Đường dẫn truy cập

Biểu tình lẻ tẻ tiếp diễn ở Myanmar sau khi hàng trăm người thoát khỏi vòng vây an ninh


Biểu tình chống đảo chính tiếp tục diễn ra ở Yangon, Myanmar, vào ngày 9/3/2021.
Biểu tình chống đảo chính tiếp tục diễn ra ở Yangon, Myanmar, vào ngày 9/3/2021.

Lực lượng an ninh Myanmar đã nhanh chóng dẹp tan các cuộc biểu tình lẻ tẻ chống chính quyền vào ngày 9/3 sau khi hàng trăm nhà hoạt động trẻ tuổi bị mắc kẹt đêm hôm trước tại một quận của thành phố lớn nhất Yangon vượt được ra ngoài, theo Reuters.

Các cường quốc phương Tây và Liên Hiệp Quốc kêu gọi nhà cầm quyền quân sự Myanmar cho phép những người trẻ rời đi vì có những lo ngại về an toàn của họ khi quân đội chuyển đến.

Việc quân đội tiếp quản chính quyền và bắt giữ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2 đã khiến quốc gia Đông Nam Á gần như đi vào bế tắc. Các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đất nước mỗi ngày, và lực lượng an ninh đang đàn áp ngày càng gay gắt.

Hơn 60 người biểu tình đã bị giết và hơn 1.800 người bị giam giữ, Reuters dẫn nguồn tin từ một nhóm vận động cho biết.

Các cuộc biểu tình rải rác đã được tổ chức ở Yangon và các thị trấn khác trên khắp Myanmar vào ngày 9/3 nhưng nhanh chóng bị ực lượng an ninh sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng phá vỡ. Truyền thông địa phương cho biết có ít nhất hai người bị thương, một người do trúng đạn, ở thị trấn Mohnyin ở miền bắc nước này.

Hàng nghìn người bất chấp lệnh giới nghiêm ban đêm hôm 8/3 để xuống đường ủng hộ các thanh niên ở quận Sanchaung, nơi họ tổ chức biểu tình hàng ngày để phản đối cuộc đảo chính.

Cảnh sát đã bắn súng và sử dụng lựu đạn gây choáng hôm 8/3 thông báo rằng họ sẽ kiểm tra từng nhà để lùng sục bất kỳ người nào đến từ bên ngoài quận, và sẽ trừng phạt bất cứ ai bị bắt quả tang giấu họ.

Nhà hoạt động thanh niên Shar Ya Mone cho biết cô đã ở trong một tòa nhà với khoảng 15 đến 20 người khác, nhưng giờ đã có thể về nhà.

“Đã có nhiều chuyến xe miễn phí và mọi người chào đón những người biểu tình”, Reuters dẫn lời Shar Ya Mone nói qua điện thoại.

Cô cho biết sẽ tiếp tục biểu tình “cho đến khi chế độ độc tài chấm dứt”.

Một người biểu tình khác đăng trên mạng xã hội rằng họ đã có thể rời khỏi khu vực vào khoảng 5 giờ sáng, sau khi lực lượng an ninh kéo ra ngoài.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chính quyền Myanmar “kiềm chế tối đa” và thả tất cả những người biểu tình một cách an toàn mà không có bạo lực hoặc bắt giữ. Lời kêu gọi này được đại sứ quán Mỹ và Anh tại Myanmar hưởng ứng.

Một nhóm bảo vệ nhân quyền cho biết khoảng 50 người đã bị bắt ở Sanchaung sau khi cảnh sát khám xét các ngôi nhàvà các cuộc kiểm tra vẫn đang được thực hiện.

Một phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời các cuộc gọi yêu cầu bình luận của Reuters.

Trước đó, đài truyền hình nhà nước MRTV nói: “Sự kiên nhẫn của chính phủ đã hết và trong khi cố gắng giảm thiểu thương vong trong việc ngăn chặn bạo loạn, hầu hết mọi người đều tìm kiếm sự ổn định hoàn toàn (và) kêu gọi các biện pháp hiệu quả hơn chống lại bạo loạn”.

Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích chính quyền quân sự sau một thông báo hôm 8/3 rằng có 5 công ty truyền thông độc lập đã bị tước giấy phép, bao gồm Mizzima, Myanmar Now, 7-Day, DVB và Khit Thit Media, vì đã tích cực đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính.

Anh, Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế đối với quân đội. Liên minh châu Âu cũng đang chuẩn bị mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp do quân đội điều hành.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG