Đường dẫn truy cập

Người Anh hồi hộp hóng bầu cử Mỹ ra sao?


Xem một lúc 4 kênh truyền thông. Hình chụp ngày 4 tháng 11.
Xem một lúc 4 kênh truyền thông. Hình chụp ngày 4 tháng 11.

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này được cả chính giới và người dân Anh dõi theo với sự hồi hộp khác thường. Anh sẽ sớm chính thức chấm dứt buôn bán với Liên hiệp châu Âu EU theo thể thức cũ và họ cần một hiệp định thương mại béo bở với Hoa Kỳ nếu có thể được. Một số chính trị gia Anh có thể cho rằng ông Donald Trump sẽ giúp họ có được hiệp định dễ dàng hơn. Nhưng ngay sau đêm bầu cử, không chính trị gia nào bày tỏ quan điểm về chuyện họ ủng hộ ứng viên nào. Họ sợ hố vì chưa ai, dù là ông Trump hay ông Joe Biden, đạt sự ủng hộ áp đảo trong những tiếng kiểm phiếu đầu tiên.

Về phía người dân Anh, nhiều người từng xuống đường phản đối Tổng thống Trump khi ông tới thăm Anh. Nhưng cũng không loại trừ ở Anh cũng có đa số thầm lặng ủng hộ vị tổng thống như tại Hoa Kỳ. Dù sao người góp phần khiến Anh rời EU, ông Nigel Farage, đã xuất hiện trên sân khấu cùng ông Trump trong những ngày vận động cuối cùng và ca ngợi ông Trump hết lời.

Ông Farage nói ông Trump là “người có sức chịu đựng và dũng cảm nhất”. Nhưng khi được BBC phỏng vấn sau đêm bầu cử, chính ông Farage cũng không thể bảo vệ chuyện Tổng thống Trump muốn ngưng kiểm phiếu được bỏ hợp pháp chỉ vì sợ đối thủ Biden sẽ đảo ngược tình hình. Ông Farage cũng chịu không đưa ra được bằng chứng nào ủng hộ tuyên bố của ông Trump về chuyện có gian lận bầu cử mà vị tổng thống đưa ra chỉ vài tiếng sau khi các phòng phiếu đóng cửa.

Đêm dài không kết quả

Các đài truyền hình chính ở Anh đều có chương trình đặc biệt về bầu cử kéo dài suốt đêm giờ Anh để người dân có thể theo dõi diễn biến bầu cử ở Hoa Kỳ. Tôi dùng một trang web cho phép chia màn hình máy tính ra làm bốn để có thể xem được bốn kênh TV cùng lúc.

Tôi chọn các kênh khác nhau để xem trong đó có ABC, NBC, CNN của Hoa Kỳ và BBC cùng Sky News của Anh. Tôi cũng thử xem Fox News nhưng vì lý do nào đó chỉ có các đồ hoạ mà không có bình luận nên chuyển sang kênh khác. Tôi vừa xem vừa thảo luận với một nhóm bạn ở Anh và Mỹ quan tâm tới bầu cử qua WhatsApp. Trong những tiếng đầu tiên, triển vọng cho ông Biden có vẻ sáng sủa. Nhưng cánh cửa cứ hẹp dần và tôi chỉ xem được tới 3h sáng rồi đóng máy tính chờ sáng ra xem kết quả.

Thực tế tới chiều muộn hôm sau cũng không thấy có tín hiệu nào cho thấy một trong hai ứng viên sẽ sớm hạ gục đối thủ. Chiều tối tôi chờ dõi thảo luận hậu bầu cử của trang báo Tortoise, tức Con Rùa, do cựu Tổng giám đốc Tin tức của BBC James Harding đồng sáng lập. Con Rùa chủ trương làm báo chậm nhưng mà thật sâu và thật hay. Họ cũng có những buổi gặp gỡ người đọc hàng tuần để nhận ý kiến về các đề tài cần theo dõi. Nhưng chưa tham gia tôi đã biết khó có gì nhiều để thảo luận vì cả đương kim tổng thống lẫn cựu phó tổng thống, cả hai đều đã quá tuổi 70 lâu lâu, đều vẫn còn cơ hội chiến thắng.

Đương kim tổng thống thắng các nhà dự báo

Rõ ràng ông Donald Trump đã có kết quả tốt hơn dự báo dù ông có thắng hay không. Các thăm dò ý kiến cho thấy ông Biden sẽ thắng dễ dàng và thắng đậm ở nhiều nơi nhưng thực tế lại không như vậy.

Đảng Dân chủ đã đưa ra một ứng viên không đủ sức hấp dẫn để thắng sớm và áp đảo. Họ chọn ông Biden vì ông là ứng viên trung dung để ông Trump khó có thể dùng chiến tranh ý thức hệ một cách hiệu quả bằng cách nói với cử tri rằng Đảng Dân chủ có xu hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng ít ra đối với cộng đồng người gốc Việt và người gốc Cuba ở Hoa Kỳ, đòn tấn công này của ông Trump có vẻ vẫn hiệu quả bên cạnh những yếu tố khác. Nếu ông Biden lại đi theo vết xe đổ của bà Hillary Clinton, Đảng Dân chủ đã lại chọn một ứng viên mà các đại cử tri từ chối ủng hộ.

Về phía Tổng thống Trump, ông chủ Toà Bạch Ốc cũng đã không thể có chiến thắng “lớn” như ông tự nhận. Ông đã không thể thắng sớm, nếu quả thực ông sẽ thắng, cũng như không có cơ hội thắng lớn. Tỷ số 224-213 phiếu đại cử tri nghiêng về phía ông Biden trong rất nhiều tiếng trong khi thế giới chờ đợi một trong hai người đạt số phiếu 270 cần thiết để chiến thắng giữa lúc vài bang còn lại vẫn chưa thông báo kết quả kiểm phiếu.

Nhìn từ Anh qua lăng kính của một người Việt Nam, bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thật hấp dẫn. Covid19 làm cho mọi thứ đảo lộn và cũng làm cho việc kiểm phiếu chậm hơn do lượng phiếu bầu gửi qua bưu điện khá lớn. Người ta còn đang sợ hàng trăm ngàn phiếu có thể sẽ không được kiểm vì ngành bưu điện không chuyển các phiếu bầu này đúng thời hạn. Ngay cả nền dân chủ số một thế giới cũng có những vấn đề của riêng nó về tổ chức bầu cử bên cạnh hàng loạt các vấn đề khác trong đó có căng thẳng trong quan hệ chủng tộc, số người tử vong cao vì súng mỗi năm và vai trò lãnh đạo thế giới đang lung lay của quốc gia giàu nhất thế giới.

(Bài viết lúc 12 giờ trưa ngày 4 tháng 11, và kết quả đến thời điểm hiện tại đã có một số thay đổi.)

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG