có nghĩa là tái vũ trang cho binh sĩ Iraq.

Và sự kiện này có thể tiếp tục đưa đến hậu quả là vũ trang cho kẻ thù. Ông Boot nói:

“Chúng ta có thể hoặc đình chỉ việc gửi vũ khí hoặc có thể làm tốt hơn công tác huấn luyện người Iraq để họ có thể chiến đấu một cách hữu hiệu hơn chứ không bỏ chạy khi phải đối đầu với một cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo. Tôi tán đồng giải pháp thứ hai.”

Ông nói thêm rằng lực lượng liên minh còn phải tập trung vào việc huấn luyện binh sĩ Sunni chống lại Nhà nước Hồi giáo, hơn là dựa vào lực lượng Shia gây khó khăn hơn cho cuộc chiến vì những chia rẽ phe phái.

Ông Andreas Krieg thuộc trường Đại học King’s ở London nói ngoài việc huấn luyện tốt hơn, các chiến binh Sunni đó cần phải có động cơ thúc đẩy tốt hơn.

Các bộ tộc Sunni

Ông nêu ví dụ là không thể dựa vào các chiến binh bộ tộc Sunni ở tỉnh Anbar, nơi Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng các thị trấn và thành phố, để phục vụ cho các lợi ích của chính phủ Baghdad, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Haider al-Abadi người Shia.

“Đây là một vấn đề xã hội chính trị. Cơ bản chính phủ Abadi ở Baghdad cần phải đưa ra một lời hứa chắc chắn và cụ thể với các bộ tộc này ở tỉnh Anbar rằng sau này họ sẽ được nhiều quyền tự trị hơn và rằng nếu họ chiến đấu cho một cái gì đó, là họ chiến đấu cho quyền tự trị của chính mình chứ không phải chiến đấu cho chính phủ ở Baghdad mà họ căm ghét”.

Theo ông, liên minh thất bại trong việc đánh bại Nhà nước Hồi giáo càng lâu thì họ càng trở nên mạnh hơn. Cách đây 1 năm, khi Nhà nước Hồi giáo gây kinh động cả thế giới với những vụ chiếm đất mau chóng, thì nhóm này chưa có khả năng sử dụng tất cả các vũ khí của họ. Ngày nay, họ có 1 năm để huấn luyện và phát triển các kỹ năng và liên minh vẫn kẹt trong một cái “vòng lẩn quẩn”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG