Đường dẫn truy cập

Ai Cập ra lệnh điều tra vụ giẫm đạp chết người ở sân vận động


Một cổ động viên đứng gần chiếc xe cảnh sát bị cháy trong khi xô xát diễn ra giữa các cổ động viên và lực lượng an ninh trước sân vận động ở ngoại ô thủ đô Cairo, 8/2/15
Một cổ động viên đứng gần chiếc xe cảnh sát bị cháy trong khi xô xát diễn ra giữa các cổ động viên và lực lượng an ninh trước sân vận động ở ngoại ô thủ đô Cairo, 8/2/15

Ai Cập đã đình chỉ tất cả những trận đấu bóng đá lớn trong nước hôm thứ Hai và ra lệnh điều tra một vụ đụng độ bạo lực ở một vùng ngoại ô Cairo giữa lực lượng an ninh và người hâm mộ bóng đá, khiến hơn 20 người thiệt mạng.

Bạo lực hôm Chủ Nhật nổ ra khi cảnh sát bắn khói cay và đạn bắn chim vào hàng người hâm mộ tìm cách xông vào sân vận động Phòng Không thuộc một cơ sở quân sự. Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi đã ra lệnh điều tra "để tìm ra nguyên nhân gốc rễ" của vụ bạo lực.

Người hâm mộ đổ lỗi cho cảnh sát. Nhà chức trách cho biết người hâm mộ bị ngạt vì khói cay hoặc bị giẫm đạp trong khi cố gắng thoát khỏi hiện trường. Bộ Nội vụ cho biết 22 cảnh sát cũng bị thương và 18 người bị bắt giữ.

Ít nhất một trong số những nạn nhân được chôn cất hôm thứ Hai, với những người đưa tang trên đường phố hô to: "Tôi có thể nghe tiếng mẹ người tuẫn đạo gào thét, ai sẽ trả thù cho con tôi?"

Tuy nhiên, giáo sư ngành xã hội học chính trị, Said Sadek, cho biết người hâm mộ có lỗi một phần. "Hầu hết những người chết là vì bị giẫm đạp. Họ chạy thoát thân. Tất nhiên không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cảnh sát, họ có thể làm được gì? Bạn muốn vào sân bằng vũ lực mà không có vé trong bầu không khí khủng bố và bạo lực?"

Vụ đụng độ xảy ra tại một trận đấu giữa hai câu lạc bộ của Cairo, Zamalek và Enppi.

Vụ bạo động đẫm máu nhất trong lịch sử bóng đá Ai Cập là một trận đấu hồi năm 2012 khi đội Al-Masry của thành phố Port Said đá với đội Al-Ahly của Cairo trên sân nhà. Vụ bạo động đó làm thiệt mạng 74 người. Cuối năm đó, người hâm mộ giận dữ đốt cháy trụ sở Liên đoàn bóng đá Ai Cập, phản đối quyết định của Liên đoàn cho tiếp tục những trận đấu trước khi đưa những người đằng sau vụ bạo động năm 2012 ra trước công lý.

Ai Cập đã kiểm soát số lượng người được phép vào xem các trận bóng đá kể từ vụ bạo động đó, khiến người hâm mộ thường tìm cách xông vào sân bóng mà họ bị cấm vào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG