Đường dẫn truy cập

Giới chức TQ mưu tìm công cuộc làm ăn ở Đài Loan bất chấp rủi ro


Ông Trần Vân Lâm (phải) đã đến Đài Loan thực hiện chuyến thăm trong 6 ngày
Ông Trần Vân Lâm (phải) đã đến Đài Loan thực hiện chuyến thăm trong 6 ngày

Nhân vật hàng đầu của Trung Quốc trong cuộc thương thuyết với Đài Loan đang đi thăm hòn đảo này. Chương trình làm việc của ông bao gồm những cuộc họp về kinh doanh có thể dẫn đến thêm các cuộc đầu tư tại Đài Loan cũng như những lợi ích về chính trị. Tuy nhiên ông có thể vấp phải những cuộc biểu tình phản đối trong năm nay, cũng như trong hai kỳ thăm trước. Từ Đài Bắc, thông tín viên VOA Ralph Jennings gửi về bài tường thuật sau đây.

Ông Trần Vân Lâm đã đến Đài Loan thực hiện chuyến thăm trong 6 ngày đưa ông cùng một nhóm các nhà quản trị kinh doanh của Hoa lục đi khắp hòn đảo này.

Ông Trần là chủ tịch của Hội Quan hệ xuyên eo biển Đài Loan của lục địa Trung Quốc. Trong những lần thăm trước, ông và các nhà thương thuyết Đài Loan đã phá vỡ tình trạng căng thẳng kéo dài mấy chục năm bằng cách thiết lập các mối quan hệ mậu dịch mới.

Sau khi Tổng thống Mã Anh Cửu của Đài Loan được bầu lên vào năm 2008, hai bên đã đồng ý đàm phán hai lần mỗi năm và nỗ lực giao tiếp với Bắc Kinh của ông Mã đã mở đường thêm cho thương mại và du lịch xuyên qua eo biển Đài Loan.

Theo dự kiến chuyến đi lần này của ông sẽ tập trung chặt chẽ vào vấn đề doanh nghiệp.

Ông Raymond Wu là giám đốc điều hành Tổ hợp Nghiên cứu và Tham vấn e-telligence ở Đài Bắc.

Ông Raymond nói: “Ông ấy muốn thăm dò các cơ hội đầu tư và ông ấy đã mang theo khoảng 40 nhà quản trị kinh doanh hàng đầu từ Trung Quốc. Đó là điểm khác biệt lớn về chuyến đi kỳ này. Và điểm thứ nhì là ông ấy đã thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên của một đại diện cấp cao của Trung Quốc đến miền nam Đài Loan.”

Các công ty của Trung Quốc than phiền rằng Đài Loan không cung cấp đủ sự tiếp cận cho họ.

Các công ty Đài Loan lâu nay đã đầu tư vào Trung Quốc để tận dụng lao động rẻ tiền. Nhưng bởi lẽ các nhà lãnh đạo Đài Loan không muốn nền kinh tế của đảo quốc quá lệ thuộc vào Trung Quốc cho nên họ nghiêm khắc hạn chế hoạt động của các công ty Trung Quốc tại hòn đảo này.

Khu vực công nghiệp và đông dân miền nam Đài Loan có ý thù nghịch với Bắc Kinh hơn so với miền bắc. Các chặng dừng của ông Trần tại vùng nông thôn Gia Nghĩa và thành phố cảng Cao Hùng, cả hai nằm ở miền Tây nam Đài Loan dự kiến sẽ khơi ra những vụ biểu tình.

Đài Loan đã tự trị kể từ khi lực lượng Quốc Dân Đảng bỏ trốn sang đó vào năm 1949 khi cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc. Chính quyền Cộng sản ở lục địa đòi chủ quyền hòn đảo này và nhấn mạnh rằng hai bên chung quốc phải tái thống nhất.

Có nhiều phần chắc cảnh sát sẽ được đặt trong tình trạng cảnh giác chống lại mọi sự cố bởi vì chuyến thăm của ông Trần năm 2008 đã châm ngòi cho nhiều ngày biểu tình đôi khi mang tính bạo động.

Phe đối lập chính tại Đài Loan là đảng Dân Tiến, cho biết họ sẽ không tổ chức biểu tình lần này bởi vì nghị trình của giới chức Trung Quốc chỉ bao gồm vấn đề doanh nghiệp tư nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG