Đường dẫn truy cập

Các nước ủng hộ phe đối lập Syria họp ở Maroc


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (giữa) chủ trì cuộc họp của nhóm Bạn bè của Syria ở New York hôm 28 tháng 9, 2012
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (giữa) chủ trì cuộc họp của nhóm Bạn bè của Syria ở New York hôm 28 tháng 9, 2012
Các đại diện cấp cao của các quốc gia trong nhóm Bạn bè Syria sẽ họp vào ngày thứ tư ở Maroc lần đầu tiên kể từ khi thành lập một liên minh đối lập mới ở Syria.

Hơn 100 phái đoàn dự kiến sẽ tham dự hội nghị tại Marrakesh với mục tiêu đồng ý về một sách lược cho một cuộc chuyển tiếp chính trị nếu chính phủ ở Damascus sụp đổ.

Các chuyên gia phân tích trông đợi Hoa Kỳ và các nước khác sẽ thừa nhận liên minh đối lập vừa được thành lập.

Ông Andrew Tabler, một chuyên gia kỳ cựu tại Viện Chính sách Cận Ðông ở Washington, nói cuộc họp sẽ gây phấn khích cho phe đối lập.

Ông nói: “Và đó sẽ là một mũi chích chính trị quan trọng vào cánh tay của phe đối lập, mà ngay lúc này đang tìm cách tổ chức một cách tốt đẹp hơn và tìm cách phối hợp tốt hơn với các đơn vị vũ trang bên trong Syria đang chiến đấu chống lại chế độ Assad.”

Phe nổi dậy tiến công

Sau 21 tháng xung đột, gây thiệt mạng cho hơn 40.000 người, phe nổi dậy Syria dường như đang ghi đưọc các thắng lợi đáng kể chống lại quân đội của Tổng thống Bashar al Assad.

Các quốc gia hậu thuẫn cho việc lật đổ ông Assad nay đang chạy đua để ngăn các diễn biến quân sự lấn lướt các nỗ lực kiến tạo một cuộc chuyển tiếp chính trị.

Chuyên gia phân tích Tabler nói chưa rõ ai sẽ lên nắm quyền nếu ông Assad bị lật đổ.

Ông nói: “Theo ý tôi, trong bối cảnh tiến độ các diễn biến, có phần chắc những người đang quyết định việc chống lại ông Assad sẽ là những người quyết định vận mạng một khi ông ta không còn nữa.”

Ông nêu câu hỏi: “Liệu họ có hợp tác hay nhượng lại quyền hành cho giới dân sự hiện đang hoạt động ở nước ngoài và sẽ họp tại Marrakesh hay liệu họ sẽ tiếp tục chiến đấu tại chỗ? Liệu các nhóm có chiến đấu chống lại nhau và liệu Syria có chìm vào tình trạng lãnh chúa chủ nghĩa hay không? Chúng ta không thể biết được.”

Lo ngại về các chiến binh Hồi giáo

Ngày càng có nhiều quan ngại rằng các phần tử quá khích Hồi giáo đang trở thành một lực lượng đáng kể giữa các nhóm đối lập bên trong Syria.

Một ngày trước hội nghị ở Maroc, Hoa Kỳ đã chỉ định Jabhat al-Nusra của Syria là một tổ chức khủng bố, viện ra các liên hệ chặt chẽ của nhóm này với al-Qaida ở Iraq.

Quyết định này là một nỗ lực làm mòn ảnh hưởng của phe chủ trương thánh chiến trong khi các nước Tây phương tăng cường hợp tác với phe đối lập ở Syria.

Thứ trưởng Ngoại giao Maroc Youssef Amrani nói với chương trình Press Conference USA của đài VOA rằng bạo lực càng kéo dài ở Syria thì các phần tử cực đoan Hồi giáo càng có lợi.

Ông Amrani nói: “Chúng ta phải chống lại mọi loại chủ thuyết khích lệ sự thù ghét, loại trừ lẫn nhau, bởi vì đạo Hồi không phải là một tôn giáo chủ trương loại trừ. Ðạo Hồi tương hợp với dân chủ. Ðiều chúng ta cần phải chống lại là các tổ chức cực đoan đưa ra một hình ảnh xấu xa về đạo Hồi, không tương hợp với các giá trị của chúng ta ngày nay.”

Chuyên gia phân tích Tabler nói các tổ chức thánh chiến như thế chiến đấu cạnh các đơn vị của Ðạo quân Syria Tự do, nhất là khi họ tìm cách tấn công các cơ sở quân sự của chính phủ.

Ông Tabler nói: “Và đó là nguyên do thực sự gây lo ngại, nhất là nếu ta tấn công một thứ như một căn cứ vũ khí hoá học hay một thứ có những hậu quả rộng lớn hơn là nhà hát Syria.”

Các quốc gia tại cuộc họp của nhóm Bạn bè Syria cũng dự trù thảo luận các ảnh hưởng về an ninh của vụ xung đột và các nỗ lực huy động viện trợ cho người tỵ nạn bị kẹt trong vụ khủng hoảng nhân đạo này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG