Đường dẫn truy cập

Châu Á 25 năm trong mắt một ký giả Mỹ


Thông tín viên Steve Herman đang quay phim từ trực thăng không quân Sri Lanka trên lãnh thổ của Những con hổ Tamil ngay trước khi tổ chức này thất bại trong cuộc nội chiến tháng 5 năm 2009.
Thông tín viên Steve Herman đang quay phim từ trực thăng không quân Sri Lanka trên lãnh thổ của Những con hổ Tamil ngay trước khi tổ chức này thất bại trong cuộc nội chiến tháng 5 năm 2009.

Steve Herman, Trưởng Văn phòng Đông Nam Á của Đài VOA, hôm 13 tháng 7 đã khép lại 25 năm tường trình tin tức từ Châu Á. Ông đang trên đường quay về Mỹ để đảm nhận nhiệm vụ mới trong vai trò Thông tín viên Ngoại giao Cao cấp thường trú tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Nhân dịp này, ông đã chia sẻ với VOA Tiếng Việt những quan sát và nhận xét của mình về khoảng thời gian ông tác nghiệp ở khu vực này.

Thông tín Steve Herman đã dành 25 năm trong sự nghiệp của mình tường trình tin tức từ khắp mọi miền Châu Á. Ông đã tận mắt chứng kiến sự chuyển hóa về mặt kinh tế, chính trị và xã hội biến khu vực này trở thành nơi phát triển năng động nhất thế giới, và giờ là trọng tâm của chính sách tái cân bằng chiến lược của chính quyền Tổng thống Obama.

Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, thông tín viên Herman cho biết khó có thể đưa ra nhận định mang tính khái quát về sự chuyển hóa của Châu Á bởi vì châu lục này quá rộng lớn và những xã hội ở đây quá đa dạng.

Nhưng ông nói một trong những biến đổi quan trọng nhất là sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu ở nhiều nước, chuyển tiếp từ những xã hội mà trong đó tầng lớp thượng lưu ít ỏi nhưng nắm nhiều quyền thế trong khi đa số người dân sống trong cảnh nghèo túng. Ông nói điều này đã thay đổi ở phần lớn Châu Á nhưng không phải ở tất cả mọi nơi ở Châu Á.

Thông tín viên Steve Herman cầm một con trăn Miến Điện trong buổi ghi hình trước khi thả về tự nhiên ở Petchaburi, Thái Lan, ngày 28 tháng 2 năm 2016.
Thông tín viên Steve Herman cầm một con trăn Miến Điện trong buổi ghi hình trước khi thả về tự nhiên ở Petchaburi, Thái Lan, ngày 28 tháng 2 năm 2016.

Về mặt chính trị, ký giả Herman nhận xét ở một số nước, xu hướng dân chủ hóa dường như đang đảo ngược:

“Có thể nói rằng điều mà chúng ta đang chứng kiến trong những năm gần đây ở một số nước, những nền dân chủ trên danh nghĩa, là những nhà lãnh đạo độc tài lên nắm quyền. Đa phần họ do dân bầu lên nhưng lại đưa đất nước mình theo đường hướng bảo thủ hơn rất nhiều. Trường hợp của Myanmar (Miến Điện) có thể xem là dân chủ nửa vời trong khi ở Thái Lan, nước đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính quân sự trong những thập niên vừa qua, đang ở trong gian đoạn mà dường như nền dân chủ phải mất một khoảng thời gian, có lẽ nhiều năm nữa, mới quay trở lại.”

Ông Herman cũng nói rằng ở những nước như Việt Nam và Lào có sự đình trệ trong khi ở những nước cộng sản khác đã có những sự chuyển biến.

Một sự thay đổi hết sức to lớn nữa về mặt xã hội, theo nhận định của ông Herman, là khả năng mà người dân ở nhiều nước tiếp cận được thông tin thông qua Internet và điện thoại di động.

Một nghiên cứu mới nhất của công ty theo dõi và nghiên cứu thị trường GfK cho biết truy cập Internet bằng điện thoại thông minh đã trở thành hoạt động hàng ngày của 83 phần trăm người dùng mạng khắp tám thị trường Châu Á trọng điểm, dẫn đầu là Trung Quốc và theo sau là Thái Lan, Indonesia, Singapore và Việt Nam.

Ông Herman nói thế hệ trẻ, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, giờ có nhận thức lớn hơn, am hiểu hơn, và nôn nóng hơn thế hệ cha mẹ của họ. Liệu họ có phải là nhân tố thúc đẩy sự tiến bộ ở Châu Á hay không? Ông Herman nói phải mất nhiều năm nữa thì thế hệ trẻ này mới có thể nắm giữ những vị trí lãnh đạo về chính trị bởi vì truyền thống kính trọng người lớn tuổi và bề trên ở nhiều nước Châu Á.

Trong bài tổng kết nhìn lại trải nghiệm của mình ở Châu Á, thông tín viên Steve Herman viết:

“Những mối tương tác xuề xòa từ eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) cho tới đảo Borneo (Malaysia) đã dạy tôi nhiều điều về Châu Á hơn bất kì hội nghị thượng đỉnh nào khác của những nhà lãnh đạo khu vực mỗi năm, vốn đầy sự phô trương và những lời hứa không giữ được".

“Xé một miếng bánh mì paraki naan với một trưởng làng người Afghanistan cho tôi sự hiểu biết về những căng thẳng địa chính trị nhất định còn nhiều hơn là những cuộc phỏng vấn với những bộ trưởng chính phủ phát biểu rập khuôn theo kịch bản soạn sẵn.”

Người dân, theo lời ông Herman, chính là đối tượng để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong ông qua mỗi một sự kiện mà ông đã tường trình, đặc biệt là xung đột và thiên tai.

“Và một điều tôi đã chứng kiến ở nhiều nước, dù đó là Philippines, Nepal hay một xã hội đã phát triển như Nhật Bản, nơi hứng chịu trận động đất mạnh 9 độ rồi sóng thần và vụ tan chảy hạt nhân, đó chính là sự kiên cường hết sức to lớn của người dân khi đối diện với nghịch cảnh. Họ thực sự đã có thể hồi phục, chung tay góp sức, không nhất thiết là đợi viện trợ của chính phủ đưa tới. Trong một số trường hợp họ thậm chí còn tỏ ra hài hước nữa. Đó không nhất thiết là phản ứng của người dân ở những xã hội được gọi là tiên tiến hay phát triển.”

Ông Herman cho biết đã đã vài lần đến Việt Nam bằng visa du lịch vì ông nói có được visa nhà báo do Việt Nam cấp là điều cực kỳ khó khăn. Nhưng ông cho biết ông có ấn tượng vô cùng sâu sắc về người dân Việt Nam và rất lạc quan về Việt Nam trong dài hạn, thậm chí nhiều hơn những nước khác.

Ông chia sẻ với VOA:

“Người dân ở đó thật sự rất chăm chỉ và muốn tiến thân. Họ sẵn lòng góp sức làm việc và có những tập hợp kĩ năng hiếm có mà tôi không nhìn thấy ở nhiều nước. Tôi có ấn tượng sâu sắc với nhiều người Việt Nam biết nói tiếng Anh, có bằng cao học và thực sực muốn làm điều gì đó với cuộc đời của mình, cho đất nước và cho xã hội của mình. Và đó là một lý do khiến tôi lạc quan.”

Thông tín viên Steve Herman giờ đã quay trở lại Mỹ để nhận nhiệm vụ mới, nhưng Châu Á đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Ông viết những dòng cuối cùng trong bút ký của mình:

“Quê hương của tôi, nơi tôi đang quay trở về, đã trở nên phong phú hơn trong một thế kỷ qua giữa luồng người nhập cư giờ được gọi chung là người Mỹ gốc Á. Lúc này tôi đang thực hiện sự nhập cư tương tự nhưng ngược chiều, tự xem mình là người Châu Á gốc Mỹ - một người mà sẽ mãi mãi cảm thấy mình gắn bó mật thiết với cả hai bờ Thái Bình Dương theo một cách không thể lý giải được.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG