Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên sẽ phóng loại phi đạn nào?


Binh sĩ Bắc Triều Tiên đứng gác gần bệ phóng tên lửa Unha-3 tại Trạm vệ tinh Sohae ở Tongchang-ri, ngày 8/4/2012.
Binh sĩ Bắc Triều Tiên đứng gác gần bệ phóng tên lửa Unha-3 tại Trạm vệ tinh Sohae ở Tongchang-ri, ngày 8/4/2012.
Một hãng tin ở Nhật Bản hôm nay cho biết Bắc Triều Tiên dường như sắp sửa phóng một phi đạn, nhưng Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói rằng họ không thể xác nhận tin này. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật sau đây.

Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói rằng họ không thể xác nhận bản tin cho rằng một bệ phóng phi đạn ở Bắc Triều Tiên vừa được đặt trong “tư thế nâng cao”.

Hãng tin Kyodo trích dẫn một nguồn trong Bộ Quốc phòng Nhật cho biết như thế ngày hôm nay.

Tại Seoul, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Kim Min Seok nói rằng Bắc Triều Tiên có thể sẽ bắn một hoặc hai phi đạn trước hoặc trong ngày thứ hai tuần sau, là ngày kỷ niệm sinh nhật của người lập ra chính quyền Cộng Sản Bắc Triều Tiên Kim Il Sung. Ông Kim Min Seok nói thêm như sau.

Ông Kim nói rằng không ai biết chắc Bắc Triều Tiên có phóng phi đạn hay không, và nếu có, thì họ sẽ phóng bao nhiêu phi đạn, và phi đạn sẽ bắn về hướng vùng biển phía đông, về hướng Philippines, hay về hướng duyên hải phía nam của Nam Triều Tiên.

Ông Kim nói thêm rằng ông không thể xác nhận những tin tức cho rằng Bắc Triều Tiên đang liên tục di chuyển bệ phóng phi đạn để gây khó khăn cho sự theo dõi của tình báo Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Dân chúng Hàn quốc xem truyền hình về vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên ở ri-Musudan tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, ngày 7/4/2009.
Dân chúng Hàn quốc xem truyền hình về vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên ở ri-Musudan tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, ngày 7/4/2009.
Tin tức báo chí cho biết hai phi đạn đạn đạo tầm trung Musudan đang được đưa ra đưa vào một địa điểm có mái che ở thành phố cảng Wonsan, trong lúc có đến 5 chiếc xe phóng phi đạn đang chạy lòng vòng trong tỉnh Nam Hamgyeong.

Trong những vụ phóng trước đây, Bắc Triều Tiên đã thông báo cho tàu bè và máy bay thương mại về việc họ định thực hiện những vụ phóng phi đạn. Nhưng cho tới giờ này Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra những thông báo như vậy và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Triều Tiên đã động viên quân đội của họ.

Các nước khác trong khu vực đang cảnh giác để đề phòng những hành vi khiêu khích quân sự của Bắc Triều Tiên.

Hải quân Mỹ đã bố trí 2 chiếc khu trục hạm chống phi đạn ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên và đưa tới Thái bình dương một tàu ra đa tối tân.

Quân đội Nam Triều Tiên đã bố trí các chiến hạm có trang bị hệ thống theo dõi phi đạn Aegis. Họ cũng điều động những đơn vị phi đạn Patriot và các máy bay trinh sát trong khuôn khổ của một nỗ lực có phối hợp nhằm theo dõi và bắn rơi phi đạn địch trong không phận của họ.

Nhật Bản đã bố trí các đơn vị phòng thủ phi đạn PAC-3 tại nhiều địa điểm khác nhau. Thủ tướng Shinzo Abe đã ra lệnh cho các đơn vị này bắn rơi bất kỳ phi đạn nào bay qua không phận Nhật.

Các đơn vị phòng thủ phi đạn PAC-3 của Mỹ tại Căn cứ Không quân ở Osan, phía nam thủ đô Nam Triều Tiên.
Các đơn vị phòng thủ phi đạn PAC-3 của Mỹ tại Căn cứ Không quân ở Osan, phía nam thủ đô Nam Triều Tiên.
Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihido Suga, cho biết Tokyo đã thông qua các kênh ngoại giao để yêu cầu Bình Nhưỡng ngưng chỉ những hành vi khiêu khích.

Ông Suga nói thêm rằng chính phủ đang áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ tính mạng của người dân và nền an ninh của quốc gia.

Ngày hôm nay, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên lần đầu tiên nêu đích danh bà Park Guen Hye, nữ tổng thống của Nam Triều Tiên nhậm chức hôm 25 tháng 2.

Một xướng ngôn viên Đài phát thanh Bắc Triều Tiên nói rằng “chế độ Park Guen Hye nhất định muốn đối đầu” với Bắc Triều Tiên. Họ nói thêm rằng “người đứng đầu nhà đương cuộc miền Nam” không thể tránh né trách nhiệm đối với việc làm cho Khu Công nghiệp Kaesong có thể bị thất bại.

Vài giờ sau đó, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Ryoo Kihl Jae đã tổ chức một cuộc họp báo tại Seoul.

Vị Bộ trưởng phụ trách quan hệ Liên Triều nói rằng “Bắc Triều Tiên nên theo đuổi việc thảo luận về những vấn đề mà họ muốn nêu ra.”

Khi được hỏi phải chăng ông đang đề nghị tiến hành những cuộc đàm phán chính thức giữa hai miền Triều Tiên, ông Ryoo Kihl Jae nói rằng phát biểu của ông không phải là một đề nghị đối thoại mà là một sự khẳng định về nhu cầu đối thoại để giải quyết những vấn đề trước mắt, như dự án Kaesong và “những hành động có tính chất đe dọa mỗi ngày một nhiều của Bắc Triều Tiên.”

Đầu tuần này, Bắc Triều Tiên đã rút 53.000 công nhân của họ ra khỏi khu phức hợp Kaesong, dự án chung duy nhất còn sót lại giữa hai miền Triều Tiên. Tuần trước, Bình Nhưỡng đã từ chối không cấp phép cho các viên quản đốc và các xe tải của Nam Triều Tiên vào khu phức hợp này.

Căng thẳng tăng cao ở bán đảo Triều Tiên đã khiến Đài Loan ban hành lệnh cảnh báo du hành. Bộ ngoại giao của đảo quốc này khuyên dân chúng hoãn lại việc du hành tới Nam Triều Tiên vì tình hình ở đó “không được sáng sủa.”

Ngày hôm nay, một phát ngôn viên của bộ ngoại giao ở Seoul nói với báo chí rằng không có lý do gì để người nước ngoài tránh né việc đến thăm Nam Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG