Đường dẫn truy cập

Căng thẳng vẫn cao ở biên giới Hy Lạp-Macedonia sau vụ đụng độ


Những người nhập cư trưng ra các hộp khí hơi cay được sử dụng bởi cảnh sát Macedonia trong cuộc bạo loạn ở hàng rào biên giới Hy Lạp, phía bắc Idomeni, thứ Hai ngày 11 tháng 4 năm 2016.
Những người nhập cư trưng ra các hộp khí hơi cay được sử dụng bởi cảnh sát Macedonia trong cuộc bạo loạn ở hàng rào biên giới Hy Lạp, phía bắc Idomeni, thứ Hai ngày 11 tháng 4 năm 2016.

Căng thẳng vẫn ở mức cao tại cửa khẩu biên giới Idomeni một ngày sau khi cảnh sát Macedonia xịt hơi cay và bắn đạn cao su vào hàng trăm di dân trong khi họ tìm cách vượt qua hàng rào biên giới bên phía Hy Lạp.

Hàng chục di dân hôm thứ Hai tiếp tục tụ tập tại hàng rào phía Hy Lạp, nhưng không có vụ đụng độ nào được báo cáo.

Những tổ chức từ thiện trợ giúp y tế cho biết gần 300 người đã được điều trị chấn thương sau vụ đụng độ hôm Chủ nhật, phần lớn là những vấn đề về hô hấp do hơi cay, và những người khác do thương tích từ đạn cao su.

Giới chức Macedonia nói 23 thành viên của lực lượng an ninh bị thương, nhiều thương tích là do người biểu tình ném đá.

Adrian Edwards, một phát ngôn viên của cơ quan người tị nạn Liên Hiệp Quốc, nói rằng những sự kiện gần đây tại trại Idomeni và biên giới là "mối lo lớn" đối với cơ quan.

"UNHCR sẵn sàng hỗ trợ việc chuyển người một cách tự nguyện đến những địa điểm để được chính phủ Hy Lạp sắp xếp ổn thỏa, bao gồm những dịch vụ cần thiết trong khi việc đăng ký và làm thủ tục đang diễn ra."

Căng thẳng đã tăng cao ở trại Idomeni sau khi tin đồn lan truyền rằng Macedonia sẽ mở cửa biên giới của mình.

Hơn 10.000 di dân và người tị nạn đã bị mắc kẹt tại cửa khẩu biên giới Idomeni ở miền bắc Hy Lạp, kể từ giữa tháng 2, sau khi quốc gia Balkan này chặn không cho vượt qua biên giới.

Macedonia và những nước Balkan khác ở phía bắc đã đóng cửa biên giới của mình, ở nơi từng là tuyến đường di cư đông đúc nhất tới Trung Âu. Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ chỉ nhận những người tị nạn chiến tranh từ Syria và Iraq cũng như những người từ những nước khác hội đủ điều kiện xin bảo hộ tị nạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG