Đường dẫn truy cập

Chiến dịch chống tham nhũng tác động đến việc mua hàng xa xỉ ở TQ


Những người đàn ông đi ngang qua nơi quảng cáo các mặt hàng xa xỉ của Ý ở Thượng Hải, Trung Quốc
Những người đàn ông đi ngang qua nơi quảng cáo các mặt hàng xa xỉ của Ý ở Thượng Hải, Trung Quốc

Việc mua sắm xa xỉ cho tới nay đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong thập niên vừa qua. Mức tiêu thụ hàng xa hoa ở quốc gia này đã tăng trung bình 27% từ năm 2007 – 2012, gần gấp 3 lần mức tăng trưởng kinh tế trung bình của nước này trong cùng khoảng thời gian.

Thế nhưng một chiến dịch bài trừ tham nhũng quyết liệt và tình trạng suy thoái kinh tế lớn hơn ở Trung Quốc đã tạo ra những thách thức cho các nhà sản xuất hàng xa xỉ. Năm ngoái, thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc lần đầu tiên đã giảm xuống mức âm.

Trong cuộc khảo sát gần đây, Nghiên cứu Thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc năm 2014 về nguời tiêu dùng Trung Quốc, công ty tư vấn Bain & Company cho biết mức tăng trưởng của thị trường giảm 1% xuống còn 18,7 tỉ đô-la.

Ông Michel Phan, giáo sư về thị trường xa xỉ, cộng tác với Trường Kinh tế Emlyon ở Thượng Hải, cho biết: “Động lực của thị trường xa xỉ Trung Quốc trong nhiều năm là thói quen tặng quà. Việc mua sắm quà tặng đã chậm lại đáng kể trong hai năm qua do chiến dịch bài trừ tham nhũng”.

Tuy nhiên, việc mua sắm của Trung Quốc chiếm 1/3 lượng mua hàng xa xỉ trên toàn cầu.

Hổ, ruồi và xe Ferraris

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gắng sức diệt trừ nạn tham nhũng trong giới quan chức kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Chiến dịch bắt quan chức cả cấp cao lẫn cấp thấp, hay hổ và ruồi, đã có một tác động đáng chú ý đối với thói quen lâu đời về tặng quà và điều đó đã ảnh hưởng đến các nhãn hàng sang trọng.

Các thanh tra chống tham nhũng của Trung Quốc đã phát hiện ra một kho tiền mặt và hàng xa xỉ.

Cuộc điều tra ông Yang Dacai, giám đốc của Cơ quan Quản lý An toàn Lao động, đã bắt đầu sau khi các công dân mạng công bố trên mạng xã hội những bức ảnh ông này đeo rất nhiều đồng hồ đắt tiền khác nhau, mỗi cái được cho là có giá trên 16.000 đô-la. Các bức ảnh trên mạng đã cho thấy ông này còn mang một cặp kính Roters, một nhãn hiệu của Đức, trị giá hơn 20.000 đô-la.

Theo các báo cáo, các cuộc bố ráp vào các cơ ngơi của ông Chu Vĩnh Khang, một cựu trùm an ninh đang bị điều tra về tội tham nhũng, đã thu được 62 chiếc xe nội và ngoại, 55 bức tranh trị giá 129 triệu đô-la và rất nhiều chai rượu vang đắt tiền.

Ông Lưu Hán, một trùm khai thác mỏ, mà nhiều nguồn tin nói là có dính dáng với ông Chu Vĩnh Khang, sở hữu hàng trăm chiếc xe, kể cả nhiều chiếc Rolls-Royce, Bentley và Ferrari. Các thanh tra cũng phát hiện ông này còn có cả một chiếc đồng hồ Franck Muller Conquistador 8005 K CC DCD, mà theo giá đăng trên mạng là trên 110.000 đô-la. Ông Lưu đã bị tử hình vào tháng rồi sau khi bị kết tội “tổ chức và cầm đầu bang đảng tội phạm theo kiểu mafia và giết người”.

Các nhà phân tích công nghiệp cho biết các quan chức chính quyền và các nhân tình là những người thụ hưởng các sản phẩm xa xỉ vì các doanh nhân biếu cho họ để được lại các ưu đãi.

Bí mật và ở nước ngoài

Nhưng với việc các thanh tra chống tham nhũng theo dõi chặt chẽ ngành hàng này và hàng ngàn người nhiệt thành sử dụng Internet thường xuyên đăng tải các bức ảnh các quan chức và thân nhân của họ phô trương xe, túi xách, đồng hồ, quần áo và hộp quẹt thì thói quen này đang thay đổi đi.

Kết quả là người giàu ở Trung Quốc hiện nay bận rộn giữ mình khỏi con mắt của các thanh tra chính quyền cả ở trên mạng lẫn ngoài đời. Và bởi vì điều này, các nhà phân tích nói cùng với thuế tiêu thụ thấp hơn ở hải ngoại, số người thích mua hàng xa xỉ trong các chuyến đi nước ngoài thay vì bị bắt gặp trong các cửa hàng ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang tăng lên.

Năm ngoái, nhiều nhãn hàng lớn đã phải đóng các cửa hàng do hậu quả của suy thoái, trong khi những nhãn hàng khác bị giảm mạnh doanh số bán hàng. Hugo Boss đã đóng cửa 7 cửa hàng, Ermenegildo Zegna 6 cửa hàng và Burberry 4 cửa hàng ở lục địa Trung Quốc vào năm ngoái, theo tường thuật của Tân Hoa Xã.

Sàn Giao dịch Kim cương Thượng Hải báo cáo mức bán kim cương đã mài đã sụt giảm trong 4 tháng liên tiếp vào tháng Giêng. Công ty xa xỉ khổng lồ của Thụy Sỹ Richemont có doanh số bán hàng trượt xuống 4% trong quý 3 của năm 2014.

Nước Nhật Bản Mới

Tuy nhiên trong một báo cáo, công ty Bain cam đoan rằng thị trường hàng xa xỉ vẫn còn có hy vọng.

Ông Bruno Lannes, đối tác và người đứng đầu công ty nghiên cứu về Mua sắm xa hoa của Trung Quốc, nói:

“Người Trung Quốc góp 30% và việc tiêu thụ hàng xa xỉ trên toàn cầu. Điều này không thấy được 10 năm trước, có thể là vài phần trăm. Với sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc và sự thịnh vuợng ở đây, các nhãn hàng toàn cầu xem Trung Quốc như là tân Nhật bản”.

Tạp chí mạng Jing Daily về hàng xa xỉ gần đây lưu ý rằng gần đây có sự quan tâm ngày càng tăng trong việc mua sắm của “HENRYs” (người có thu nhập cao, chưa hẳn giàu) và điều đó mang lại hy vọng cho thị truờng.

Không giống như những người mua hàng xa xỉ thông thường, HENRYs tìm những nhãn hàng có giá phải chăng hơn như Tony Burch, Michael Kors và Longines. Mặt khác, báo cáo cho biết các nhãn hàng đắt tiền hơn như Cartier, Louis Vuitton và Gucci bị ảnh hưởng bởi một “đợt khí lạnh”.

Bain có vẻ như nhấn mạnh xu hướng này trong bản khảo sát, trong đó cho thấy sự trung thành với hàng hiệu ở Trung Quốc đang giảm đi. Bain tường thuật 70% những người trả lời cho biết họ sẵn sàng thử những nhãn hiệu và phong cách khác, 45% trong số họ dự tính mua nhiều nhãn hiệu hàng sang trọng mới nổi hơn trong 3 năm tới.

Tỷ lệ tăng trưởng chậm

Cùng với chiến dịch bài trừ tham nhũng, nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc cũng có tác động. Chính quyền Trung Quốc đã giảm mục tiêu tăng trưởng xuống 7% cho năm 2015, khiến cho khả năng cải thiện thị trường xa xỉ bị thu hẹp lại.

Giáo sư Phan nói:

“Với tỷ lệ tăng trưởng GDP 7% cho năm 2015, thị trường hàng xa xỉ ở lục địa Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong năm nay. Với thị trường quà tặng gần như biến mất, người tiêu dùng duy nhất mua hàng xa xỉ ở lục địa Trung Quốc sẽ là những người mua hàng theo ý thích hoặc vì nhu cầu cấp thiết. Các nhãn hàng xa xỉ cần phải làm việc nhiều hơn để duy trì doanh số bán hàng ở Trung Quốc trong những tháng sắp tới”.

Ông Bruno Lannes của công ty Bain nói thị trường này đang trải qua một sự thay đổi cơ bản. Sự thay đổi đó không chỉ liên quan đến suy thoái, nhưng bao gồm cả tác động liên quan đến sở thích mua hàng của người tiêu dùng và sự gia tăng các nhãn hàng xa xỉ mới. Trong một phát biểu đưa ra cùng với bản báo cáo, ông nói các nhãn hàng xa xỉ cần phải đẩy mạnh công việc của họ trong năm 2015.

Ông Lannes nói:

“Trong thời đại tái xác định nhãn hiệu, các nhãn hàng xa xỉ ở Trung Quốc phải xóa bỏ những khái niệm và các kênh thông tin truyền thống và đi đến nơi mà người tiêu dùng dẫn họ đi, hoặc là đối diện với nguy cơ mất đi họ. Đây có thể là một thử thách đối với nhiều người, nhưng những người biết làm cách nào để thay đổi cùng với người tiêu dùng thì sẽ gặt hái phần thưởng”.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG