Đường dẫn truy cập

Bà Aung San Suu Kyi sắp đi thăm Ấn Ðộ


Lãnh tụ đối lập Miến Ðiện Aung San Suu Kyi
Lãnh tụ đối lập Miến Ðiện Aung San Suu Kyi
Lãnh tụ đối lập Miến Ðiện Aung San Suu Kyi ngày mai đến Ấn Ðộ, một nước đã gây thất vọng cho giới tranh đấu đòi dân chủ Miến Ðiện qua việc xây dựng quan hệ chặt chẽ với các nhà cai trị quân đội Miến Ðiện. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Pasricha từ New Delhi, chuyến thăm sẽ giúp Ấn Ðộ chống lại những lời chỉ trích rằng họ đã từ bỏ cam kết trở lại thể chế dân chủ ở Miến Ðiện.

Nhà vận động đòi dân chủ Aung San Suu Kyi không phải là người xa lạ đối với Ấn Ðộ. Bà đã đi học đại học tại New Delhi trong thời gian thân mẫu của bà làm đại sứ tại Ấn Ðộ cách đây khoảng 50 năm. Bà đã mô tả các nhà lãnh đạo độc lập Ấn Ðộ như Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru là những người có ảnh hưởng lớn đối với bà.

New Delhi đã cùng với thế giới kêu gọi phóng thích bà Aung San Suu Kyi trong những năm đầu bà bị giới cai trị quân nhân Miến Ðiện quản chế. Nhưng Ấn Ðộ đã thay đổi chính sách đáng kể đối với nước láng giềng này vào giữa thập niên 1990 và bắt đầu giao tiếp với các nhà cai trị quân đội Miến Ðiện.

Và khi Ấn Ðộ thôi không lên án hành động vi phạm nhân quyền tại Miến Ðiện, thì giới hoạt đông đòi dân chủ Miến Ðiện đã không còn coi New Delhi như một lực lượng thay đổi dân chủ ở nước họ nữa.

Bà Alana Golmei là phối hợp viên tại Trung tâm Miến Ðiện ở Delhi.

Bà Golmei nói: “Trước đây, giới hoạt động đòi dân chủ rất lấy làm thất vọng. Tôi thực sự trông đợi rằng Ấn Ðộ có thể làm nhiều hơn, và phải làm nhiều hơn. Có nhiều câu hỏi…sự kiện này sẽ đưa đến đâu. Liệu Ấn Ðộ có đủ thành thực hay không.”

Việc Ấn Ðộ lấy lòng các nhà lãnh đạo quân đội Miến Ðiện bị ảnh hưởng của tầm quan trọng chiến lược của nước láng giềng với họ. Miến Ðiện rất giàu tài nguyên như dầu khí mà Ấn Ðộ cần đến. New Delhi muốn đối trọng với Trung Quốc, là nước đã tiếp xúc với chế độ cô lập này và tiến sâu vào nước này. New Delhi cũng cần đến sự giúp đỡ của Miến Ðiện trong việc kiểm soát các nhóm nổi dậy hoạt động dọc theo đường biên giới chúng với miền đông bắc Ấn Ðộ.

Nhưng trong khi Miến Ðiện trải qua một sự biến chuyển chính trị, New Delhi muốn hàn gắn quan hệ với phong trào tranh đấu cho dân chủ. Trong một chuyến thăm Miến Ðiện hồi tháng 5, Thủ tướng Ấn Ðộ Manmohan Singh đã gặp bà Aung San Suu Kyi và mời bà đọc bài diễn thuyết đầy uy tính tại Ðài kỷ niệm Jawaharlal Nehru vào thứ tư này.

Chuyến thăm Ấn Ðộ trong 5 ngày của bà cũng bao gồm các cuộc hội kiến với các nhà chính trị hàng đầu của Ấn Ðộ, và một cuộc họp ngắn với các nhà hoạt động Miến Ðiện ở New Delhi.

Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ đã gọi chuyến thăm của bà là một cơ hội để củng cố động năng tích cực trong quan hệ song phương. Bộ nói chuyến thăm nằm trong khuôn khổ chính sách của Ấn Ðộ là tiếp đón các nhà lãnh đạo cấp cao của Miến Ðiện.

Ông Bharat Karnad thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi nói rằng có nhiều phần chắc Ấn Ðộ sẽ thực hiện một hành động quân bình tốt.

Ông Karnad cho biết: “Chuyến thăm này sẽ mang tính cách rất nồng ấm, thân mật, cực kỳ biểu tượng, nhưng chính phủ Ấn Ðộ sẽ không đưa ra lập trường nào về tương lai chính trị riêng của bà Aung San Suu Kyi hay của đảng bà. Tôi không cho rằng chính phủ Ấn Ðộ sẽ lại muốn đánh liều một lần nữa bằng cách lánh xa các tướng lãnh Miến Ðiện qua việc đảo ngược tình thế hiện tại.”

Thủ tướng Miến Điện Manmohan Singh gặp bà Aung San Suu Kyi tại Yangon, Miến Điện, ngày 29/5/2012.
Thủ tướng Miến Điện Manmohan Singh gặp bà Aung San Suu Kyi tại Yangon, Miến Điện, ngày 29/5/2012.
Tuy nhiên, giới hoạt động đòi dân chủ Miến Ðiện hy vọng rằng chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi không phải chỉ nằm trong một hành động làm lành của New Delhi. Họ muốn Ấn Ðộ đóng một vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ cho Miến Ðiện trên con đường thay đổi chính trị lâu dài.

Ấn Ðộ đã đề nghị trợ giúp tiến trình dân chủ hóa của Miến Ðiện, đào tạo các nhà lập pháp và xây dựng khả năng của các cơ chế như Uỷ ban Nhân quyền Toàn quốc. Miến Ðiện đã gửi các ký giả địa phương sang Ấn Ðộ để xem một nền dân chủ Á châu với nhiều sắc dân có thể hoạt động như thế nào.

Một cựu dân biểu trong đảng của bà Aung San Suu Kyi là Liên minh Toàn quốc Ðấu tranh cho Dân chủ, ông Tint Swe, đã sống lưu vong ở New Delhi từ 20 năm qua. Ông cảm thấy chuyến đi này đem lại một tia hy vọng.

Ông Swe nói: “Tại sao lại không thể là một đường lối của chính phủ Ấn Ðộ đem lại thay đổi cho Miến Ðiện? Chúng ta muốn những điều tốt đẹp nhất từ Ấn Ðộ, kể cả kinh doanh, kể cả thương mại, kể cả đầu tư. Số 1 là các khái niệm dân chủ. Công cuộc kinh doanh của Ấn Ðộ tại Miến Ðiện phải minh bạch hơn, mang nhiều trách nhiệm hơn đối với Miến Ðiện. Chúng ta cần có một nền giáo dục tốt từ Ấn Ðộ.”

Đây là thông điệp mà có nhiều phần chắc bà Aung San Suu Kyi sẽ chuyển cho Ấn Ðộ. Chuyến thăm của bà cũng sẽ nhuốm nặng phần hoài cổ. Bà sẽ đi thăm trường cũ ở New Delhi – nay là một trong những trường có uy tín nhất nước. Bà cũng sẽ đi đến trung tâm kỹ thuật thông tin của Ấn Ðộ là Bangalore, cùng các vùng nông thôn trong bang Andhra Pradesh, để nghiên cứu các chương trình phát triển nông thôn và đem lại quyền cho người phụ nữ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG