Đường dẫn truy cập

Chống tham nhũng ở Trung Quốc nêu bật sức mạnh trang mạng Weibo


Văn phòng của Sina Weibo ở Bắc Kinh
Văn phòng của Sina Weibo ở Bắc Kinh
Chủ nhật tới đây một tòa án Trung Quốc sẽ đưa ra phán quyết về vụ xữ ông Bạc Hy Lai, cựu Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Trung Quốc. Thông tín viên VOA Bill Ide tường thuật rằng phán quyết được đưa ra trong lúc các nhà lãnh đạo mới của đảng tiến hành một chiến dịch bài trừ tham nhũng mà họ gọi là “đánh ruồi và đánh cọp”, nhắm vào các quan chức cấp cao lẫn cấp thấp.

Chỉ trong vòng vài tuần lễ, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã loan báo hơn 10 cuộc điều tra tham nhũng. Một trong những quan chức cấp cao nhất bị điều tra là ông Tưởng Khiết Mẫn, người từng đứng đầu một cơ quan của chính phủ trung ương phụ trách việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước.

Một cuộc duyệt xét của đài VOA về khoảng 40 vụ án tham nhũng được nói tới trong năm vừa qua cho thấy rằng hầu hết những vụ này được phanh phui trên mạng internet hoặc do báo chí tường thuật trước tiên, chứ không phải là kết quả của chiến dịch trấn áp của chính quyền.

Ông Chu Thụy Phong, một nhà báo công dân đã dùng internet để phanh phui mấy mươi quan chức tham ô, cho biết như sau.

"Ở Trung Quốc hiện nay, internet là sức mạnh tốt nhất để thúc đẩy cho mục tiêu chống tham nhũng, đặc biệt là nhờ có trang mạng xã hội weibo. Điểm đặc biệt nhất của weibo là sức lan tỏa của nó: chỉ trong vòng 10 phút, một tin nhắn có thể được đăng lại 100.000 cho tới 200.000 lần. Nhưng sức mạnh của internet lại làm cho chính quyền cảm thấy là họ phải kiểm soát nó. Họ nghĩ rằng công tác chống tham nhũng phải do chính phủ lãnh đạo chứ không phải do dân chúng hay các nhà báo dẫn đầu."

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã loan báo những qui định mới, theo đó các blogger và những người sử dụng internet có thể bị bỏ tù nếu phát tán tin đồn trên mạng. Luật lệ mới này làm cho một số người e rằng sức mạnh chống tham nhũng của internet có thể chấm dứt trong nay mai.

Ông Chu Thụy Phong cho biết ông không quan tâm tới chuyện này. Ông nói rằng tuy website và trang weibo của ông đã bị đóng hồi gần đây, nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều tới việc điều tra của ông về các quan chức tham nhũng. Ông nói thêm rằng ông luôn luôn tìm cách bảo đảm là những tố giác của ông là chính xác. Ông nói:

"Từ năm 2011 tới nay chúng tôi đã phanh phui những hành vi tham ô của hơn 50 quan chức và 33 viên chức cơ sở. Chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi bị chính quyền trả đũa, mà chúng tôi bị trả đũa bởi những đối tượng bị phanh phui. Tất cả những người bị chúng tôi phanh phui đã tìm cách đóng cửa trang web của chúng tôi. Sau đó họ tìm cách mua chuộc chúng tôi. Họ đe dọa chúng tôi và sau cùng là tìm cách vu khống chúng tôi."

Ông Doug Young, giáo sư môn báo chí của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, cho biết chính sách mới của chính phủ dường như là một mưu toan làm cho dân chúng cảm thấy ngần ngại hơn khi muốn tố cáo một người nào đó phạm tội tham nhũng. Ông nói:

"Vấn đề của truyền thông xã hội ở Trung Quốc là nếu tôi đưa ra một tố cáo nào đó mà tôi hoàn toàn bịa ra để chống lại một quan chức hoặc tôi chỉ dám chắc 20% là quan chức đó có tham nhũng, thì tố cáo đó sẽ được chuyển đi hàng trăm hàng ngàn lần và có thể là tôi không có bằng chứng hoặc có rất ít bằng chứng, nhưng người đó sẽ trở thành một người có tội trong không gian internet, cho dù người đó có thể không hề làm điều gì sai."

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã lập ra một website để báo cáo về những cuộc điều tra và để tiếp nhận những thông tin về các quan chức tham nhũng. Ủy ban này điều tra cán bộ đảng viên và các quan chức cấp cao, và xác định những người đó có tội hay không trước khi họ được mang ra xét xử trước tòa án.

Trang web của đảng cho phép dân chúng dùng tên thật hoặc giấu tên để cung cấp thông tin về các quan chức tham ô, nhưng chỉ có những người tố cáo mới có quyền theo dõi vụ việc.

Giáo sư Nhậm Kiến Minh của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho rằng website đó là một bước tiến đúng hướng, nhưng vấn đề then chốt là cải cách pháp luật. Ông nói:

"Để đánh giá quyết tâm của chính phủ trong việc chống tham nhũng chúng ta phải xem xét tới việc họ có muốn sửa đổi những khuyết điểm và những vấn đề của hệ thống pháp luật hay không. Dĩ nhiên mức độ công khai về tài sản của quan chức là một yếu tố quan trọng để chứng tỏ quyết tâm của chính phủ. Nhưng tôi nghĩ rằng giữa hai nỗ lực đó, việc quan trọng nhất để chứng tỏ quyết tâm ngăn chận tham nhũng của chính phủ là sửa đổi cơ cấu của hệ thống phòng chống tham nhũng."

Giáo sư Nhiệm nói thêm rằng ông hy vọng chính phủ sẽ tiếp tục khuyến khích dân chúng phanh phui các vụ tham nhũng, đồng thời ông cũng muốn thấy trang web của nhà cầm quyền đóng một vai trò có thực chất hơn trong nỗ lực đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG