Đường dẫn truy cập

Hàng rào ngăn cản một phần Quảng trường Bắc Kinh trước biểu tình


Người biểu tình giơ cao hình ảnh của hoa nhài để ủng hộ 'Cuộc cách mạng Hoa Nhài" ở Trung Ðông bên ngoài các văn phòng liên lạc của Trung Quốc ở Hồng Kông, ngày 20/2/2011
Người biểu tình giơ cao hình ảnh của hoa nhài để ủng hộ 'Cuộc cách mạng Hoa Nhài" ở Trung Ðông bên ngoài các văn phòng liên lạc của Trung Quốc ở Hồng Kông, ngày 20/2/2011

Các hàng rào xây dựng đã dựng lên quanh một địa điểm ở Bắc Kinh mà giới tranh đấu đã định tổ chức các cuộc biểu tình thường lệ chiều chủ nhật. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.

Những rào cản màu xanh lè sừng sững tại quảng trường trước cửa hàng McDonalds trên đường Vương Phủ Tĩnh ở Bắc Kinh, là nơi một chiến dịch trên mạng Internet kêu gọi mọi người đến biểu tình.

Một thông cáo trên hàng rào hôm nay nói rằng lề đường bị sụt nên cần phải sửa chữa.

Chiến dịch trên mạng đã thu hút một đám đông đến đó hôm Chủ nhật tuần rồi để phản đối sự bất công ở Trung Quốc và bầy tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc cách mạng được gọi là Cách mạng Hoa Nhài ở Trung Đông. Tuy nhiên, con số nhân viên an ninh, các phóng viên và những người đi xem dường như cao hơn số người biểu tình.

Cũng đã có các cuộc tụ họp tại những thành phố khác ở Trung Quốc.

Một người biểu tình ở Thượng Hải nói rằng Trung Quốc không có hệ thống pháp lý đúng đắn và là chế độ độc tài độc đảng đàn áp người dân.

Mặc dù an ninh được tăng cường, chính phủ đã hạ giảm khả năng một cuộc Cách mạng Hoa Nhài có thể xảy ra tại Trung Quốc.

Ông Triệu Khải Chính, thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Toàn quốc, một cơ quan cố vấn cho chính phủ, nói với các phóng viên trong tuần này rằng khái niệm về một cuộc Cách Mạng Hoa Nhài ở Trung Quốc là phi lý.

Ông Triệu nói rằng ở Bắc Kinh, một thành phố 15 triệu người, thì không có nghĩa lý gì khi một vài người tụ tập ở một nơi để nói lên những mối quan tâm của mình. Theo ông, ngay cả nếu như một số ít trong nhóm người này muốn gây rối, thì điều đó cũng không xảy ra.

Bộ đội Trung Quốc đã từng giết hàng trăm, có thể là hàng ngàn người khi họ đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ do sinh viên lãnh đạo tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989. Lãnh tụ Libya Moammar Gadhafi đã đề cập đến biến cố đố trong tuần này để biện minh cho cuộc đàn áp mà chính ông thực hiện ở Libya.

Những người tổ chức cuộc tụ tập được cho là các nhân vật bất đồng chính kiến sống ở nước ngoài. Họ đã kêu gọi biến các biểu tình thành một diễn biến thường xuyên.

Lời kêu gọi trên mạng Internet hối thúc dân chúng ở các thành phố khắp nước tụ tập nhau lại mỗi chiều Chủ nhật để “tảo bộ, nhìn ngắm hay thậm chí chỉ giả bộ đi ngang qua.”

Mặc dầu trong vòng 30 năm vừa qua, nhân dân Trung Quốc đã được dành cho nhiều quyền tự do đi lại hơn, được sở hữu tài sản và đi học cũng như làm việc theo ý muốn, nhưng chính phủ đã có hành động nhậm lẹ chấm dứt các cuộc biểu tình.

Chính phủ không dung thứ những lời kêu gọi đòi thay đổi dân chủ, và trong mấy năm vừa qua, đã cố công bỏ tù hay bắt giữ những người chỉ trích chính phủ, kể cả ông Lưu Hiểu Ba, người được trao giải Nobel hòa bình hồi năm ngoái vì đã cổ xúy các cải cách chính trị một cách ôn hòa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG