Đường dẫn truy cập

Trung Quốc tranh luận những âu lo liên quan tới việc về quê ăn Tết


Một hành khách gánh hành lý chờ lên xe lửa tại một nhà ga ở Bắc Kinh
Một hành khách gánh hành lý chờ lên xe lửa tại một nhà ga ở Bắc Kinh

Trong tuần này, hằng triệu người Trung Quốc trở về quê ăn Tết. Theo truyền thống, đây là một dịp vui mừng được sum họp gia đình, bè bạn, tuy nhiên, một cuộc thăm dò cho thấy hầu hết mọi người không muốn về quê.

Các cán bộ được Bộ Xã Hội Trung Quốc điều đi thăm dò ý kiến những công nhân di trú tại 6 thành phố lớn nhất thấy rằng 70% số người được hỏi đều do dự đối với việc về quê.

Vấn đề này được tranh luận sôi nổi trên mạng, trong tuần lễ trước ngày đầu năm, cụm từ “sợ về quê” đứng hàng thứ ba trên mạng baidu.com.

Một phần của việc lo sợ là về chính chuyến đi. Nhà chức trách tiên liệu sẽ có hơn 3 tỉ lượt du hành trong dịp nghĩ Tết này.

Cô Lori Nghĩa hạ đăng một bài trên Internet viết về chuyến về quê của cô bằng xe lửa, xe buýt và phà. Cô viết rằng chuyến về quê này hết sức khủng khiếp đối với cô.

Nhưng nhiều người trẻ cũng lo sợ gặp phải những xét đoán của gia đình. Báo chí đưa ra danh sách những câu hỏi mà các công nhân trẻ xa nhà không muốn bị thân nhân hỏi trong chuyến về quê ăn Tết này, trong đó có những câu hỏi về tình hình tài chánh và đời sống tình cảm.

Một bức tranh hí họa được luân lưu rộng rãi trên mạng tuần này cho thấy một người đàn ông trông có vẻ buồn rầu ngồi trên băng ghế dài trong lúc đợi tầu về quê. Những bong bóng trên đầu anh miêu tả những lo ngại của anh: việc làm không ưng ý, lương thấp, chưa lập gia đình, và không đủ tiền mua quà cho bà con dưới quê.

Blogger có nick là Misitelu viết rằng cảnh ngộ của anh hiện nay thật tẻ nhạt, bởi vì anh thuộc về một nhóm người sợ về quê, anh có đủ loại lo sợ. Anh đã ở Bắc Kinh 3 năm nay và chẳng có được thứ gì hết.

Mặc dầu nền kinh tế phát triển đã giúp hằng triệu người Trung Quốc giầu có, nhiều thanh niên tốt nghiệp, hầu hết là độc thân và là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp trung học, hãy còn phải vật lộn để đáp ứng những kỳ vọng ngày càng lớn của cha mẹ.

Một người sử dụng Internet ở tỉnh Tứ Xuyên phàn nàn về tình trạng bao lì xì ngày càng nặng, “Bắt đầu là 20 rồi 50 nguyên, rồi tới 200, 400, 500 nguyên, trong khi đó thì lương của tôi sụt giảm. Tôi không kham nổi.”

Chuyên gia xã hội hoc thuộc Trường Đại Học Bắc Kinh, ông Châu Thiếu Doanh, chống lại tập tục cổ truyền về Năm Mới chỉ chú trọng tới giầu sang, trong một bài viết trên trang mạng Sohu.com.

Ông viết rằng thay vì chú trọng tới mức độ giầu có ta nên tập trung vào mức độ hạnh phúc mà ta có được trong dịp mừng xuân mới với gia đình.

Rõ ràng Tân Xuân là một ngày lễ chú trọng về gia đình. Văn hóa truyền thống của Trung Quốc nhấn mạnh tới việc duy trì quan hệ mật thiết với nơi chôn nhau cát rốn. Nhiều bài dân ca kể lại những niềm vui được trở về quê hương và nỗi nhớ nhung của những ai không thể sum họp với gia đình trong những dịp như vậy.

Mặc dầu có những lo lắng trong việc về quê vào nhiều ngày trước Năm Mới, nhưng một ngày trước lễ hội, các diễn đàn Internet Trung Quốc đã thay đổi giọng điệu. Hầu hết những người góp mặt trên các diễn đàn này vẫn gởi lời chúc hạnh phúc trong năm Nhâm Thìn.

Một số hình ảnh ngày Tết ở Trung Quốc:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG