Đường dẫn truy cập

Bangladesh phải cho người sắc tộc Rohinga tạm trú


Người Hồi Giáo Rohingya trên 1 chiếc thuyền vượt qua sông Naf, từ Miến Điện đến Taknaf, Bangladesh, 13/6/2012
Người Hồi Giáo Rohingya trên 1 chiếc thuyền vượt qua sông Naf, từ Miến Điện đến Taknaf, Bangladesh, 13/6/2012
Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR kêu gọi Bangladesh mở cửa biên giới để dân tị nạn Rohingya chạy lánh vụ xung đột sắc tộc tại Miến Điện. Cơ quan này có tin tức đáng tin cậy là lực lượng an ninh Bangladesh đuổi các thuyền của dân tị nạn trở lui khi họ tới Bangladesh.

Phát ngôn nhân UNHCR Andrej Mahecic, nói họ hết sức quan tâm là những người chạy lánh bạo động tại bang Rakhine của Miến Điện không thể được tị nạn tại lân quốc Bangladesh. Ông nói tình cảnh tuyệt vọng của người sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya càng trở nên tệ hại vì họ không thể tìm được nơi nương náu an toàn để lánh nạn:

“Chúng tôi có tin tức tại chỗ về việc lực lượng an ninh Bangladesh đuổi những người tới bằng thuyền. Giờ đây có một số tầu thuyền trôi giạt ở cửa Sông Naf. Chúng tôi đã nói chuyện với giới hữu trách Bangladesh và hy vọng Bangladesh sẽ hành động phù hợp với truyền thống hiếu khách lâu đời của họ với Miến Điện, và cho phép người tỵ nạn có được nơi nương náu an toàn và giúp đỡ họ.”

Những người trên các tầu thuyền này hết sức cần nước uống, thức ăn, và chăm sóc sức khỏe. Tin cho hay, lực lượng an ninh Bangladesh đã đuổi nhiều thuyền chở hằng trăm người định cặp vào Bangladesh.

Chính phủ Bangladesh đã tăng cường an ninh dọc theo 200 kilomet biên giới với Miến Điện để chặn làn sóng người tị nạn Rohingya. Từ nhiều năm nay, Bangladesh đã phải chịu gánh nặng từ những người Rohingya buộc phải dời cư do những xáo trộn trước đây tại Miến Điện.

Tổng cộng có 300.000 người Rohingya sống ở Bangladesh. Khoảng một phần mười những người này tạm trú tại hai trại chính thức ở quận Bazaar, thuộc tỉnh Cox ở phía nam Bangladesh.

Các vụ xung đột gây chết chóc giữa người sắc tộc Rohingya Hồi Giáo và sắc tộc Rakhine Phật Giáo đã nổ ra tại bang Rakhine của Miến Điện một tuần lễ trước đây. Theo ước tính có khoảng 30 người thiệt mạng trong các vụ bạo động này.

Ông Mahecic của UNHCR nói rằng, một toán nhân viên Liên Hiệp Quốc đã đi tới vùng bị ảnh hưởng trong tuần này để thẩm định tình hình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG