Đường dẫn truy cập

Nhóm ISIL tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo tại Iraq, Syria


Thành viên của nhóm chủ chiến ISIL phất cờ tại Raqqa, Syria, ngày 29/6/2014.
Thành viên của nhóm chủ chiến ISIL phất cờ tại Raqqa, Syria, ngày 29/6/2014.

Vào lúc lực lượng chính phủ chống trả các phần tử chủ chiến Sunni ở phía bắc Baghdad, tổ chức Thánh chiến Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant chính thức tuyên bố thành lập một chế độ Hồi giáo, tại các phần đất mà tổ chức này kiểm soát ở Iraq và Syria.

Đó là một tuyên cáo mang tính cách tượng trưng và một tuyên cáo mà nhiều người ủng hộ một trật tự thế giới Hồi giáo được chờ đợi từ lâu. Người phát ngôn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant đã thêm mắm muối cho bản tuyên cáo bằng những vần thơ trích từ kinh Koran và nhấn mạnh rằng chế độ hồi giáo sẽ là một vinh quang cho nhà nước Hồi giáo.

Ông Abu Mohammed al Adnani nhấn mạnh rằng các đường biên giới lịch sử của khu vực, kể cả của Syria và Iraq, nay đã sụp đổ và tuyên bố rằng thủ lãnh của tổ chức, ông Abu Bakr al Baghdadi sẽ là quốc trưởng của nhà nước tự phong này. Ông cảnh báo những người Hồi giáo trong khu vực hãy ủng hộ ông.

Ông Baghdadi tiếp quản quyền bính của nhóm Hồi giáo chủ chiến này vào năm 2006, sau khi lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo hạ sát người tiền nhiệm của ông ta là Abu Musab al Zarqawi. Tin ghi ông ta đã bị quân đội Hoa Kỳ câu lưu một thời gian trước khi được phóng thích.

Tuyên cáo của nhóm chủ chiến Hồi giáo đã gây phẫn nộ và chế giễu từ phía các nhà lãnh đạo chính trị đối nghịch Shia, mà ISIL đã thề quyết tiêu diệt.

Các phần tử chủ chiến Sunni ủng hộ Nhà nước Hồi giáo ca ngợi quyết định vừa kể bằng những bài quảng bá hào nhoáng trên các trang mạng xã hội.

Trong một bằng video nghiệp dự, một phần tử chủ chiến ISIL đứng ở biên giới giữa Iraq và Syria tuyên bố sự khai sinh của nhà nước Hồi giáo mới có nghĩa là sự cáo chung của các đường biên giới thuộc địa cũ. Ông ta chỉ ra một cột biên giới nay trống không, và lý luận rằng nay nó là một tàn dư của lịch sử.

Nhà phân tích địa chính trị Riad Kahwaji, đứng đầu Viện Phân tích Quân sự Cận đông và vùng Vịnh, nói với đài VOA rằng một qốc gia tự phong sẽ có rất ít biểu tượng của chủ quyền nếu như không có nước láng giềng nào hay cường quốc nào thừa nhận.

Ông Kahwaji giải thích: “Một tác nhân phi quốc gia không thể tự tuyên bố là một quốc gia. Phải có sự thừa nhận của Liên Hiệp Quốc, của cộng đồng quốc tế đối với các đường biên giới này để quốc đó có thể sống còn như một quốc gia và được đối xử đúng cách. Trừ phi có một hội nghị được triệu tập bởi các siêu cường để bàn về việc vạch lại các đường biên giới, chúng ta không thể trông đợi sự khai sinh của một thực thể mới.”

Ông Kahwaji nói sự sắp xếp biên giới hiện thời, thường được gọi là hiệp định Sykes-Picot, đã được vạch ra trong Thế chiến thứ nhất bởi các siêu cường lúc đó là Pháp và Anh. Ông cũng nhấn mạnh đến các nguồn lực năng lượng quan trọng và các đường ống dẫn dầu và khí đốt nồi liền các khu vực tự trị và các quốc gia sẽ đóng một vai trò quan trọng trong bất cứ thay đổi nào về biên giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG