Đường dẫn truy cập

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ rút lui sau những vụ đụng độ với người biểu tình


Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình chống chính phủ tại Quảng trường Taksim ở trung tâm Istanbul, 1/6/2013
Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình chống chính phủ tại Quảng trường Taksim ở trung tâm Istanbul, 1/6/2013
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu rút lui khỏi quảng trường nổi tiếng Taksim ở Istanbul, nơi cảnh sát và những người biểu tình đụng độ hôm thứ Bảy - ngày thứ hai của cuộc biểu tình phản đối dự án phát triển thương mại tại một công viên thành phố.

Các nhân chứng cho biết hàng ngàn người biểu tình tràn ngập địa điểm này sau khi cảnh sát gỡ bỏ những rào cản chung quanh công viên.

Việc cảnh sát rút lui diễn ra vào lúc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết quyết tâm tiến hành dự án tái phát triển Taksim và kêu gọi những người biểu tình chấm dứt phản đối. Ông cũng nói những cáo buộc về việc cảnh sát sử dụng quá đáng hơi cay sẽ được điều tra.

Hôm thứ Bảy, cảnh sát xung đột với hàng ngàn người biểu tình tại Istanbul, nơi một cuộc biểu tình ngồi lỳ chống lại dự án phát triển công viên bùng nổ thành những cuộc biểu tình chống chính phủ trên toàn quốc. Hàng chục người tại Istanbul bị thương trong những vụ đụng độ này.

Cảnh sát đã dùng lựu đạn cay và vòi rồng để tìm cách giải tán cuộc mít tinh ôn hòa hôm thứ 6 tại Quảng trường Taksim nổi tiếng của Istanbul, tâm điểm của những cuộc tụ họp chính trị và những cuộc biểu tình khác. Để bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình ở Istanbul, những cuộc biểu tình cũng bùng ra ở thủ đô Ankara và nhiều thành phố khác. Những người biểu tình xô xát với cảnh sát trong lúc hô khẩu hiệu chống chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan.

Các nhà phân tích nói rằng vụ rối loạn này nêu bật sự bất mãn đối với các chính sách của chính phủ do phe Hồi giáo kiểm soát. Một số người tố cáo chính phủ này mỗi ngày một độc tài hơn.

Tuy nhiên, bà Mine Eder, giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học Bogazici ở Istanbul, nói bà không cho rằng những người biểu tình thuộc thành phần thế tục. Bà nói với Đài VOA là phong trào này thu hút nhiều thành phần rộng rãi dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ:

“Tôi nghĩ đây là phong trào dân sự tự phát bắt đầu với quyền sở hữu cây cối và biến thành ‘Chúng tôi chán ngấy với chính phủ này, với lối cai trị và với việc chính phủ không muốn lắng nghe chúng tôi.’"

Giáo sư Eder nói nhiều người bất mãn với việc giảm sút rõ rệt tự do bày tỏ ý kiến tiếp theo một loạt những sự đàn áp thô bạo của cảnh sát đối với những người biểu tình, trong đó có việc tập họp nhân Ngày Lao động Quốc tế năm nay. Bà nói thêm là nhiều người khác cũng thất vọng vì tỉ lệ thất nghiệp cao.

Bà Eder cũng cho rằng việc chính phủ phản ứng một cách mạnh mẽ cho thấy chính phủ lo ngại là những cuộc biểu tình có thể không kiểm soát được và có tiềm năng thách thức sự cai trị của chính phủ.

Các tổ chức nhân quyền đã bày tỏ quan ngại về việc nhà cầm quyền sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình. Hôm thứ Sáu, Ân xá Quốc tế nói nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ nên “ngưng việc sử dụng vũ lực quá đáng chống lại những cuộc biểu tình ôn hòa” và kêu gọi mở cuộc điều tra. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Washington tin là sự ổn định, an ninh và thịnh vượng lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ được bảo đảm tốt nhất bằng cách duy trì quyền căn bản của người dân là tự do bày tỏ ý kiến và tự do hội họp.

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Muammer Guler hôm thứ Sáu tuyên bố là chính phủ sẽ cứu xét những khiếu nại cho rằng cảnh sát đã sử dụng vũ lực không thích hợp.

Lúc đầu, những người biểu tình bất mãn vì dự án phát triển tại công viên Gezi, gần quảng trường Taksim, mà họ nói là một trong những vùng cây xanh hiếm hoi còn sót lại ở thành phố này. Theo kế hoạch, công viên này sẽ bị phá đi để xây một trung tâm mua sắm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG