Thế lực toàn cầu của chỉ tệ Trung Quốc, đồng Nguyên hay Nhân Dân tệ, đang gia tăng vào lúc Bắc Kinh tìm cách quốc tế hoá chỉ tệ của mình, mặc dầu loại tiền này vẫn chưa được mua bán công khai trên thị trường thế giới.
Trong năm vừa qua, Trung Quốc đã chứng kiến lượng giao dịch bằng Nhân Dân tệ bành trướng, nhờ các thoả thuận như hiệp định đạt được được tuần trước bên lề diễn đàn quốc tế thường niên ở Davos, Thuỵ Sĩ. Tại hội nghị này, Trung Quốc và Thuỵ Sĩ đã đồng ý mở ra một thị trường ngoài nước cho đồng Nhân Dân tệ - đây là thoả thuận thứ nhì thuộc loại này ở Châu Âu, sau thoả thuận với London.
Trung Quốc cũng đã thành lập hơn một chục ngân hàng thanh lý ở 13 quốc gia cho những giao dịch bằng Nhân Dân tệ, và đã ký những cuộc trao đổi tiền tệ trị giá nhiều ngàn tỷ đôla. Hồi đầu tuần này, tổ chức giao dịch toàn cầu SWIFT loan báo Trung Quốc nay nằm trong số 5 chỉ tệ hàng đầu về chi trả trên thế giới.
SWIFT nói sự hiện diện trên trường quốc tế của chỉ tệ Trung Quốc đã gia tăng ở mức 3 con số, hơn 100% mỗi năm trong 2 năm vừa qua. đồng Nguyên hay Nhân Dân tệ đã qua mặt đồng đôla Úc và Canada trong năm ngoái. Trong lượng giao dịch quốc tế, chỉ tệ Trung Quốc chỉ đứng sau đồng đôla Mỹ, đồng euro, đồng bảng Anh và đồng yen của Nhật Bản.
Tiến bộ đó đã khiến một số người tin rằng Trung Quốc có thể đơn phương cố gắng trở thành một phần trong tài khoản tại gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế gọi là Quyền Rút tiền Đặc biệt SDR, được thành lập bởi những chỉ tệ quốc tế chủ chốt – hiện là đồng đôla Mỹ, đồng bảng Anh, đồng euro và đồng yen, nhưng thành phần của “giỏ” chỉ tệ đó sắp được duyệt lại vào cuối năm nay.
Đồng Nhân Dân tệ của Trung Quốc có nhiều tên gọi và tên tắt. Giới buôn bán dùng tên tắt CNY để gọi đồng Nguyên và RMB là tên tắt của đồng Nhân Dân tệ - là tên đồng Nguyên tiếng Quan Thoại.
Lần cuối đồng Nhân Dân tệ được cứu xét để thêm vào tài khoản dự trữ của IMF, lý do phản đối là chỉ tệ của Trung Quốc không chuyển đổi dễ dàng.
Ông John McCormick, chủ tịch ban quản trị của RSB Asia Pacific, mới đây viết trên tạp chí Euromoney rằng việc thừa nhận đồng Nhân Dân tệ trong tư cách là một chỉ tệ quốc tế dường như đang có thêm động lực.
Ông nói: “Dựa vào vị trí hiện nay của các nước G7, chúng tôi tin rằng có cơ may rất lớn là Trung Quốc có thể đưa hình thức ngoài nước của RMB, CNY vào cái giỏ của IMF – và đó là một sự thúc đẩy thực sự cho chỉ tệ này trên trường thế giới.”
Ông McCormick viết, “Nhưng Trung Quốc dường như đã đặt cái cày trước con trâu qua việc thành lập một thị trường ngoài nước để quảng bá cho việc sử dụng chỉ tệ trong giao thương quốc tế và đầu tư trước.” Ông nói thêm rằng giao dịch ngoài nước đã đi trước việc thành lập một thị trường trong nước.
Đồng RMB chưa có thể chuyển đổi đầy đủ, bởi vì chính phủ kiểm soát tỷ giá hối đoái, cho nên một số chuyên gia phân tích tin rằng nó sẽ không được đối xử một cách nghiêm túc như một chỉ tệ quốc tế trong tương lai rất gần. Bất chấp các nỗ lực của Trung Quốc định nâng cao giá trị của đồng Nhân Dân tệ, các nhà phân tích không tin rằng chính quyền ở Bắc Kinh có khả năng làm cho chỉ tệ này có thể được chuyển đổi đầy đủ trong nay mai.
Ông Michael Pettis, một giáo sư về tài chính tại trường Đại học Bắc Kinh và là một cộng tác viên tại Quỹ Carnegie, nói rằng khối lượng giao dịch trên thị trường chỉ tệ là một thước đo quan trọng về sức mạnh và sự phổ biến. Mặc dầu Trung Quốc là nước mua bán hàng lớn nhất thế giới, con số và tầm cỡ của các giao dịch bằng đồng Nhân Dân tệ trên thị trường ngoại hối rất nhỏ - thậm chí còn ít hơn các giao dịch bằng đồng peso của Mexico.
Ông Pettis nói: “Có sự tăng trưởng nhanh chóng trong việc dùng đồng RMB trong giao dịch hồi gần đây, nhưng phần lớn hoạt động bằng đồng RMB chỉ là bề mặt. Đây là những hoạt động giả dạng giao dịch.”
Theo một cách nào đó, Trung Quốc đã trả tiền để thành lập thị trường chỉ tệ mới của họ ở Thuỵ Sĩ bằng cách đồng ý với 1 cô ta đầu tư 8 tỷ đôla trong chương trình Cơ chế Đầu tư Nước ngoài Hợp pháp (AFII). Thoả thuận với Bern thực ra không phải là một bất ngờ, bởi vì Thuỵ Sĩ nằm trong số các cường quốc tài chính đầu tiên trên thế giới ký một thoả thuận mậu dịch tự do với Trung Quốc.
Trung Quốc đã kích hoạt tiến trình quốc tế hoá chỉ tệ của mình vào năm 2007, qua việc thành lập một thị trường chứng khoán “tỉm sắm” bằng đồng Nhân Dân tệ. Trung Quốc cũng đã khuyến khích các nước đang phát triển ở châu Phi – và một số nước láng giềng Á châu như Bangladesh, Pakistan và Myanmar – giải quyết việc chi trả hàng hoá bằng đồng RMB thay vì tập tục thông thường là dùng đồng đôla Mỹ làm chuẩn trong khi dành những khoản cho vay nhẹ lãi để hỗ trợ cho các vụ giao dịch như thế.
Các chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc có thể mất đi một khoản tiền qua những sắp xếp tín dụng mềm mỏng như thế, nhưng bù lại nhiều hơn qua việc kiếm được những hợp đồng quan trọng về hạ tầng cơ sở ở nước ngoài.