Đường dẫn truy cập

Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam đạt thoả thuận về các hành vi tiền tệ của Hà Nội


Một nhân viên Ngân hàng Vietinbank đếm tiền USD tại một quầy trao đổi ngoại tệ ở Hà Nội. Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam vừa đạt được một thoả thuận để giải quyết quan ngại của Hoa Kỳ về hành vi tiền tệ của Việt Nam.
Một nhân viên Ngân hàng Vietinbank đếm tiền USD tại một quầy trao đổi ngoại tệ ở Hà Nội. Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam vừa đạt được một thoả thuận để giải quyết quan ngại của Hoa Kỳ về hành vi tiền tệ của Việt Nam.

Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam hôm 19/7 đạt được một thoả thuận để giải quyết những lo ngại của Washington về các hành vi tiền tệ của Hà Nội, giữa lúc có những thông tin về việc Chính quyền Biden xem xét đánh thuế lên hàng hoá từ quốc gia Đông Nam Á vì những tranh chấp thương mại.

Một thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra hôm 19/7 cho biết người đứng đầu Bộ này, bà Janet Yellen, đã gặp mặt trực tuyến với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trong ngày và đi đến một thoả thuận kể trên sau một cuộc thảo luận “mang tính xây dựng” giữa hai bên.

Bộ Tài chính, dưới thời Chính quyền Trump, hồi năm ngoái đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, một “nhãn mác” mà Chính quyền Biden hồi tháng 4 năm nay đã tháo bỏ khi cho rằng không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ mặc dù đã “vượt ngưỡng” được coi là có thể định giá thấp tiền đồng. Bộ này lúc đó cho biết rằng cần tăng cường phân tích thêm về vấn đề này trong các cuộc hội đàm song phương tiếp theo với Việt Nam.

Trong tuyên bố chung đưa ra hôm 19/7, Bộ trưởng Yellen và Thống đốc Hồng nói rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái khẳng định trọng tâm của khuôn khổ chính sách tiền tệ của Hà Nội là “thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.”

Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam trong những tháng gần đây đã có “những cuộc thảo luận mang tính xây dựng thông qua quá trình tăng cường cam kết,” hai nữ lãnh đạo cho biết trong tuyên bố chung, và nói rằng họ đã “đạt được thoả thuận để giải quyết những lo ngại của Bộ Tài chính Mỹ về các hành vi tiền tệ của Việt Nam như được mô tả trong Báo cáo của Bộ Tài chính trước Quốc hội (Mỹ) về Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các Đối tác Thương mại lớn của Hoa Kỳ.”

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ ban hành hồi tháng 12/2020, dưới thời Tổng thống Trump, lần đầu tiên đưa Việt Nam, cùng với Thuỵ Sỹ, vào danh sách "các nước thao túng tiền tệ.”

Trong tuyên bố chung với Bộ Tài chính Mỹ hôm 19/7, NHNN Việt Nam cam kết tuân theo các điều khoản của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc tránh thao túng tỷ giá hối đoái của mình nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán một cách có hiệu quả hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng cũng như sẽ không để xảy ra bất kỳ sự phá giá cạnh tranh nào của tiền đồng Việt Nam. Theo tuyên bố này, NHNN cũng đang nỗ lực không ngừng để tiếp tục hiện đại hoá và minh bạch hơn trong chính sách tiền tệ và khuôn khổ tỷ giá hối đoái của mình.

NHNN Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cần thiết để Bộ Tài chính Mỹ tiến hành phân tích kỹ lưỡng và báo cáo về hoạt động của NHNN trên thị trường ngoại hối trong Báo cáo định kỳ 6 tháng của Bộ này trước Quốc hội, theo tuyên bố chung.

Cuộc gặp mặt giữa người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam diễn ra giữa lúc có những lo ngại về việc Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) có thể sắp ban hành một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam mà Chính quyền Biden sẽ đề xuất để đánh thuế theo Mục 301 theo sau các cuộc điều tra của Chính quyền Trump về hành vi “thao túng tiền tệ” và sử dụng “gỗ lậu” của Hà Nội. Chính quyền Biden có thời hạn cho đến tháng 10 để quyết định xem có áp thuế hay không, thời điểm đánh dấu 1 năm kể từ khi USTR khởi xướng các cuộc điều tra theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 10 năm ngoái.

“Tôi hoanh nghênh cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tiền tệ và sự hiểu biết lẫn nhau mà chúng ta đã đạt được,” Bộ trưởng Yellen nói trong tuyên bố chung. “Tôi tin rằng sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với những vấn đề này theo thời gian không chỉ sẽ giải quyết các mối quan tâm của Bộ Tài chính mà còn hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của thị trường tài chính Việt Nam và nâng cao khả năng phục hồi tài chính cũng như kinh tế vĩ mô của họ.”

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm bảo đảm sự vận hành tốt của thị trường tiền tệ và ngoại hối, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế,” Thống đốc Hồng nói trong tuyên bố chung.

Hoan nghênh tuyên bố chung của Bộ trưởng Yellen và Thống đốc Hồng về các hành vi tiền tệ của Việt Nam, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cùng ngày 19/7 nói rằng “các quốc gia không thể thao túng tỷ giá hối đoái của mình để giành được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.” Bà Tai, người được Tổng thống Biden bổ nhiệm dẫn đầu USTR hồi đầu năm nay, khen ngợi Việt Nam vì đã cam kết trong việc “giải quyết các mối quan ngại” của Hoa Kỳ.

“Việt Nam có thể trở thành một ví dụ quan trọng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng việc cho phép các tỷ giá hối đoái của mình được lưu thông phù hợp với các nguyên tắc kinh tế cơ bản,” bà Tai nói trong một thông cáo được USTR đưa ra hôm 19/7.

USTR sẽ phối hợp với Bộ Tài chính Mỹ trong việc giám sát việc Việt Nam thực hiện các cam kết, cũng như làm việc với Việt nam để đảm bảo rằng quốc gia Đông Nam Á giải quyết các hành vi và chính sách liên quan đến việc định giá tiền tệ mà cuộc điều tra theo Mục 301 của cơ quan này hồi tháng 1 năm nay kết luận là “không hợp lý” và “hạn chế thương mại của Mỹ.”

Bộ trưởng Yellen và Thống đốc Hồng cam kết duy trì sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn giải quyết những thách thức chung khác, như hỗ trợ phục hồi từ đại dịch COVID-19.

(Có phần cập nhật phát biểu của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai về thoả thuận vừa đạt được)

VOA Express

XS
SM
MD
LG